Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), ngay trước thời điểm đặc biệt này.
GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) tại phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ năm 2010. Ảnh: Tư liệu TTXVN
- PHÓNG VIÊN: Thưa GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, dường như bà đã rất bất ngờ khi được Quỹ giải thưởng Ramon Magsaysay 2024 vinh danh?
- GS-TS-BS NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯỢNG: Cuối tháng 8 vừa qua, Quỹ giải thưởng Ramon Magsaysay liên hệ tôi và thông báo tin vui. Quả thật, tôi bất ngờ vì không biết mình được đề cử cũng như quá trình ban tổ chức thu thập, xác minh thông tin. Thậm chí, tôi còn thấy hơi ngại vì lớn tuổi rồi. Tôi hạnh phúc vì những đóng góp của bản thân được ghi nhận tại giải thưởng quốc tế có bề dày lịch sử 67 năm. Cố GS Võ Tòng Xuân, TS Võ Thị Hoàng Yến cũng từng được Quỹ giải thưởng Ramon Magsaysay vinh danh.
Trong giờ phút này, tôi nhớ đến những nạn nhân chất độc da cam/dioxin, những đứa trẻ khuyết tật, những tháng ngày tôi và đồng nghiệp miệt mài tìm kiếm bằng chứng về hậu quả của chất độc dioxin tại Việt Nam. Chặng đường 50 năm ấy thực sự gian nan nhưng chúng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc, góp phần quan trọng trong việc chứng minh sự tàn phá của chất độc hóa học trên sức khỏe con người, hỗ trợ, đòi công lý cho nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.
- Hành trình dấn thân vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã bắt đầu ra sao? Đó là nhiệm vụ hay là lựa chọn của bà?
- Khi còn rất trẻ, tôi đỡ đẻ cho một sản phụ tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM). Em bé lọt lòng mẹ, hiện dần hình hài trên đôi tay của tôi: cơ thể toàn lông và không có sọ (dị tật vô sọ). Hoảng loạn, kinh hoàng, nhưng đó không phải trường hợp bất thường duy nhất. Bệnh viện gặp ngày càng nhiều những thai nhi dị tật (quái thai), em bé vô sọ, khuyết mắt mũi, không có tay chân. Những người mẹ không thể chấp nhận sự thật tàn khốc đó, bản thân họ cũng bị gia đình hắt hủi. Có gì đó rất bất thường! Tôi đề xuất bệnh viện cho lưu trữ các thai nhi dị tật để tìm hiểu.
Trong quá trình tìm tòi, tôi tiếp cận được một tài liệu của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ công bố và lờ mờ nhận ra, các thai nhi dị tật liên quan đến chất độc hóa học quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Tuy nhiên, từ năm 1976 trở đi tôi mới thực sự bước vào hành trình tìm kiếm các bằng chứng khoa học xác định chất độc da cam/dioxin gây ra dị tật bẩm sinh và một số loại ung thư.
Năm 1982, tôi về xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre - nơi hứng chịu rất nhiều chất độc hóa học chiến tranh. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ sẩy thai, thai chết lưu, trẻ chết ngay sau sinh ở đây rất cao, hơn 4%. Quay về TPHCM, tôi thực hiện khảo sát tương tự với một nhóm dân cư và tỷ lệ tương ứng rất thấp. Tiếp tục điều tra cơ bản tại Cà Mau, kết quả, tỷ lệ trẻ khuyết tật bẩm sinh, sứt môi chẻ vòm hầu, tỷ lệ sẩy thai, thai chết lưu rất nhiều.
Với dữ liệu thu thập được, chúng tôi đã trình bày 3 bài báo cáo ở Hội nghị quốc tế với đại biểu từ 22 quốc gia tham dự, tổ chức tại TPHCM vào năm 1982. Hội nghị có nội dung về hậu quả lâu dài của các chất làm trụi lá và diệt cỏ mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Các chuyên gia thảo luận và xác nhận có 5 loại khuyết tật thường gặp ở Việt Nam nhưng rất hiếm hoặc không gặp ở các nước khác. Bao gồm: khuyết tật ống thần kinh (vô sọ, nứt tủy sống, khối u tủy sống...), khuyết tật cơ quan giác quan (mắt, mũi, miệng...), song thai dính liền (như trường hợp Nguyễn Việt - Nguyễn Đức), khuyết tật tay chân (như trường hợp Trần Thị Hoan), sứt môi chẻ vòm hầu.
Năm 1987, trong một hội nghị về chất độc dioxin tại Mỹ, tôi tiếp tục trình bày và cung cấp các bằng chứng khoa học. Sau đó, bài báo cáo được biên tập và đăng tải trên một tạp chí khoa học của Anh vào năm 1989. Những điều này đã gây được sự chú ý và quan tâm của giới khoa học. Mỹ cũng cử các nhà khoa học đến và hợp tác cùng chúng ta nghiên cứu bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như xét nghiệm định lượng dioxin trong mỡ và máu…
Tuy nhiên, thời điểm đó, không phải ai cũng biết tác hại của chất độc da cam/dioxin đối với nạn nhân Việt Nam. Chúng tôi đã đi đến một số quốc gia trong điều kiện rất khó khăn để tuyên truyền. Hành trang là sự “gan lì” và hình ảnh của những đứa trẻ, những thai nhi gánh chịu di họa chiến tranh. Khi đã hiểu ra, mọi người đều xúc động và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
- Sự “gan lì” ấy đã theo bà trong các phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ để đòi công lý, công bằng cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam?
