Khu Công nghiệp Đồng Văn, thị xã Duy Tiên đã được lấp đầy.
Đột phá về cơ chế chính sách
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở Công Thương đã chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; rà soát, điều chỉnh bổ sung, xây dựng và quản lý quy hoạch đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp cao. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tiến hành kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng đồng bộ, chuẩn bị mặt bằng sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, tỉnh Hà Nam đã tập trung giải phóng mặt bằng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn theo hướng khai thác cao nhất lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics; đẩy mạnh đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như công nhân các khu, cụm công nghiệp và đáp ứng yêu cầu năng lực khai thác, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh nói chung và các khu, cụm công nghiệp nói riêng.
Hạ tầng dịch vụ phục vụ hệ thống cung cấp điện, hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, hệ thống dịch vụ viễn thông, liên lạc, dịch vụ bảo vệ, dịch vụ y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người lao động.
Các đại biểu tham quan dây chuyền sản xuất và lắp ráp Laptop Dell tại nhà máy Wistron Infocomm tại Khu công nghiệp Đồng Văn.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Trên cơ sở cơ chế, chính sách đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, các cơ quan chuyên môn thường xuyên tham mưu, tổ chức xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời mở rộng hoạt động này tại các quốc gia khác như Mỹ, châu Âu,...
Tính từ đầu năm 2021 đến cuối năm 2024, tỉnh Hà Nam đã thu hút 251 dự án (96 dự án FDI và 155 dự án trong nước); điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 206 dự án (127 dự án FDI và 79 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh hơn 2,254 tỷ USD và hơn 54.200 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng năm 2024, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 858 doanh nghiệp mới, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế đến hết năm 2024, toàn tỉnh có gần 9.850 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn hơn 192.921 tỷ đồng (trong đó có 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động). Nhiều khu công nghiệp của tỉnh đã được lấp đầy như khu công nghiệp Đồng Văn 1, Đồng Văn 2, Đồng Văn 3, Đồng Văn 4, Đồng Văn 5,... chủ yếu thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo.
Được thành lập năm 2019, Khu công nghiệp Thái Hà của tỉnh đang được các nhà đầu tư đánh giá có chất lượng hạ tầng kỹ thuật hiện đại và khả năng thu hút đầu tư hiệu quả cao. Với tổng diện tích hơn 2.000ha, đến nay, tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp đạt gần 100% với hơn 60% là các dự án FDI, tổng vốn đầu tư các dự án khoảng 700 tỷ đồng. Các doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập khá.
Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ sở phối hợp thực hiện Chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo sự gần gũi thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp. Các hoạt động quản lý nhà nước được tiến hành bảo đảm đúng quy định như thanh tra, kiểm tra, hoạt động thẩm định lựa chọn nhà đầu tư. Các đơn vị chức năng thực hiện tốt giải phóng mặt bằng bảo đảm nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án.
Phát huy những thành quả đã đạt được, tỉnh Hà Nam đề ra phương hướng và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh từ 10%/năm trở lên, giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 14,2%/năm trở lên. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2025 ước đạt hơn 280.715 tỷ đồng, tăng gần 16% so với kết quả thực hiện năm 2024.
Đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết: Xác định công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Hà Nam tập trung xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên của địa phương nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi; nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút hiệu quả đầu tư trong nước và trực tiếp từ nước ngoài (FDI) gắn với điều kiện nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước có tính liên kết không gian, lãnh thổ.
Tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới,... Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng tốc tiến độ hoàn thành thủ tục, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao Hà Nam có quy mô khoảng 663 ha tại huyện Lý Nhân; tiếp tục xây dựng và thành lập mới 4 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch.
Hà Nam cũng đang quyết liệt triển khai đề án của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Thực hiện phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, Hà Nam và các cấp, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh; triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là các dự án công nghệ cao.
ĐÀO PHƯƠNG