GS.TS. Nguyễn Lân Việt: 'Nếu có kiếp sau tôi vẫn muốn được làm bác sĩ'

GS.TS. Nguyễn Lân Việt: 'Nếu có kiếp sau tôi vẫn muốn được làm bác sĩ'
6 giờ trướcBài gốc
Đó là những lời tâm sự của AHLĐ.GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Việt – Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Bắc, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Nguyên Trưởng Bộ môn Tim mạch ĐH Y Hà Nội.
Nghề chọn người!
GS.TS Nguyễn Lân Việt sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa cử lâu đời tại Việt Nam. Cha ông - cố NGND Nguyễn Lân (1906 - 2003), được mệnh danh là "Người Thầy của những người Thầy" trong nền giáo dục hiện đại. Các anh chị em của ông cũng đều là những nhà khoa học xuất sắc, góp phần làm rạng danh dòng họ Nguyễn Lân.
Sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai Nguyễn Lân Việt khi đó có nguyện vọng được vào khoa Toán Lý của trường Đại học Bách khoa. Nhưng sau khi nghe lời cha, mong trong gia đình có một người làm bác sĩ, cậu học trò Nguyễn Lân Việt đã quyết định thi vào trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1970, sau khi đỗ vào trường, Nguyễn Lân Việt chính thức bắt đầu cuộc hành trình của con đường y học.
GS.TS. Nguyễn Lân Việt thăm khám cho người bệnh và chỉ bảo cho các học trò của mình. Ảnh: NVCC.
"Mới đầu tôi cũng chưa thực sự hiểu và yêu thích ngành y, nhưng từ năm thứ 3 của Đại học, khi bắt đầu được đi thực hành bệnh viện, được khám cho người bệnh, phụ cho các Thầy và các anh chị khóa trên làm các thủ thuật như tiêm truyền, bó bột, thông tiểu, phụ mổ … thì tôi mới bắt đầu thấy nghề này hay quá và dần có niềm đam mê.
Từ năm thứ 4 đại học, tôi bắt đầu được học 4 môn chính trong ngành y bao gồm Nội, Ngoại, Sản, Nhi, thì tình yêu dành cho công việc này lại được nhân lên theo cấp số nhân. Trước kia đúng là tôi không chọn ngành y, nhưng may sao "nghề y đã chọn mình", GS.TS. Nguyễn Lân Việt chia sẻ.
Khi bắt đầu vào học Nội trú và làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS. Nguyễn Lân Việt nhận thấy, ngành Tim mạch có bệnh lý rất phong phú; các phương pháp thăm dò và điều trị lại rất đa dạng, nên cảm thấy yêu thích hơn bất cứ chuyên ngành nào khác. Kể từ đó, những kiến thức về chuyên ngành Tim mạch cùng với GS.TS. Nguyễn Lân Việt dần dần như hòa thành một. Từ sách vở, thực tế đều được GS.TS. Nguyễn Lân Việt ghi nhớ vào trong trí óc và đôi tay của mình.
"Nhớ lại thời gian học nội trú, nhà tôi ở ngay Kim Liên, Hà Nội, nhưng tôi gần như ăn - ở trong bệnh viện. Ngày nào cũng như ngày nào, tôi luôn bán sát bệnh phòng tới 1-2h sáng mới bắt đầu từ khoa Cấp cứu A9 trở về phòng thường trú trong bệnh viện. Nghĩ lại thì thời kì đó vất vả quá, nhưng tôi chưa một giây phút nào thấy hối hận. 4 năm học Nội trú là 4 năm tôi học được nhiều nhất, đấy là khoảng thời gian quá quý giá, giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều", GS.TS Nguyễn Lân Việt tâm sự.
Một chữ "Tâm" 2 chữ "Thầy"
Trong 45 năm học tập, nghiên cứu và cống hiến không ngừng nghỉ, từ một bác sĩ Nội trú, chàng trai Nguyễn Lân Việt đã dần ghi dấu ấn sâu sắc trong các lĩnh vực quản lý, giảng dạy và điều trị. Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Phó Trưởng bộ môn Tim mạch tại Trường ĐH Y Hà Nội và Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam.
