Ngày 3/4, tại Trường Đại học Văn Lang, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 cho 63 Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 chủ trì hội nghị.
Kỳ thi năm nay được tổ chức gọn gàng, giảm áp lực
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, hàng năm, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là kỳ thi có tính chất quan trọng, quy mô lớn trên cả nước.
Năm nay cũng là năm đầu tiên, kỳ thi được triển khai theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với phương thức thi mới (2+2 môn thi), đổi mới nội dung theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức gọn gàng, giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng, chất lượng, đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông.
Trong bối cảnh các tỉnh, thành phố đang thực hiện việc sắp xếp bộ máy, sáp nhập tỉnh, bỏ chính quyền cấp huyện có tác động và ảnh hưởng đến công tác tổ chức kỳ thi là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, tôi mong các địa phương không vì việc sắp xếp bộ máy mà lơ là việc tổ chức kỳ thi”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đề nghị, các địa phương cần thực hiện việc dự báo khâu nào là khó khăn nhất, dễ xảy ra rủi ro nhất trong công tác tổ chức kỳ thi, từ đó dự báo nhiệm vụ, giải pháp để chủ động huy động, bố trí lực lượng nhằm sẵn sàng ứng phó.
Song song đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng còn yêu cầu, các địa phương phải chỉ đạo kỹ, cá thể hóa từng vị trí, nhiệm vụ với tinh thần gọn gàng, giảm áp lực, tốn kém nhưng vẫn phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, kết quả được sử dụng để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.
Nhấn mạnh muốn thi tốt thì phải dạy và học tốt, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng mong muốn các Sở Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện việc chỉ đạo tốt công tác dạy học, nhất là trong bối cảnh thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về quản lý dạy thêm, học thêm.
Trong đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị cần chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo kết quả học tập tốt cho các em học sinh trong quá trình học.
“Tinh thần những năm tới là hướng tới không ôn thi quá dài. Vì thế, năm tới, kỳ thi có thể được tổ chức ngay sau khi hoàn thành chương trình năm học, chứ không kéo dài việc ôn thi cả tháng như hiện nay”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu.
Các đại biểu tham dự hội nghị được tổ chức tại Trường Đại học Văn Lang vào sáng ngày 3/4 (ảnh: V.D)
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị 100% các trường phải tổ chức thi thử, vận hành thật, đánh giá thật, sử dụng kết quả đó để phân loại học sinh, để các em được bổ sung kiến thức kịp thời. Đây cũng là dịp để các thầy cô giáo tập dợt công tác tổ chức, coi thi.
6 điểm mới của kỳ thi năm 2025
Tại hội nghị này, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu lên 6 điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Đó là:
Thứ nhất: Kỳ thi được tổ chức theo hướng giảm áp lực giảm buổi thi từ 4 buổi xuống còn có 3 buổi.
Thứ hai: Đề thi theo hướng đánh giá năng lực, có các môn thi mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa.
Thứ ba: Đẩy mạnh việc chuyển đổi số, 100% thí sinh đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến.
Thứ tư: Tăng cường sử dụng kết quả đánh giá quá trình xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ 30% lên 50%.
Thứ năm: Thay đổi về chứng chỉ và điểm khuyến khích đối với môn Ngoại ngữ, tiếng Việt, chứng chỉ nghề. Cụ thể, thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ, người nước ngoài có chứng chỉ tiếng Việt sẽ được miễn thi môn Ngữ văn. Tuy nhiên, chứng chỉ này không quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, chỉ giảm môn thi và yêu cầu chứng chỉ phải còn hạn sử dụng đến ngày 25/6/2025.
Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương phát biểu (ảnh: V.D)
Thứ sáu: Quy trình coi thi, chấm thi được điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với phương án tổ chức kỳ thi, đồng thời khắc phục các hạn chế, bất cập trước đây để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình thực hiện.
Thí sinh chỉ ngồi 1 phòng thi trong suốt 3 buổi thi. Trong một buổi thi, khi kết thúc tất cả các môn thi, thí sinh mới được rời khỏi điểm thi để nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, khác với các năm trước là thí sinh được rời khỏi điểm thi sau khi đã kết thúc môn thi.
Mong cung cấp đề thi sớm
Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội thông tin, năm nay, số lượng thí sinh của Hà Nội là 126.000 em, tăng tới 17.000 em, trong khi là phải tổ chức thi cho cả 2 chương trình khác nhau, nên vấn đề sao in đề thi sẽ cần nhiều thời gian, và có thể gặp khó khăn về máy móc, kỹ thuật.
“Chúng tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp đề thi sớm hơn từ 1 đến 2 ngày, để Sở có nhiều thời gian chuẩn bị hơn trong khâu sao in đề thi, tránh xảy ra những tình huống sẽ không kịp xử lý”, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đề xuất.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Bảo Quốc nêu ý kiến (ảnh: V.D)
Trong khi đó, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp theo Chương trình 2006 của thành phố là khá lớn, tới 10.000 thí sinh nên cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có đề thi, ưu tiên chuyển sớm đề thi của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, để không nhầm lẫn với đề thi của Chương trình 2006.
Đồng quan điểm này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị nói, tổ chức thi cho thí sinh của cả hai chương trình nên cũng cần kỹ lưỡng, cần có hướng dẫn quy trình sao in đề thi để đảm bảo kịp thời, an toàn.
Việt Dũng