Gửi ơn tình phố phường Hà Nội

Gửi ơn tình phố phường Hà Nội
4 giờ trướcBài gốc
Tranh "Chút tình gửi phố". Tác giả: Hoàng Phong
Thông thường, tôi xem tranh ít khi gặp nghệ sĩ. Phần vì cơ hội hiếm hoi, phần cũng vì sợ những thất vọng nếu giả chăng người nghệ sĩ ngoài đời khác hơn những gì thể hiện qua tác phẩm.
Chẳng phải gặp người mới thấy ưng tranh. Bởi tranh nào ấn tượng, cứ ngắm thật kỹ, thưởng thật lâu, hằn nó vào suy tưởng, rồi sẽ thấy mình du ngoạn trong từng mảng miếng màu sắc, hình khối, đường nét... mọi ý niệm tuôn ra cuồn cuộn trước khi lắng lại ở hư vô. Ta gặp, mà cũng chưa gặp người. Ta chuyện trò mà chưa từng mở lời ra nói.
Nhưng với họa sĩ Hoàng Phong thì khác. Một ý niệm kỳ lạ thôi thúc tôi tìm đến anh. Tôi muốn "đích mục sở thị" tâm hồn lãng mạn của chàng nghệ sĩ miền Nam, khẽ khàng ươm mầm nên "Chút tình gửi phố" với từng nét tạc phóng khoáng mà thuần thục. Ở đó, có rất nhiều tình yêu.
Như ý nguyện, tôi gặp Hoàng Phong một chiều cuối năm chầm chậm của Hà Nội. Người họa sĩ trẻ hồn hậu, nhiệt thành. Chất giọng anh nhẹ bẫng, thủng thẳng hồi tưởng về những tác phẩm thai nghén đêm ngày từ lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội năm 2017, dù chẳng phải chạy “deadline”, chỉ đơn giản là xúc cảm nghệ thuật lắng đọng, ứ đầy và cứ chực tuôn ra theo từng nét họa màu.
Hoàng Phong đến với Hà Nội bằng một cảm thức nghệ thuật rất khác, hiện đại mà tự nhiên. Người họa sĩ phơi bày nhiều nhất những sắc màu nội sinh rực rỡ, đẩy lên mạnh nhất độ tương phản và hiệu ứng ánh sáng, phân tách rõ nhất hình khối, tĩnh – động. Xen lẫn những mảng màu lam - đỏ - vàng, ta như thoáng nghe thấy thanh âm phố cổ.
Không biết bao nhiêu ngày, Hoàng Phong gieo mình với những đường nét và màu sắc, chìm đắm trong thế giới của phố phường Hà Nội. Phong khao khát ghi lại nét đẹp Thủ đô bằng góc nhìn và mỹ cảm nghệ thuật của riêng mình. Phong say sưa với ý niệm muốn giữ lại vẻ đẹp của Hà Nội, để những người yêu thành phố sau này vẫn thấy được dáng vẻ những góc phố cũ, những khu chợ Tết, gánh hàng rong thân quen. Đôi lúc, Phong dừng lại suy ngẫm, quyết định chấm phá thêm những nhịp sống rất đời bên những quán trà đá vỉa hè... Ý nghĩ ấy đủ làm anh tâm đắc và sung sướng mấy hôm liền.
Trong những nét họa của Hoàng Phong, Hà Nội hiện rõ là một đô thị mà những hình hài non trẻ đang mọc lên trên nền kiến trúc nghìn năm văn hiến với lớp lớp thượng tầng trầm tích văn hóa, một đô thị mà vẻ đẹp thanh tân nảy sinh trên những dư vị cũ càng, dung dị. Nhà hát lớn Hà Nội, ngã tư Hàng Đường, nhà cổ 90 Kim Mã, biệt thự cổ Chân Cầm, Nhà thờ lớn Hà Nội, Ô Quan Chưởng, Bảo tàng Lịch sử… vẫn bình dị đẹp, giữa nhịp thở rộn rã của Thủ đô.
Thực tế, đề tài về phố phường Hà Nội không mới. Cái đặc biệt là góc nhìn độc đáo. Hà Nội trong nét vẽ của Hoàng Phong không hiện lên với nét hiu hắt và u hoài của phồn hoa phố thị một thời; cũng chẳng bắt gặp dòng người tấp nập đứng chờ đèn đỏ đến tận 120 giây, mùi xăng xe đặc quánh. Mỗi góc phố, mỗi ngôi nhà Hà Nội hiện lên trong tranh Hoàng Phong đủ lung linh, sống động, cũng đủ yên ả, thanh bình với nhịp thở thường nhật của con người nơi đây.
