Hà Giang: Cần sớm gỡ vướng mắc về vị trí đổ đất, đá xử lý sạt trượt trên Quốc lộ 4C

Hà Giang: Cần sớm gỡ vướng mắc về vị trí đổ đất, đá xử lý sạt trượt trên Quốc lộ 4C
một ngày trướcBài gốc
Vị trí đổ thải ban đầu ở Km33 thôn Bản Phố, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên.
Những đợt mưa lớn kéo dài từ tháng 5/2024 đến nay đã làm cho nhiều đoạn trên tuyến bị sạt lở, một số đoạn xuất hiện vết nứt, gây ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến. Trong đó, tại Km31 – Km33 thuộc Quốc lộ 4C, đoạn qua địa phận thôn Bản Phố, xã Minh Tân (Vị Xuyên) đã xuất hiện vết nứt lớn, nguy cơ sạt lở cao; tại Km31 một phần mặt đường nhựa phía taluy âm bị sạt lở.
Trước tình hình đó, ngày 29/8, Cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 3162 về việc Ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông trên các đoạn Km17 - Km34, Km59 - Km98, Km103 - Km157 và Km171 - Km199 (QL.4C), địa bàn tỉnh Hà Giang. Cơ quan được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình khẩn cấp (chủ đầu tư): Sở Giao thông Vận tải (GTVT), kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách T.Ư. Mục đích bảo đảm giao thông trên Quốc lộ 4C, địa bàn tỉnh Hà Giang được an toàn, thông suốt và bảo đảm an toàn công trình.
Sau khi có Quyết định của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT ban hành Quyết định chỉ định đơn vị thi công là Công ty cổ phần Đường bộ I Hà Giang. Đơn vị thi công đã huy động phương tiện và nhân lực để thi công công trình. Công ty cổ phần Đường bộ I đã có các văn bản và làm việc với các phòng, ban chuyên môn của huyện Vị Xuyên, UBND xã Minh Tân để khảo sát, xác định vị trí đổ đất để khắc phục các điểm sạt lở. Với tính chất cấp bách của công trình và nhu cầu của hộ dân, ban đầu xác định vị trí đổ thải tại khu đất thuộc quyền sở hữu của gia đình anh Hạng Thìn Chính, thôn Bản Phố (xã Minh Tân).
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Quý, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường bộ I, cho biết: Vị trí đổ thải hiện tại không phải do công ty đề xuất, mà trên cơ sở xác định có sự khảo sát của ngành chuyên môn huyện Vị Xuyên, xã Minh Tân (kèm theo biên bản làm việc), có sự đồng ý của đại diện thôn và người dân. Ngoài ra, vị trí này không phải nằm đầu nguồn nước, không ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Sau khi đổ đất, đá quá trình xử lý sạt trượt sẽ tạo nên mặt bằng, mở rộng nền đường. Đơn vị thi công cũng báo cáo với Sở GTVT và có phương án bảo vệ môi trường tại khu vực san lấp.
Đến thời điểm này, tại vị trí Km33, dự kiến khối lượng đất, đá 5 nghìn m3, thi công trong 5 ngày và đã thực hiện xong đang bàn giao mặt bằng. Tại Km31, dự kiến xử lý 6,5 nghìn m3 đất, đá, thi công trong 7 ngày, đến nay tiến độ đạt gần 50% khối lượng. Còn vị trí Km32+500, đây là vị trí có khối lượng đất, đá phải xử lý lên đến 50 nghìn m3, dự kiến sẽ phải mất 1 tháng để thi công.
Vị trí km31 mất đi 1 phần nền đường do thiên tai.
Công trình đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, đến ngày 4/11, UBND xã Minh Tân có Biên bản làm việc với đơn vị thi công, yêu cầu tạm dừng việc thi công tại khu vực thực hiện công trình theo Lệnh của Cục Đường bộ. Lý do, Công ty cổ phần Đường bộ I không cung cấp các giấy tờ, thủ tục trong việc san đào, san lấp khắc phục hậu quả thiên tai. Chủ tịch UBND xã Minh Tân Phàn Văn Dùi cho biết: Về quan điểm, xã rất ủng hộ và sẵn sàng phối hợp với các ngành chức năng thực hiện theo chủ trương.
