H24- những người khoác áo blouse trắng giữa lằn ranh sinh tử

H24- những người khoác áo blouse trắng giữa lằn ranh sinh tử
7 giờ trướcBài gốc
Trong không khí hào hùng kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, có một lực lượng âm thầm hoạt động giữa lằn ranh sinh tử, góp phần quan trọng vào chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tròn nửa thế kỷ trước.
Đó là Trường Quân y miền Nam H24, họ là những người chiến sĩ không mang súng, khoác áo blouse trắng, cứu chữa đồng đội giữa rừng sâu và trên khắp các chiến trường.
Giữa khói bom, vẫn sáng lên những đột phá y học
Từ những ngày đầu năm 1960, các bác sĩ miền Nam tập kết đã lên đường trở lại quê hương, mang theo tri thức và lý tưởng để mở những lớp huấn luyện sơ cứu chiến trường. Ngày 25-7-1963, khóa đào tạo quân y sĩ đầu tiên được mở tại căn cứ Đồng Rùm (Tây Ninh), mốc son khai sinh một mái trường y giữa rừng già, nơi đào tạo gần 1.000 cán bộ quân y phục vụ khắp các mặt trận.
Năm 1964, BS Trương Công Trung (đứng bìa phải) chia tay đại gia đình ở Hà Nội trở về quê hương, đến với Trường Quân y miền Nam.
Phòng Quân y miền Nam do BS Hồ Văn Huê làm trưởng Phòng; BS Trương Công Trung phụ trách ngoại khoa; BS Nguyễn Minh Nhân (Nguyễn Thiện Thành) nội khoa; BS Vũ Trọng Kính cố vấn chấn thương chỉnh hình…
GS. Trương Công Trung (phải) và GS. Nguyễn Thiện Thành.
Các ông không chỉ là người thầy, người chỉ huy mà còn là người trực tiếp cùng đồng đội, học trò tham gia các chiến dịch khốc liệt, trực tiếp cứu chữa thương binh.
Tháng 4-1964, Phó tiến sĩ, BS Trương Công Trung nhận trọng trách Hiệu trưởng Trường Quân y sĩ miền Nam; BS Hồ Văn Huê được cử làm chủ nhiệm Quân y và thành lập các đội điều trị dã chiến.
Tháng 11-1965, trường Đại học Quân y đầu tiên của miền Nam được thành lập, lấy phiên hiệu là H24 và BS Trương Công Trung tiếp tục giữ chức hiệu trưởng.
Giữa bom đạn ác liệt, khó khăn trăm bề nhưng nhiều phương pháp y học dã chiến vẫn ra đời.
Tại bệnh viện dã chiến cánh Đông, BS Phan Thế Nghiệp (Ba Nghiệp) cùng với PTS. Vũ Trọng Kính đã nghiên cứu, tìm ra phương pháp: “Kết xương bằng đinh xương di loại " dùng trong các trường hợp gãy xương chân, tay.
Một phương pháp khác cũng được bác sĩ Ba Nghiệp nghiên cứu thành công, đó là phương pháp: “vá da rời, theo kiểu hạt ngô (Reverdin)".
Đại tá, BS Phan Thế Nghiệp (trái) và GS Trương Công Trung.
Năm 1965-1966, trong nhiều ca phẫu thuật phục vụ ở các chiến dịch, PTS.BS Trương Công Trung đã cho áp dụng rộng rãi các phương pháp gây tê, trong đó có phương pháp: "Gây tê xương cùng cải tiến, đồng thời áp dụng rộng rãi phương pháp: "Truyền máu hoàn hồi", cho vết thương chiến tranh ổ bụng (không tổn thương tạng rỗng)…
Bác Hồ tặng lụa cho y sĩ Trương Công Trung năm 1952.
Năm 1967, PTS.BS Trương Công Trung đã đúc kết và phổ biến rộng rãi phương pháp điều trị Ngoại khoa cho các bệnh loét dạ dày tá tràng; u đại tràng và u trực tràng, bệnh bướu giáp trạng, đặc biệt là phổ biến trên 10 kỹ thuật tạo hình dạ dày (trong đó có kỹ thuật Nicoladoni và Moroney), áp dụng cho bệnh nhân bị cắt dạ dày, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh trong thời chiến và cả thời bình…
Tài liệu giảng dạy của Trường Quân y miền Nam H24.
Những cải tiến này, sinh ra từ hầm trú ẩn, lán che bạt, từ máu và nước mắt đã cứu sống hàng ngàn thương binh giữa lằn ranh sinh tử.
Bom rơi giữa ca mổ vẫn lặng thầm cứu người
Tối 27-5-1969, khi BS Trương Công Trung đang chuẩn bị ca đại phẫu, linh cảm bất an khiến ông và đồng đội đưa thương binh xuống hầm. Một đợt B-52 dội xuống, như một kỳ tích, ông bị trọng thương sát ngay hố bom nhưng vẫn sống.