Quả tình, tôi cho là phố cổ Hà Nội chỉ được định danh khác biệt khi tồn tại con người và âm sắc phố. Chẳng hạn, phố Hàng Đào thường rực rỡ sắc màu vải vóc lụa là, Hàng Thiếc rộn ràng thanh âm kim khí... Một khi mất đi những mặt người và âm sắc ấy, có lẽ phố nào cũng na ná hình hài nhau, với những dãy nhà lèn đặc sắp xếp dọc ngang.
Tranh "Chút tình gửi phố". Tác giả: Hoàng Phong
Tranh "Chút tình gửi phố". Tác giả: Hoàng Phong
Cảm thức hiện thực cất tiếng bằng hội họa
Ngoài tình yêu nồng nàn thấm đẫm trong từng nét cọ vẽ, tranh của Hoàng Phong còn gây ấn tượng bởi những xúc cảm được biểu đạt thông qua một thứ “ngôn ngữ” riêng: nghệ thuật hội họa.
Đừng hiểu tranh hội họa là mặt phẳng phơi bày chất liệu, hình khối, đường nét và màu sắc. Phải nói ngược lại rằng, chất liệu, hình khối, đường nét và màu sắc là cái thể chất bên ngoài tạo tác nên một tác phẩm hội họa.
Các tác phẩm họa sĩ Hoàng Phong sáng tác với chất liệu chủ đạo là màu nước. Nghệ thuật màu nước tồn tại một cuộc sống riêng, không giống như minh họa hoặc đồ họa. Màu nước là sự kết hợp màu sắc rất phức tạp, được tạo ra một cách khéo léo, bằng cách xen kẽ các điểm màu ấm và lạnh. Màu nước, bất chấp xúc cảm và các cách tiếp cận khác nhau của nghệ sĩ.
Vẽ bằng màu nước trên nền giấy arches của Pháp, không chỉ là lựa chọn vì sở thích vẽ màu nước. Lựa chọn này, còn vì chất liệu đó cho phép màu nước nhanh khô và giữ độ bền nhất hiện nay, như những thổn thức trực tuôn khi Phong vẽ phố cổ Hà Nội.
Và như vậy, nếu xem sự lựa chọn hình họa, màu sắc là một phương thức biểu hiện ý niệm của nghệ sĩ, thì quy ước cảm thức hình họa, màu sắc trong mỗi tác phẩm sẽ trở thành một “bộ ngôn ngữ riêng” mà người tiếp nhận phải tự mình giải mã.
Đứng trước những tác phẩm giá trị; mọi sự gặp gỡ, trao đổi thường diễn biến trong vô ngôn mà hàm ngôn, vô thanh mà truyền thanh; vượt qua khuôn khổ ngôn từ và thời đại.
Tranh "Chút tình gửi phố". Tác giả: Hoàng Phong
Lang thang trong cõi
Tác phẩm nghệ thuật sinh ra để phục vụ phần nhìn và phần cảm, đem đến sự thăng hoa cho con người trên khía cạnh cảm thụ tâm hồn. Vậy, điều gì quyết định giá trị tác phẩm?
Nếu như trong kinh tế học, giá cả được hiểu là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị, trong khi giá trị là nhân tố nền tảng cơ sở quyết định giá cả. Với tác phẩm nghệ thuật, giá trị hẳn phải là hàm lượng công phu lao động của người nghệ sĩ, trong sự đón nhận và của người thưởng thức, trong sự hùng biện về tình yêu của tác phẩm để từ đó hướng người xem tới những giá trị nhân văn cao đẹp của thời đại.
Ngược lại, bản thân tác phẩm cũng có giá trị nhất định trong việc truyền đạt tới độc giả phần "hình hài" của người nghệ sĩ. Tức là từ tác phẩm có thể tái tạo cõi tâm hồn nghệ sĩ: hồn hậu, chất phác hoặc nhiệt thành, dữ dội; mong manh, rung cảm hoặc bảng lảng trong mộng mị giữa đời thường và tâm tưởng.
Ta lang thang trong "cõi” ấy để nghe mà thật là nghe kỹ, nhìn mà thật là nhìn sâu đôi câu ẩn ý hay một thoáng nét cười mà những người nghệ sĩ lao động nghệ thuật chân chính như Hoàng Phong muốn ta nghe, muốn ta nhìn từ "Chút tình gửi phố".
KIỀU CHINH
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/gui-on-tinh-pho-phuong-ha-noi-37926.html