GS.TS Trần Thọ Đạt
Phóng viên: Giáo sư thường nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế số. Giáo sư có thể chia sẻ cụ thể hơn về sự phát triển của kinh tế số ở Việt Nam và những thách thức đang đặt ra?
GS.TS Trần Thọ Đạt: Kinh tế số được xác định là một trong những động lực tăng trưởng rất quan trọng, giúp Việt Nam xác lập phương thức tăng trưởng mới; đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta cần tăng trưởng xanh, kinh tế số và tăng trưởng xanh có mối quan hệ biện chứng, tương hỗ lẫn nhau. Hiện tại, kinh tế số của Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá trong khu vực.
Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra là tỷ trọng kinh tế số đạt 20% vào năm 2025, thì đây là một thách thức vô cùng lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2024, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam mới đạt 13,17%. Để đạt được mục tiêu 20% trong năm nay là một chặng đường đầy khó khăn.
Phóng viên: Với mức tăng trưởng hiện tại, Giáo sư có thể chia sẻ về kịch bản tăng trưởng kinh tế số?
GS.TS Trần Thọ Đạt: Vâng, tôi đã đưa ra ba kịch bản chính để đánh giá khả năng đạt được mục tiêu này. Cụ thể, kịch bản 1 (dựa trên số liệu hiện tại): Nếu dựa vào số liệu Tổng cục Thống kê đã công bố, để đạt 20% vào năm 2025, kinh tế số phải có sự tăng trưởng vượt bậc, gấp nhiều lần so với giai đoạn vừa qua. Đây là một thách thức rất lớn, gần như không khả thi nếu không có đột phá mạnh mẽ.
Kịch bản 2 (tính toán toàn diện hơn): Chúng ta cần tính toán kinh tế số một cách đầy đủ và toàn diện hơn, dựa trên nhiều nguồn dữ liệu. Theo con số ước tính của Ủy ban Quốc gia về Kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số Việt Nam hiện nay đã vào khoảng 18%. Nếu theo số liệu này, khả năng chúng ta đạt được 20% vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi. Điều cốt yếu ở đây là chúng ta phải xác định giá trị hiện tại của kinh tế số năm 2024 một cách đầy đủ, toàn diện hơn, tập hợp được tất cả các cấu trúc và yếu tố cấu thành kinh tế số. Khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được chỉ tiêu đề ra.
Kịch bản 3 (đầu tư mạnh vào hạ tầng số): Đây là kịch bản mang tính chiến lược dài hạn, đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin, cả phần cứng và phần mềm. Chỉ khi kinh tế số lõi phát triển vững chắc, kinh tế số lan tỏa mới có thể phát triển và đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng nền kinh tế.
Phóng viên: Thưa Giáo sư, liệu Chính phủ có nên trực tiếp đầu tư và làm tất cả các dự án hạ tầng số hay đưa ra cơ chế cạnh tranh để các doanh nghiệp tư nhân cũng có thể tham gia và cung cấp dịch vụ cho Chính phủ?
GS.TS Trần Thọ Đạt: Trên phương diện kinh tế số, cách đầu tư của Chính phủ có thể hơi khác so với các lĩnh vực khác. Kinh tế số là kinh tế dựa trên dữ liệu, dựa trên nền tảng số và công nghệ số. Có những dữ liệu, có những nền tảng mang tính chất an toàn an ninh mạng, phải khẳng định được chủ quyền quốc gia. Và đấy chính là ưu tiên đầu tư của Chính phủ. Trong các nghiên cứu của chúng tôi cũng như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, khi phát triển kinh tế số, người ta luôn khuyến nghị Chính phủ cần phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạng, vì đó là chủ quyền quốc gia, là an ninh mạng, và là ưu tiên hàng đầu cho đầu tư công.
Ngoài ra, đối với các lĩnh vực khác của hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, chúng ta hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tham gia, tạo ra những sản phẩm "Make in Vietnam". Một số doanh nghiệp đầu ngành đã và đang làm rất tốt điều này, ví dụ như FPT, Viettel, họ đã xuất khẩu và có những nhà đầu tư lớn nước ngoài. Tuy nhiên, vai trò của đầu tư công, vai trò của Chính phủ trong phát triển kinh tế số, đặc biệt là trong hệ thống mạng, là hết sức quan trọng. Điều này khẳng định chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh mạng, an toàn dữ liệu, và là nền tảng cho một sự phát triển bền vững, bao trùm, đầy đủ và toàn diện của kinh tế số trong thời gian tới.
Phóng viên: Hiện nhiều trường đại học đã có chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao. Theo Giáo sư, làm thế nào để đảm bảo chất lượng nhân lực số, đặc biệt là để họ có thể đóng góp vào kinh tế số?
GS.TS Trần Thọ Đạt: Khi đào tạo nhân lực số, chúng ta nên hiểu theo nghĩa rộng. Chúng ta cần đào tạo những chuyên gia cao cấp, đầu ngành, trình độ cao. Họ không chỉ làm việc trong các lĩnh vực cao về kinh tế số, công nghệ thông tin của Việt Nam mà còn phải có khả năng gia nhập các tập đoàn công nghệ thông tin lớn trên thế giới.
Bên cạnh đó, vì đất nước ta vẫn còn khoảng cách số, và nhận thức số rất khác nhau, chúng ta cũng cần đào tạo cho cả người lao động phổ thông, bình dân, và cả người về hưu để họ biết cách sử dụng điện thoại di động, biết cách tiếp cận các dịch vụ số cơ bản.
Do vậy, chương trình đào tạo cần phải mang tính phổ cập, bao trùm và toàn diện. Thị trường nhân lực công nghệ thông tin rất đa dạng, phân khúc thành nhiều mảng, và mỗi đơn vị đào tạo có một vị thế và ưu thế nhất định trong thị trường đó. Tôi nghĩ rằng đây là một bức tranh hết sức sinh động của thị trường lao động. Sự chuyển mình của kinh tế số Việt Nam chính là sự chuyển mình của cả một quá trình nâng cao nhận thức của cả người dùng lẫn nhân lực để sử dụng và phát triển kinh tế số.
Phóng viên: Theo Giáo sư, thời gian tới chúng ta cần có những giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế số?
GS.TS Trần Thọ Đạt: Động lực tăng trưởng sáng tạo khá rộng, tôi xin tập trung vào động lực liên quan đến kinh tế số. Trong thời gian qua, chúng ta rất quan tâm đến các dự án lớn về hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nếu coi kinh tế số là động lực tăng trưởng mạnh, chúng ta phải đầu tư mạnh mẽ để phát triển kinh tế số. Do vậy, tôi rất mong muốn Chính phủ có những dự án đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, về phần cứng và phần mềm. Đây chính là yếu tố cốt lõi để kinh tế số phát triển trong thời gian tới. Kinh tế số lõi phát triển thì kinh tế số lan tỏa mới phát triển và đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Xin cảm ơn Giáo sư.
Hải Yến