Trong bối cảnh đổi mới hiện nay, xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa là xu thế tất yếu và cần thiết. Một trong những chủ trương mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Đây được đánh giá là định hướng mang tính đột phá, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại, huy động mọi lực lượng xã hội cùng tham gia chia sẻ, góp phần phát huy trí tuệ của các chuyên gia, thầy cô giáo.
Nổi bật trong tiến trình đó, sách giáo khoa Cánh Diều là một lựa chọn nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các cơ sở giáo dục. Với cách tiếp cận gắn kết tri thức với đời sống thực tiễn, đồng thời đặt trọng tâm vào việc phát huy năng lực cá nhân của người học, bộ sách không chỉ kiến tạo một không gian học tập năng động, mà còn khơi mở tiềm năng sáng tạo và lĩnh hội tri thức.
Sách giáo khoa Cánh Diều có nhiều ưu điểm mà giáo dục hiện đại hướng đến
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Kim Cúc - giáo viên Trường Tiểu học Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) chia sẻ, trong quá trình triển khai giảng dạy bộ sách giáo khoa Cánh Diều, điều khiến cô ấn tượng nhất chính là sự kết nối gần gũi giữa kiến thức bài giảng với cuộc sống thực tiễn. Bộ sách còn có khả năng khơi dậy tính chủ động, sức sáng tạo ở học sinh - những phẩm chất cốt lõi mà giáo dục hiện đại hướng tới.
Trong quá trình chuyển tải tri thức, nội dung sách được biên soạn phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng độ tuổi, nhiều bài học gắn với thực tiễn giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ. Từ đó định hình tư duy và bồi dưỡng cảm xúc của người học thông qua hệ thống các bài tập gần gũi, dễ tiếp cận, được trình bày rõ ràng, logic và khoa học.
“Đặc biệt, sách Cánh Diều tạo ra không gian sư phạm mở, để giáo viên có thể lồng ghép các hoạt động tích hợp giáo dục kỹ năng sống, phản ánh trực tiếp những tình huống trong cuộc sống thường nhật, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện cho học sinh cũng như khả năng vận dụng linh hoạt kiến thức vào thực tiễn”, cô Kim Cúc nhấn mạnh.
Chính sự kết hợp hài hòa giữa tiêu chí khoa học sư phạm, chiều sâu giá trị nhân văn và yếu tố kỹ năng thực tiễn là ưu điểm vượt trội của bộ sách, thể hiện rõ triết lý “đưa cuộc sống vào bài học, mang bài học vào cuộc sống”, qua đó hiện thực hóa tinh thần “thực học, thực nghiệp” mà giáo dục hiện đại hướng đến.
Cô Nguyễn Thị Kim Cúc - giáo viên Trường Tiểu học Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên). Ảnh: NVCC.
Điển hình, đối với môn Tiếng Việt, nội dung sách Cánh Diều được đánh giá các văn bản tác phẩm văn học đa dạng, chương trình học phong phú, vừa mang ý nghĩa truyền thống văn hóa dân tộc, vừa bắt kịp với nhịp sống và hơi thở của thời đại mới. Các em không chỉ được tiếp thu ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc văn học Việt Nam thông qua những áng văn, vần thơ quen thuộc từ kho tàng dân gian và văn học trung đại, mà còn được tiếp cận với những tác phẩm mới, phản ánh hiện thực cuộc sống hiện đại qua ngôn ngữ tươi trẻ, gần gũi. Nhờ đó, học sinh mở rộng tầm nhìn văn hóa, học cách cảm nhận thế giới bằng nhiều lăng kính khác nhau.
Ngoài ra, ngôn ngữ bộ sách giúp học sinh từng bước phát triển năng lực cảm thụ văn học, làm giàu vốn từ và nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong nhiều tình huống, ngữ cảnh linh hoạt khác nhau, tạo sự hấp dẫn và cảm hứng trong quá trình dạy và học.
Ấn tượng sâu sắc với bài đọc “Trận đánh trên không” trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 3 tập Hai, theo đánh giá của cô Nguyễn Thị Kim Cúc, đây không chỉ là một văn bản kể chuyện sinh động, giàu cảm xúc, mà còn giúp học sinh hiểu thêm về lịch sử dân tộc, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ oanh liệt. Cách biên soạn mở ra nhiều hướng để giáo viên tích hợp giáo dục kỹ năng sống như tinh thần vượt khó, dũng cảm, tình yêu đất nước và trách nhiệm với Tổ quốc.
Bài đọc trong sách giáo khoa Cánh Diều mở ra nhiều hướng để giáo viên tích hợp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh như tinh thần vượt khó, dũng cảm, tình yêu đất nước và trách nhiệm với Tổ quốc. Ảnh: website Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Không khí hào hùng được tái hiện qua từng dòng kể, bài giảng khiến các em chăm chú lắng nghe, chủ động đặt câu hỏi, bày tỏ cảm nhận và liên hệ với những kiến thức lịch sử các em đã biết. Điều này cho thấy bài học không chỉ phát triển kỹ năng đọc hiểu văn bản, mà còn góp phần nuôi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và ý thức trân trọng quá khứ. Đây chính là giá trị cốt lõi mà môn Tiếng Việt nói riêng và giáo dục phổ thông nói chung cần hướng tới.