Với kinh nghiệm dày dặn từ giảng dạy đến thực hành lâm sàng, ông luôn chú trọng kết hợp giữa lý thuyết và thực tế trong đào tạo y khoa. Dưới sự dẫn dắt của ông, mô hình kết hợp giữa Viện Tim mạch Việt Nam và Bộ môn Tim mạch ĐH Y Hà Nội đã phát huy hiệu quả, giúp giảng viên và sinh viên tiếp cận những kiến thức y học tiên tiến nhất. Nhờ vậy, đội ngũ thầy thuốc tại Viện Tim mạch Việt Nam luôn được cập nhật những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực Tim mạch, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và đào tạo thế hệ bác sĩ kế cận.
Năm 2003, GS.TS Nguyễn Lân Việt được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội. Trong nhiệm kỳ của ông, Trường Đại học Y khoa Hà Nội đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cũng trong thời gian này, nhờ sự nỗ lực của ông cùng lãnh đạo nhà trường, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội, niềm ao ước của nhiều thế hệ Thầy và trò đã chính thức ra đời, tạo thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu và học tập hiệu quả cho thầy và trò trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời cũng góp phần tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Với những đóng góp lớn trong công tác giáo dục và đào tạo, năm 2008, GS.TS Nguyễn Lân Việt vinh dự được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
Không chỉ giỏi trong công tác quản lý, đào tạo, GS.TS. Nguyễn Lân Việt còn là một người thầy thuốc, một nhà khoa học xuất sắc. Ông đã chủ trì, tham gia nghiên cứu 4 đề tài cấp khoa học Nhà nước và nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ. Điển hình như đề tài "Nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ y học hiện đại của thế giới trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh tim mạch ở Việt Nam" mà ông tham gia đã được tặng "Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ" năm 2005.
GS.TS. Nguyễn Lân Việt cùng các học trò thăm khám cho người bệnh. Ảnh: NVCC.
Ngoài ra, ông đã xuất bản được 19 đầu sách và giáo trình giảng dạy đại học và sau đại học; công bố hơn 140 bài báo khoa học trên các Tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước; tham gia thuyết trình nhiều đề tài tại các hội thảo khoa học; tham gia hội chẩn điều trị cho nhiều ca bệnh khó tại các bệnh viện ở Trung ương và các tỉnh thành...
Năm 2007 khi trở thành Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Lân Việt đã rất quyết tâm trong việc ứng dụng, triển khai và phát triển nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chuyên ngành Tim mạch như: Siêu âm tim cản âm, siêu âm gắng sức, siêu âm tim qua thực quản, nong và đặt Stent động mạch vành, nong van tim bằng bóng qua da, điều trị các rối loạn nhịp tim phức tạp bằng RF, can thiệp trong các bệnh tim bẩm sinh, … Việc ứng dụng thành công, rộng rãi các kỹ thuật tiên tiến này là một thành công lớn, giúp bệnh nhân giảm được rất nhiều chi phí điều trị, thay vì phải ra nước ngoài chữa trị tốn kém như trước kia.
GS.TS Nguyễn Lân Việt cùng tập thể lãnh đạo Viện đã đưa Viện Tim mạch trở thành đơn vị mũi nhọn hàng đầu trong lĩnh vực Tim mạch của đất nước và Viện Tim mạch Việt Nam đã vinh dự được nhận danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kì đổi mới".
Với tư cách là Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước "Ứng dụng tiến bộ khoa học trong chẩn đoán chính xác và điều trị một số bệnh tim bẩm sinh thường gặp", GS.TS. Nguyễn Lân Việt đã trực tiếp chỉ đạo, triển khai lần đầu tiên ở nước ta Kỹ thuật Tim mạch can thiệp trong các bệnh tim bẩm sinh. Kỹ thuật này đã giúp cho hàng nghìn các bệnh nhân tim bẩm sinh được chữa khỏi bệnh mà không cần phải mổ.
Trong nhiệm kỳ là Viện trưởng Viện Tim mạch, ông cũng đã chỉ đạo triển khai được hàng loạt các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến nhất các bệnh tim mạch như: Siêu âm trong lòng mạch (IVUS), đo phân suất dự trữ vành (FFR), đặt Stent Graft động mạch chủ, Thay van động mạch chủ qua da (TAVI) …
Đặc biệt từ 1996 đến hết năm 2013, Viện Tim mạch đã triển khai thành công kỹ thuật Tim mạch can thiệp cho 59.695 bệnh nhân. Với tư cách là Chủ nhiệm đề tài độc lập cấp Nhà nước: "Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh nhân suy tim sau nhồi máu cơ tim" - lĩnh vực lần đầu tiên được triển khai ở nước ta, GS.TS Nguyễn Lân Việt cùng các đồng nghiệp của mình đã góp phần cứu chữa cho nhiều bệnh nhân bị suy tim nặng sau nhồi máu cơ tim được điều trị đạt hiệu quả tốt.
