GS-TS Nguyễn Xuân Tiên: Gốm Biên Hòa - tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp văn hóa

GS-TS Nguyễn Xuân Tiên: Gốm Biên Hòa - tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp văn hóa
12 giờ trướcBài gốc
GS-TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Xuân Tiên (giữa) tham quan gốm Biên Hòa tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Ảnh: L.Na
Để gốm Biên Hòa - Đồng Nai tiếp tục phát triển, lan tỏa, vươn ra thị trường quốc tế, theo GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, cần có kết hợp giữa truyền thống và hiện đại; đặc biệt, các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng từ gốm Biên Hòa có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp văn hóa.
* Thưa GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, gốm Biên Hòa là dòng gốm có lịch sử lâu đời. Theo ông, đâu là những nét đặc trưng nổi bật của gốm Biên Hòa?
- Gốm Biên Hòa - Đồng Nai sở hữu đặc trưng, từ chất liệu, màu men đến kỹ thuật nung, chạm khắc, tạo hình. Không chỉ nổi tiếng trong nước mà từ những năm 1920-1930, gốm Biên Hòa đã được nhiều nước trên thế giới biết đến. Hiện nay, các nghệ nhân Biên Hòa rất khéo léo kết hợp yếu tố truyền thống với tinh thần hiện đại, tạo nên những sản phẩm gốm không chỉ có giá trị sử dụng mà còn giàu tính nghệ thuật.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các sự kiện như Festival Gốm và các triển lãm gốm quy mô tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai trong việc quảng bá thương hiệu gốm Biên Hòa?
- Đây là những sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong việc quảng bá thương hiệu gốm Biên Hòa - Đồng Nai, nhất là trong bối cảnh phát triển và lan tỏa các giá trị văn hóa địa phương. Các triển lãm đã quy tụ nhiều nghệ sĩ, từ những người đã thành danh đến các tác giả trẻ, học sinh, sinh viên cùng thể hiện niềm say mê, tình yêu với chất liệu gốm truyền thống.
Sản phẩm gốm trưng bày trong các sự kiện rất phong phú, đa dạng về đề tài, chủ đề, thể loại, thể hiện rõ sự đầu tư trong kỹ thuật và tư duy sáng tạo. Quan trọng hơn, nhiều tác phẩm đưa công chúng bước vào thế giới của hình khối, men màu, để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của dòng gốm Biên Hòa.
* Ông nhận định thế nào về ngôn ngữ tạo hình và giá trị mỹ thuật của các tác phẩm gốm Biên Hòa hiện nay, khi chúng vừa giữ được bản sắc truyền thống như men xanh đồng, hoa văn dân gian, vừa có sự cách tân mạnh mẽ trong bố cục và hình khối?
- Trong các triển lãm gần đây, nhiều tác phẩm gốm Biên Hòa cho thấy sự giao thoa độc đáo giữa truyền thống và hiện đại. Các nghệ sĩ vẫn giữ gìn những yếu tố bản sắc như hoa văn dân gian, men xanh đồng - đặc trưng của gốm Biên Hòa, nhưng đồng thời mạnh dạn cách tân trong bố cục và tạo hình. Những tác phẩm này không chỉ thể hiện sự tinh tế trong ngôn ngữ tạo hình mà còn mở ra hướng tiếp cận mới cho nghệ thuật gốm Việt Nam. Qua đó, giúp nâng tầm gốm Biên Hòa trở thành một biểu tượng văn hóa có khả năng thích ứng và phát triển trong dòng chảy nghệ thuật đương đại.
GS-TS, Nhà giáo Nhân dân NGUYỄN XUÂN TIÊN là nhà điêu khắc có nhiều đóng góp nổi bật cho nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Với nhiều năm giảng dạy và quản lý tại các cơ sở đào tạo mỹ thuật, ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng, tham gia nhiều triển lãm điêu khắc lớn trong và ngoài nước.
* Để bảo tồn và phát huy giá trị của gốm Biên Hòa trong bối cảnh hội nhập, theo ông, Đồng Nai cần những giải pháp gì?
- Gốm Biên Hòa đang từng bước phục hồi và ngày càng được quảng bá rộng rãi trong cộng đồng, góp phần khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Đồng Nai. Đây cũng là động lực để Đồng Nai tiếp tục nỗ lực đào tạo gốm, thu hút sinh viên theo đuổi nghề truyền thống, phát triển công nghiệp văn hóa qua các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, đặc biệt là các sản phẩm từ gốm. Trong bối cảnh hội nhập, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối doanh nghiệp, mở rộng không gian giới thiệu, trưng bày sản phẩm gốm đến công chúng trong và ngoài nước… là việc làm cần thiết để gốm Biên Hòa tiếp tục phát triển bền vững và lan tỏa sâu rộng.
* Ông kỳ vọng gì vào sự phát triển của gốm Biên Hòa trong tương lai, đặc biệt là vai trò của nó trong đời sống nghệ thuật đương đại và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống?
- Với những việc đã và đang thực hiện, tôi cho rằng, gốm Biên Hòa trong tương lai không chỉ được nhìn nhận là một di sản văn hóa truyền thống quý báu, mà còn trở thành tiềm năng, động lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững. Việc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và đổi mới trong thiết kế, tạo hình sẽ tạo ra những sản phẩm gốm vừa mang giá trị nghệ thuật cao, vừa có tính ứng dụng và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước lẫn quốc tế. Đây chính là hướng đi thiết thực để gốm Biên Hòa vừa giữ được hồn cốt văn hóa, vừa vươn ra thế giới như một sản phẩm văn hóa - kinh tế đặc trưng của Đồng Nai.
* Xin cảm ơn ông!
My Ny (thực hiện)
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/gs-ts-nguyen-xuan-tien-gom-bien-hoa-tiem-nang-lon-de-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-7bb2733/