Để đáp ứng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Kim Cúc thiết kế bài giảng theo hướng tích hợp liên môn, kết hợp tìm hiểu văn bản với việc xem tư liệu hình ảnh, video về chiến thắng trận chiến Điện Biên Phủ trên không. Sau phần đọc hiểu, các em được thảo luận nhóm để tái hiện trận đánh bằng tranh vẽ hoặc mô hình đơn giản. Tiết học còn kết hợp luyện nói thông qua hoạt động “Phóng viên nhí” để các em đóng vai phóng viên phỏng vấn nhân vật trong bài. Nhờ vậy, học sinh không chỉ phát triển kỹ năng ngôn ngữ mà còn rèn tư duy phản biện, sự sáng tạo và lòng tự hào dân tộc.
Xã hội hóa sách giáo khoa giúp tiếp cận linh hoạt, phù hợp điều kiện địa phương
Còn tại Trường Trung học phổ thông Đại Từ (Thái Nguyên), quá trình lựa chọn sách giáo khoa được nhà trường thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, thể hiện sự cầu thị và trách nhiệm trong việc lựa chọn tài liệu giảng dạy chính thức. Đây là bước đi quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục, là minh chứng cho tinh thần dân chủ, đặt quyền lợi của người học lên hàng đầu, đúng với định hướng “lấy học sinh làm trung tâm” trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo thầy Phan Vĩnh Thái - Hiệu trưởng nhà trường, cơ sở giáo dục nhanh chóng xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, tạo tiền đề thuận lợi cho các bước tiếp theo. Các tổ chuyên môn cũng đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc thù bộ môn, đặc điểm học sinh cũng như điều kiện dạy học tại nhà trường. Quá trình lựa chọn được tiến hành kỹ lưỡng, có tham khảo ý kiến của các giáo viên trực tiếp giảng dạy, bởi thầy cô là những người hiểu rõ nhất nội dung sách, phương pháp tiếp cận và tính khả thi khi đưa vào giảng dạy thực tế.
Bên cạnh đó, để đáp ứng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường luôn chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, việc tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được đặc biệt chú trọng để sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu về chuyên môn và nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dạy và học hiệu quả.
Theo cô Dương Thị Kiều Anh - giáo viên môn Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Đại Từ (Thái Nguyên), về hình thức, bộ sách giáo khoa Cánh Diều tạo cảm giác gần gũi, dễ tiếp cận và kích thích sự hứng thú học tập của các em học sinh nhờ thiết kế hiện đại, trình bày logic, bố cục rõ ràng cùng hình ảnh, màu sắc minh họa sinh động.
Cô Dương Thị Kiều Anh - giáo viên Trường Trung học phổ thông Đại Từ (Thái Nguyên) và các em học sinh trong giờ môn Lịch sử. Ảnh: NVCC.
Về nội dung, sách bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó chú trọng mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất toàn diện của học sinh. Các bài học được xây dựng gắn với thực tiễn cuộc sống, qua đó khơi gợi tư duy phản biện và khả năng sáng tạo. Sách tích hợp kiến thức liên môn một cách hợp lý, bài bản và có nhiều hoạt động mang tính trải nghiệm, giúp học sinh có thêm cơ hội vận dụng kiến thức vào tình huống cụ thể.
Về cấu trúc, mỗi bài học trong sách Cánh Diều được xây dựng theo trình tự rõ ràng, mạch lạc, đi từ mở đầu, khám phá, đến luyện tập, vận dụng, tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc thiết kế bài giảng và theo dõi quá trình học tập của học sinh. Hệ thống tài liệu đi kèm như sách bài tập, video, giáo án điện tử cũng góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác truyền tải và tiếp thu kiến thức.
Gần 10 năm đứng trên bục giảng, cô Dương Thị Kiều Anh luôn dạy cho các thế hệ học sinh hiểu học Lịch sử rất thú vị và cần thiết, phải suy ngẫm và sáng tạo chứ không đơn điệu là những con số, sự kiện, ngày tháng năm một cách “khô khan”. Những hình ảnh sinh động được trình chiếu kết hợp với kênh chữ, sử dụng sách giáo khoa, sách điện tử, hoạt động dự án nhóm hỗ trợ giảng dạy lịch sử địa phương cùng lối kể chuyện mạch lạc, lôi cuốn giúp các em nắm chắc kiến thức hơn.
Sách giáo khoa Cánh Diều được đánh giá cao nhờ cấu trúc trình bày khoa học, mạch lạc và tính trực quan cao. Ảnh: website Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Cô Kiều Anh cũng đánh giá cao sách giáo khoa Cánh Diều cung cấp nội dung về những cuộc kháng chiến không thành công trong lịch sử dân tộc, bởi đây là một điểm mới đáng chú ý giúp các em học sinh có thể nhận thức sâu sắc hơn về tính phức tạp của tiến trình lịch sử, không chỉ ca ngợi chiến thắng mà còn rút ra những bài học quý báu từ thất bại. Qua đó, góp phần giáo dục về tinh thần trách nhiệm cũng như đúc kết bài học thực tiễn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa được đánh giá là bước đột phá thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục khi lần đầu tiên nước ta xây dựng và xuất bản sách giáo khoa hoàn toàn bằng xã hội hóa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019. Việc thẩm định sách giáo khoa thông qua một Hội đồng thẩm định quốc gia, do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập.
Việc triển khai một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa cũng giúp huy động rộng rãi nguồn lực trí tuệ xã hội cùng tham gia vào biên soạn sách, từ đó giúp hoàn thiện và nâng cao chất lượng các bộ sách giáo khoa. Việc triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa cũng giúp giáo viên, học sinh có nhiều lựa chọn về sách hơn, đảm bảo phù hợp với phù hợp với đặc điểm giáo dục của từng vùng, miền, sát với thực tế giảng dạy của các địa phương trong điều kiện cùng một chương trình giáo dục phổ thông.
Lưu Diễm