Đặc biệt, ông đã chỉ đạo và trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chuyển giao công nghệ để xây dựng và triển khai thành công gần 50 "Trung tâm Tim mạch can thiệp" tại nhiều vùng, miền trong cả nước, giúp nhân dân ở nhiều vùng xa xôi cũng được thừa hưởng các kỹ thuật tiên tiến, không phải ra nước ngoài chữa bệnh như trước đây, tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho người bệnh, đem lại hiệu quả cao về kinh tế và xã hội.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn miền Bắc thuộc Ban bảo vệ sức khỏe TW, ông đã tích cực tham gia khám, phát hiện bệnh và điều trị một cách có hiệu quả cho nhiều cán bộ cao cấp, trong đó có cả nhiều đồng chí là Lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Bằng những nỗ lực và cống hiến của mình, GS.TS Nguyễn Lân Việt đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động" thời kỳ đổi mới vào ngày 30/11/2015.
Với cương vị là Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Lân Việt vẫn luôn có những đóng góp nhiều cho ngành tim mạch học của nước nhà. Ảnh: Quỳnh Mai.
GS.TS Nguyễn Lân Việt tham gia đào tạo cho hàng nghìn bác sĩ tim mạch
Là người có thâm niên giảng dạy trong 45 năm, GS.TS Nguyễn Lân Việt đã trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ của cả nước. Ông đã đào tạo cho hàng nghìn bác sĩ Tim mạch, hàng trăm ThS Y khoa, BSCK I, BSCKII, BS nội trú; Trực tiếp hướng dẫn chính Luận án Tiến sĩ cho 22 Nghiên cứu sinh chuyên ngành Tim mạch.
Với trách nhiệm của một người thầy giáo, GS.TS Nguyễn Lân Việt đã luôn coi trọng việc đổi mới các phương pháp giảng dạy cũng như đổi mới các giáo trình, giáo án sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Với ông, phương châm dạy học sẽ là: Học viên là trung tâm, giáo viên hướng dẫn và giúp phát triển kỹ năng, kiến thức của học viên.
Các bài giảng lâm sàng của ông thường thực sự có sức hấp dẫn với các học viên vì khả năng sư phạm tốt kết hợp với những kinh nghiệm lâm sàng quý báu mà ông đã tích lũy được trong cuộc đời hành nghề của mình.
Cho đến tận bây giờ, GS.TS. Nguyễn Lân Việt vẫn tích cực tham gia vào công việc nghiên cứu và giảng dạy. Với cương vị là Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, ông vẫn luôn có những đóng góp nhiều cho ngành tim mạch học của nước nhà.
"Cái thiếu thốn nhất của người bác sĩ đó là thời gian dành cho bản thân, cho gia đình, bởi công việc luôn bận rộn và căng thẳng. Tuy nhiên bù lại, người thầy thuốc có một niềm vui sướng và hạnh phúc mà không ngành nào có được, đó chính là khi cứu sống được một người bệnh. Niềm hạnh phúc ấy không chỉ đến từ những lần đưa được họ từ cõi chết trở về, mà còn đến từ những khoảnh khắc giản dị khi chứng kiến bệnh nhân hồi phục, hay khi nhận được lời cảm ơn chân thành cùng ánh mắt đầy hy vọng của họ. Dù vất vả, thậm chí có những lúc kiệt sức, nhưng chính những điều đó đã tiếp thêm động lực để những người bác sĩ chúng tôi tiếp tục cống hiến, tiếp tục đặt sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân lên hàng đầu. Bởi nghề y không chỉ là một nghề cao quý mà còn là một sứ mệnh cao cả", GS.TS. Nguyễn Lân Việt chân thành chia sẻ.
Quỳnh Mai
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/gsts-nguyen-lan-viet-neu-co-kiep-sau-toi-van-muon-duoc-lam-bac-si-169250219110949928.htm