BS Trương Công Trung trong một buổi giảng dạy sinh viên y khoa.
Hôm sau, BBC đưa tin: “24 đợt bom B.52 nhắm vào căn cứ chiến khu Đ đã xóa sổ một Trung tâm đào tạo bác sĩ quân y; một số quan chức chủ chốt của ngành quân y Cộng sản đã bị chết trong trận đánh bom...".
Tưởng ông đã hy sinh, các học trò của ông từ miền Tây đến miền Đông Nam Bộ ôm nhau rơi nước mắt tiếc thương nhưng chỉ một thời gian sau, ông vẫn đứng dậy, tiếp tục cứu người. Chiến tranh không thể quật ngã người bác sĩ ấy.
GS Trương Công Trung và GS Nguyễn Đình Hối (thứ 2 từ phải sang) và các giảng viên Đại học Y dược TP.HCM.
Trong các chiến dịch lớn như Bình Giã, Mậu Thân, mùa khô 1966-67, Các đội phẫu thuật của H24 đã triển khai phẫu thuật ngay trong hầm giao thông, lều lán ngoài rừng, nhà dân, bất chấp đạn bom và đã cứu chữa cho hàng ngàn thương binh.
Từ trái sang: Đại tá, BS Phan Thế Nghiệp, BS Dương Thị Minh, GS Nguyễn Thiện Thành, GS Trương Công Trung, BS Huỳnh Thị Thọ, Đại tá BS Nguyễn Quốc Bình.
Đến mùa xuân 1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, H24 được huy động cùng với các tuyến quân y khác sẵn sàng phục vụ cho 4 hướng tấn công.
Từ 5-4-1975 đến 254-1975, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, các tuyến Quân y thường trực đã tiếp nhận cấp cứu và chữa trị 4.693 thương binh; từ ngày 26-4-1975 đến 30-4-1975 kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh, các đội điều trị dã chiến và tuyến Quân y trung đoàn đã tiếp nhận cấp cứu cho 4.219 thương binh.
GS Trương Công Trung và học trò GS.TS.BS Nguyễn Công Minh (nguyên giảng viên Đại học Y dược TPHCM).
Như vậy theo dự kiến, số thương binh mà chiến dịch chuẩn bị là trên 12 ngàn, nhưng thực tế trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, thương binh chỉ gần 9.000 người, so với số quân tham gia chiến dịch, tỷ lệ bị thương chỉ chiếm 2,4%. Toàn bộ lực lượng dự bị quân y đều không cần dùng đến.
Ngày hội non sông: Vẫn một màu áo trắng ân cần
Ngày 7-5-1975, H24 về tiếp quản Trường Quân y Sài Gòn và Bệnh viện Trần Ngọc Minh (Bệnh viện 115 hiện nay). Đến sáng 1-6-1975, trong buổi lễ chào cờ đầu tiên dưới mái trường được tiếp quản, Đại tá, BS Trương Công Trung đứng đó, áo blouse trắng đã bạc màu năm tháng song ánh mắt vẫn sáng như buổi đầu trở về quê hương gầy dựng H24.
Trường Đại học Y dược TP.HCM đặt tượng GS Phạm Biểu Tâm và GS Trương Công Trung vào tháng 11-2024.
Tháng 12-1975, lớp bác sĩ cuối cùng bế giảng. H24 sau 14 năm dạy, học; thực hành, cứu chữa hàng ngàn thương binh với 12 lần bị tấn công, bom rơi, đạn lạc đã hoàn thành sứ mệnh của mình, lặng lẽ mà hiển hách.
Tượng GS Trương Công Trung tại Đại học Y dược TP.HCM.
Giữa bom đạn và máu lửa, họ không mang súng nhưng cứu sống biết bao sinh mạng. Không có huy chương nào đủ lớn để nói về họ những người đã sống, học, chữa trị và hy sinh trong thầm lặng, nhưng để lại một di sản lấp lánh trong lịch sử nước nhà. Và những chiếc áo blouse nhuốm khói bom ấy, đến hôm nay vẫn là biểu tượng bất diệt của một thời “đặt sinh mạng người khác lên trên cả mạng sống của mình”.
Các thế hệ học trò, đồng nghiệp đặt hoa trước tượng GS Trương Công Trung.
Đại tá, GS.TS Trương Công Trung (1919-2006), quê quán Tiền Giang, Anh hùng lao động, nguyên Phó Viện trưởng Học viện Quân y 103 (1962-1964); Hiệu trưởng Trường Bác sĩ quân y H24A, sau này là Trường Quân y Miền H24 (1965-1975); Viện trưởng Viện Quân y 175 (1976); Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM (1977-1994)…
(*Bài viết có sử dụng tư liệu, hình ảnh của gia đình GS.TS Trương Công Trung).
PHƯƠNG NAM
Nguồn PLO : https://plo.vn/h24-nhung-nguoi-khoac-ao-blouse-trang-giua-lan-ranh-sinh-tu-post847469.html