Gương sáng làm giàu ở Yên Định

Gương sáng làm giàu ở Yên Định
4 giờ trướcBài gốc
Sinh ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều hủ tục lạc hậu, cách đây hơn 20 năm, để có thể viết tiếp ước mơ đến trường, cô học sinh dân tộc Dao Lục Thị Độ đã kiên trì thuyết phục gia đình để cho cô học đại học. Hoàn cảnh kinh tế gia đình eo hẹp nên khi theo học tại Trường Đại học Lâm nghiệp, sinh viên Lục Thị Độ vừa đi học vừa tranh thủ làm thêm để có kinh phí trang trải việc học hành, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Chị Lục Thị Độ kiểm tra cây giống.
Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Độ trở về Sơn Động và lập gia đình năm 2010. Chồng công tác xa nhà, bố mẹ thường xuyên đau ốm, con nhỏ trong khi công việc của chị không ổn định nên cuộc sống của gia đình vô cùng khó khăn. Để có thể thoát nghèo, chị làm nhiều công việc khác nhau như: Bán hàng tạp hóa, làm nhân viên kỹ thuật của một công ty lâm nghiệp và tăng gia sản xuất tại nhà. Thế nhưng bao năm làm lụng vẫn chưa thoát được nghèo.
Chị Độ luôn đau đáu về việc mang kiến thức đã học để phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng không có khả năng vì chưa có vốn. Nắm bắt được hoàn cảnh và nguyện vọng của chị Độ, năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Yên Định đã bảo lãnh cho chị vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khởi nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện để chị Độ tiếp tục nâng cao kiến thức về ứng dụng khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi trong những lần tham quan các mô hình lâm nghiệp.
Có được sự trợ giúp, chị Độ trồng khoảng 7 vạn cây giống lâm nghiệp tại vườn nhà. Được đào tạo bài bản về chuyên ngành lâm nghiệp nên ngay từ vụ đầu, cây giống phát triển tốt, đem lại lợi nhuận cho gia đình. Nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế tiềm năng, chị Độ quyết định mở rộng diện tích sản xuất khoảng 200 m2 chuyên bán giống cây keo hạt. Nhạy bén trong kinh doanh, chị Độ thường xuyên nắm bắt nhu cầu thị trường và chuyển sang cung cấp cây hom, mô keo, bạch đàn F1.
Để nhiều bà con biết, chị đến từng hộ trồng rừng trong xã quảng bá dịch vụ, giới thiệu các giống cây của gia đình. Vừa làm vừa tích lũy kiến thức, kinh nghiệp sản xuất, gia đình chị kinh doanh ngày một tốt hơn, cuộc sống dần ổn định, thuận lợi. Năm 2020, gia đình chị Độ thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.
Chị Lục Thị Độ chia sẻ kiến thức chăm sóc cây giống với hội viên phụ nữ xã.
Đến nay, gia đình chị Độ đã có 3 cơ sở ươm cây giống lâm nghiệp với tổng diện tích hơn 7 nghìn m2. Các cơ sở đều được lắp hệ thống tưới nước tự động nên cây giống phát triển tốt. Mỗi năm, gia đình chị cung cấp ra thị trường khoảng 200 triệu cây bạch đàn và keo giống cho nhân dân trong và ngoài xã, trừ chi phí lãi khoảng 300 -500 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, chị tích cực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, đặc biệt là những chị em có nhu cầu mở rộng vườn ươm cây giống. Đến nay, chị đã hỗ trợ 2 hội viên làm vườn ươm cây giống. Ngoài ra chị còn tạo việc làm ổn định cho 18 hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Qua đó góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Đồng chí Hoàng Thị Bích Nụ, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Định cho biết: “Không chỉ phát triển kinh tế gia đình giỏi, chị Độ còn rất có trách nhiệm với công việc được giao, tâm huyết trong phát triển phong trào phụ nữ tại địa phương, giúp đỡ nhiều hội viên thoát nghèo”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/guong-sang-lam-giau-o-yen-dinh-144919.bbg