Chú trọng tuyên truyền
Quận Hà Đông có 3 làng nghề truyền thống là mộc Thượng Mạo, rèn Đa Sỹ và dệt lụa Vạn Phúc. Đây đều là những nghề có truyền thống lâu đời trên địa bàn. Để bảo tồn và phát triển làng nghề, Quận ủy Hà Đông đã ban hành Chương trình số 05-CTr/QU về “Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội quận Hà Đông, giai đoạn 2020-2025”; cùng với đó, Ban Tuyên giáo Quận ủy đã ban hành Hướng dẫn số 35 về “Tuyên truyền các chương trình, đề án của Quận ủy”, Hướng dẫn số 26 về “Thông tin tuyên truyền tổ chức thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025. UBND quận Hà Đông ban hành Kế hoạch số 285 để thực hiện Chương trình 05 của Quận ủy.
Trên cơ sở đó, quận thành lập Ban chỉ đạo từ quận đến các phường, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về di tích, du lịch, tiểu thủ công nghiệp làng nghề.
Không gian quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm lụa Vạn Phúc.
Bên cạnh việc tăng cường các bài viết trên Bản tin Hà Đông, các trang mạng xã hội do Hà Đông quản lý; đồng thời phối hợp tuyên truyền với các báo như Hanoimoi, Báo Kinh tế & Đô thị, đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội đẩy mạnh thông tin về bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, di tích lịch sử- văn hóa, các mô hình sáng tạo không gian văn hóa cộng đồng; các loại hình văn hóa nghệ thuật quần chúng; hoạt động về Tuần văn hóa du lịch thương mại làng nghề Vạn Phúc; Lễ hội Thiết kế sáng tạo- Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 và 2024; tôn vinh những tấm gương, tập thể tiến tiến có đóng góp với sự phát triển, bảo tồn làng nghề.
Để bảo tồn và phát triển làng nghề không thể thiếu việc bồi dưỡng và mở các lớp truyền dạy nghề. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc, cho biết: “Để bảo tồn và phát triển làng nghề nhiều năm qua được hỗ trợ của các phòng ban chuyên môn của quận Hà Đông, phường Vạn Phúc, Hội làng nghề Dệt lụa Vạn Phúc và các nghệ nhân đã thường xuyên mở các lớp truyền dạy, bồi dưỡng các kỹ năng làm nghề cho các thế hệ trẻ nối tiếp nghề. Đồng thời bồi dưỡng các kỹ năng bán hàng tại chỗ cũng như online để vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi. Bên cạnh đó, phường Vạn Phúc và quận Hà Đông cũng đã chú trọng làm hồ sơ xét tặng danh hiệu và vinh danh các nghệ nhân thợ giỏi. Trong 5 năm trở lại đây, số lượng nghệ nhân làng nghề Việt Nam và TP của Vạn Phúc đã tăng gần 2 lần, từ 8 lên 15 nghệ nhân”.
Sáng tạo để phát triển
Để đổi mới sáng tạo trong từng sản phẩm, hàng năm quận Hà Đông và các địa phương đã quan tâm, động viên các làng nghề tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại, hội thi thiết kế sản phẩm thủ công do UBND TP Hà Nội, các Sở ngành tổ chức nhằm tăng cường giao thương, quảng bá hình ảnh, sản phẩm làng nghề như: Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Hội thi sản phẩm làng nghề Hà Nội, cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội, Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Hanoi Giftshow), Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam; cuộc thi "Thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch" và "Ảnh du lịch Hà Nội", Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP …
Nghệ nhân làng nghề rèn Đa Sỹ nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thông qua các cuộc thi, các nghệ nhân đã sáng tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm mới, đi đôi với đó là đưa các kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc ở làng nghề rèn Đa Sỹ chia sẻ: “Ngoài việc lựa chọn loại chất liệu thép tốt, để có một sản phẩm chất lượng cao thì người làm nghề phải giữ cho nhiệt độ lò nung ổn định, không quá mạnh. Khi tán thép phải nhanh, mạnh. Khi rèn xong, sản phẩm phải ủ vào tro củi để thép nguội từ từ, giúp cho sản phẩm bền đẹp”.
Phó Chủ tịch Hội làng nghề lụa Vạn Phúc – Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan chia sẻ: Để bảo tồn và phát triển được làng nghề thời gian qua các nghệ nhân làng nghề đã không ngừng đổi mới sáng tạo các sản phẩm lụa, nhưng vẫn giữ được nét tinh hoa của làng nghề. Chất lượng sản phẩm lụa của Vạn Phúc hiện nay được nâng cao. Trước kia khung dệt sản phẩm lụa của Vạn Phúc chỉ có sợi tơ tổng hợp và một số hộ có khung dệt 100% sợi tơ tằm, thời gian gần đây số lượng khung dệt 100% tơ tằm đã được nhân rộng. Các mẫu mã sản phẩm được các nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề sáng tạo đưa ra thị trường nhiều mẫu mới về hoa văn, màu sắc và kiểu dáng trang phục hợp thời trang, đáp ứng được thị hiếu của thị trường.
Bên cạnh việc bảo tồn, sáng tạo sản phẩm, quận Hà Đông đã hỗ trợ các phường đẩy mạnh hình thức quảng bá du lịch làng nghề như: tổ chức biên soạn và in ấn cuốn Cẩm nang Du lịch “Làng nghề - Phố nghề Hà Đông”; quảng bá “Du lịch làng nghề dệt lụa Vạn Phúc qua giao diện ảnh 360”; Xây dựng Website về du lịch Hà Đông (tttp: dulichhadong.hanoi.gov.vn), hỗ trợ UBND phường Vạn Phúc duy trì, nâng cấp Website về du lịch Vạn Phúc (http://luavanphuchadong.com); treo các pa nô, áp phích giới thiệu về du lịch làng nghề, gắn với du lịch tâm linh tại cụm di tích đình, chùa, Bia Bà La Khê (phường La Khê).
Nghệ nhân làng nghề Trần Thị Ngọc Lan giới thiệu với khách về sản phẩm lụa Vạn Phúc.
Đặc biệt, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia mở rộng mô hình tour du lịch trải nghiệm thực tế như: trải nghiệm thực hiện các cộng đoạn đơn giản của nghề dệt lụa tại Công ty CP dệt lụa Vạn Phúc, cơ sở dệt lụa Triệu Văn Mão, trải nghiệm ghép tranh lụa tại HTX Vụn Art.
Sau 5 năm triển khai Chương trình 05 của Quận ủy, Hà Đông đã thực hiện thành công 6/9 chỉ tiêu đề ra đó là: đầu tư bảo tồn, giữ gìn tối đa các yếu tố gốc của di tích và phát huy giá trị của di tích; xúc tiến đầu tư du lịch, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu và tôn vinh thương hiệu các làng nghề thống; hỗ trợ thiết kế và sản xuất các sản phẩm của làng nghề đặc thù riêng có, mẫu mã đa dạng; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về du lịch và nghề du lịch, tập huấn kỹ năng giao tiếp, bán hàng, ứng xử văn minh trong du lịch cho Nhân dân, các hộ sản xuất và kinh doanh tại các làng nghề; đào tạo thuyết minh viên tại điểm cho các làng nghề và di tích lịch sử- văn hóa và cấp thẻ cho 5 hướng dẫn viên tại làng nghề Vạn Phúc, rèn Đa Sỹ và cụm di tích đình, chùa, Bia bà La Khê.
Bích Hời