Xã có biên bản tạm dừng thi công tại khu vực trên, theo công văn chỉ đạo số 2689 ngày 4/11/2024 của UBND huyện Vị Xuyên về việc “Yêu cầu quản lý, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng đổ đất, đá thải san lấp mặt bằng trái phép và vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn xã Minh Tân”.
Hiện tại, quy trình các bước đang được yêu cầu thực hiện lại để xác định chỗ san đổ đất, đá phù hợp. Sở GTVT, Công ty cổ phần Đường bộ I mới chỉ dựa trên Lệnh xây dựng và phương án thiết kế sơ bộ được phê duyệt bởi Cục Đường bộ Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với công tác quản lý đất đai, Sở GTVT lại chưa có phương án về vị trí đổ thải trình lên tỉnh và gửi UBND huyện Vị Xuyên, nên chưa được chấp thuận. Khối lượng đất, đá tại Km31 – Km33 là rất lớn, trong lúc vị trí đổ thải ban đầu tại thôn Bản Phố chỉ tạm đủ để khắc phục đất, đá bị sạt lở trước đây.
Phó Giám đốc Sở GTVT Cù Duy Man khẳng định: Đây là công trình cấp bách cần thực hiện để khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn giao thông theo Lệnh của Cục Đường bộ. Quá trình thi công, Sở GTVT và đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn trong việc xác định vị trí đổ đất, đá xử lý sạt trượt. Các vị trí đổ đất xa hay gần lại phụ thuộc vào điều kiện địa phương và ràng buộc bởi nhiều Luật của một số ngành, lĩnh vực.
Ngày 17/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả bão số 3 (YAGI), trong đó chỉ đạo Bộ GTVT huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp để gia cố ngay các đoạn đê, kè xung yếu, bị hư hại nghiêm trọng; sửa chữa, khôi phục kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến huyết mạch.
Bộ GTVT và các địa phương bảo đảm bố trí khu vực đổ đất, đá bị sụt trượt để tạo thuận lợi cho công tác khắc phục sự cố giao thông; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng trong trường hợp khắc phục hư hỏng lớn phải mở rộng đường hoặc cải tuyến để bảo đảm an toàn...
Đối với công trình khẩn cấp thực hiện theo Lệnh của Cục Đường bộ Việt Nam trên tuyến Quốc lộ 4C qua địa phận xã Minh Tân có thời gian hoàn thành trong năm 2024, đến nay đã là tháng 11, hiện tại việc thi công công trình đang bị gián đoạn, trong khi đó khối lượng xử lý sạt trượt rất lớn.
Vị trí km 32 QL4C có lệnh xây dựng công trình khẩn cấp của Cục đường bộ
Quốc lộ 4C chạy qua địa bàn tỉnh Hà Giang, nối liền các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và các khu vực biên giới với trung tâm tỉnh. Tuyến đường này không chỉ có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông nội tỉnh, mà còn là tuyến giao thông quan trọng đối với hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt trong việc giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình miền núi, Quốc lộ 4C thường xuyên gặp phải tình trạng sạt lở đất đá, đặc biệt là vào mùa mưa bão, khiến nhiều đoạn đường bị hư hỏng, gây mất an toàn giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Việc gỡ vướng mắc trong công tác xây dựng và sửa chữa các công trình giao thông trên Quốc lộ 4C là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Giang.
Những vướng mắc về vị trí đổ thải đất, đá cần được tháo gỡ, vì vậy ngành chức năng và địa phương cần có sự thống nhất về chủ trương, phương án cũng như có sự phối hợp chặt chẽ để những công trình khẩn cấp được thực hiện theo đúng tính chất, đảm bảo an toàn giao thông của Quốc lộ 4C.
Nguyễn Liên - Minh Quân
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/ha-giang-can-som-go-vuong-mac-ve-vi-tri-do-dat-da-xu-ly-sat-truot-tren-quoc-lo-4c-458789.html