Gửi ngân hàng 6.000 tỷ đồng, Đầu tư Sài Gòn VRG đang làm ăn ra sao?

Gửi ngân hàng 6.000 tỷ đồng, Đầu tư Sài Gòn VRG đang làm ăn ra sao?
7 giờ trướcBài gốc
CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (HoSE: SIP) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 với việc ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.941 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.
Động lực tăng trưởng chính tiếp tục đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ tiện ích điện, nước cho khu công nghiệp với gần 1.590 tỷ đồng, chiếm hơn 80% tổng doanh thu và tăng 7% so với quý 1 năm ngoái.
Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp trong kỳ cải thiện từ 15% lên gần 17%, qua đó nâng mức lãi gộp lên hơn 320 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng tăng vọt lên gần 234 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ, chủ yếu nhờ ghi nhận lãi từ hoạt động thoái vốn đầu tư.
Mặc khác, chi phí vận hành trong kỳ cũng tăng đáng kể đến 65%, trong đó chi phí lãi vay tăng gấp đôi, lên hơn 32 tỷ đồng. Tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều đến kết quả chung
Sau cùng, công ty báo lãi hơn 351 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà doanh nghiệp này đạt được trong một quý đầu năm kể từ năm 2021.
Năm 2025, SIP đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với doanh thu hợp nhất 5.657 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 833 tỷ đồng, giảm lần lượt 33% và 35% so với thực hiện năm 2024.
Trên nền kế hoạch thấp, SIP đã đi được gần nửa chặng đường khi thực hiện gần 48% mục tiêu lợi nhuận cho cả năm dù chỉ mới trải qua 3 tháng đầu năm.
Ảnh minh họa
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản SIP đạt hơn 26.300 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD), tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý doanh nghiệp đang nắm giữ hơn 6.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, chiếm 23% tổng tài sản.
Trong khi đó, hàng tồn kho ở mức 319 tỷ đồng, với hơn nửa là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án khu tái định cư Bến Sắn 84 tỷ đồng và khu dân cư Thuận Lợi hơn 109 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm 4%, còn hơn 2.200 tỷ đồng, tập trung lớn tại KCN Lê Minh Xuân 3 gần 708 tỷ đồng; KCN Lộc An – Bình Sơn gần 238 tỷ đồng; KCN Đông Nam gần 200 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ, tổng nợ phải trả của SIP đã tăng thêm 4% chỉ sau 3 tháng, vượt mức hơn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, các khoản người mua trả tiền trước và doanh thu chưa thực hiện chiếm tới 12.400 tỷ đồng, tương đương gần 60% tổng nợ.
Trong khi đó, nợ vay tài chính của công ty ở mức hơn 4.100 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu kỳ và chỉ chiếm khoảng 20% tổng nợ phải trả.
Minh Vy
Nguồn Vietnamdaily : https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/doanh-nghiep/gui-ngan-hang-6000-ty-dong-dau-tu-sai-gon-vrg-dang-lam-an-ra-sao-246843.html