- Ngày 31-1-2004, nhóm bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam/dioxin là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã kiện 37 công ty Mỹ phải bồi thường do trách nhiệm gây ra thương tích vì đã sản xuất chất hóa học này. Nếu chúng ta không kiện ngay sẽ hết thời hạn, rất nhiều nạn nhân đã chết dần chết mòn. Dư luận quốc tế quan tâm. Hạ viện Mỹ tổ chức phiên điều trần về vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam do nghị sĩ Eni Faleomavaega, Chủ tịch Tiểu ban châu Á, Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, kêu gọi.
Ở phiên điều trần năm 2008, tôi tham gia với tư cách nhà khoa học. Phiên điều trần năm 2010, tôi và em Trần Thị Hoan (khi đó 23 tuổi) - một nạn nhân da cam không có chân, cụt một tay - cùng tham gia. Lần này, đại diện chính quyền Mỹ cho biết sẵn sàng hợp tác trong việc cải tạo môi trường, khắc phục hậu quả do chất độc da cam/dioxin gây ra. Sau đó, hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega sang thăm Việt Nam và ghé thăm Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ). Tôi vẫn giữ bức ảnh kỷ niệm đặc biệt ấy.
Năm 2009, tôi và các đồng chí trong VAVA sang Paris (Pháp) tham dự Tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp cô Trần Tố Nga (công dân Pháp gốc Việt, người khởi kiện các tập đoàn hóa chất đã cung cấp cho quân đội Mỹ chất độc da cam/dioxin sử dụng trong chiến tranh Việt Nam - PV). Bạn thấy đấy, hành trình đầy rẫy gian nan gần 50 năm qua và tôi không đơn độc. Chúng ta có thể chưa thành công về mặt pháp lý nhưng nhận được sự ủng hộ lớn lao của dư luận quốc tế, của những người yêu hòa bình và thức tỉnh lương tri loài người. Chúng ta sẽ không bỏ cuộc!
- Trong những năm tháng đấu tranh không ngừng nghỉ vì lẽ công bằng, bà còn nỗ lực tận dụng sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin?
- Như tôi đã nói, ban đầu, chúng ta phải đi để chia sẻ với nhân dân các nước về hậu quả chất độc dacam/dioxin trên nạn nhân Việt Nam. Cũng chính giai đoạn này, tổ chức Làng Hòa Bình quốc tế đã đồng ý tài trợ xây dựng Làng Hòa Bình đầu tiên của Việt Nam. Đó là Làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ, nơi nuôi dưỡng, chăm sóc cho hơn 400 trẻ em khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam. Nhờ sự cưu mang và yêu thương của các cô ở Làng Hòa Bình, nhiều em học đến đại học, có việc làm ổn định và tự nuôi sống bản thân. Trong đó, có Nguyễn Đức, cậu bé trong ca mổ song sinh dính liền, vẫn thường gọi tôi là “má Phượng”. Nhiều tổ chức quốc tế đã đồng hành, hỗ trợ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.
Hậu quả chiến tranh, nỗi đau da cam đang hiện hữu và còn kéo dài qua các thế hệ. Hiện tại, nhờ sự phát triển của y khoa, nhiều dị tật bẩm sinh được phát hiện ngay trong thai kỳ. Chúng ta không phải đối mặt với những thai nhi mang dị tật đau thương như hàng chục năm trước. Những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, chính sách giải quyết hậu quả chất độc da cam, trợ cấp và chăm sóc cho nạn nhân, gia đình. Các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội đã chung tay góp sức rất nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn mong mỏi làm thế nào để những đứa trẻ của nỗi đau da cam được chăm sóc, học tập, hòa nhập với xã hội, phát triển bản thân, có cuộc đời tự chủ và cuộc sống gia đình như bao người khác. Đó cũng là trách nhiệm của toàn xã hội.
- Bà có thể chia sẻ cảm xúc cá nhân ngay trước thời điểm trang trọng nhận giải thưởng được xem là “Nobel của châu Á”?
- Giải thưởng Ramon Magsaysay là niềm vui, là sự ghi nhận và tôi rất trân trọng. Tuy nhiên, sự công nhận của người dân TPHCM với những gì tôi đã làm hơn 50 năm qua quan trọng hơn mọi giải thưởng.
Tôi được sống và làm việc ở môi trường, ở vùng đất đầy tình thương, cũng như nhận được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt - Mỹ và nhiều đoàn thể khác… để có thể thực hiện các trọng trách, mang lại những kết quả nhất định cho nạn nhân da cam/dioxin. Tôi xin trân trọng những tình cảm thân thương này! Hành trình vì nạn nhân da cam/dioxin hay những công việc tôi vẫn thực hiện mỗi ngày vì sức khỏe của người bệnh, còn sức thì tôi còn làm!
GIAO LINH thực hiện