Hà Nam: Tiếp tục vận động nhân dân xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng hàng Việt

Hà Nam: Tiếp tục vận động nhân dân xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng hàng Việt
3 giờ trướcBài gốc
Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến nay đã được 15 năm. Sau hơn một thập kỷ triển khai, cuộc vận động đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân, góp phần chuyển từ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt chinh phục người Việt”.
Điều này được thể hiện qua thực tế sức tiêu thụ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn ngày càng tăng. Tâm lý tiêu dùng hàng Việt dần trở thành thói quen của mỗi người dân. Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm từ 70 - 90% cơ cấu hàng hóa được bày bán.
Sức tiêu thụ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Nam ngày càng tăng. Ảnh: TA
Theo ông Hoàng Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nam: Điểm nhấn quan trọng trong triển khai thực hiện cuộc vận động là các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình, từ đó tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ để cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm...
Phát biểu tại lễ giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP; đặc sản, nông sản an toàn tại tỉnh Hà Nam năm 2024, cách đây không lâu, bà Trần Thị Ngân - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Hà Nam - nhấn mạnh: Thông qua cuộc vận động đã tác động và nâng cao nhận thức của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện cuộc vận động, từ đó tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hành động, thói quen mua sắm và sử dụng hàng Việt, giúp doanh nghiệp trong tỉnh nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn trách nhiệm đối với người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động trong tình hình mới; ký kết chương trình phối hợp với Sở Công Thương về đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên, ngành chức năng có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân.
Xây dựng kế hoạch, lồng ghép nội dung tuyên truyền thực hiện cuộc vận động vào các hội nghị, sinh hoạt đoàn viên, hội viên, phong trào thi đua yêu nước như: Hội phụ nữ với phong trào “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”; đoàn thanh niên với cuộc vận động “Thanh niên Việt Nam đồng hành cùng hàng Việt Nam”...; đưa nội dung triển khai thực hiện vào trong tiêu chí thi đua đánh giá, xếp loại các danh hiệu thi đua của tập thể, cá nhân của mặt trận các xã, phường, tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị...
Thậm chí nhiều tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo tập trung theo nghị quyết chuyên đề; tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn, chất lượng... Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, củng cố niềm tin của người tiêu dùng, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện cuộc vận động trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh cuộc vận động đi vào thực chất, hiệu quả
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào thực chất, hiệu quả, thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm an toàn có nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh và các tỉnh lân cận; chỉ đạo cơ quan thành viên tổ chức hội chợ, triển lãm, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu, quảng bá, đưa sản phẩm Việt đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngành chức năng, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về cuộc vận động; vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục làm tốt công tác giám sát để kịp thời phát hiện những hàng hóa kém chất lượng. Các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng nhập lậu, hàng giả, nhằm củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam.
Đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng luới bán lẻ; tăng cường chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý nghiêm trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, làm mất niềm tin trong nhân dân; hỗ trợ kinh phí giúp địa phương tổ chức thường xuyên hơn các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn…
Từ thực tế triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Sở Công Thương Hà Nam cũng đề nghị các cấp, ngành chức năng có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán lẻ; tăng cường chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý nghiêm trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, làm mất niềm tin trong nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam cho biết: Thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ tích cực tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình, đề ra các giải pháp phù hợp, thiết thực để nâng cao chất lượng cuộc vận động; chú trọng tuyên truyền, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện cuộc vận động theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; vận động các tầng lớp nhân dân tiếp tục xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng và sử dụng hàng Việt.
Để tạo sức lan tỏa cũng như tăng cường hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhiều ý kiến cho hay, cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ kinh phí giúp địa phương tổ chức thường xuyên hơn các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tâm An
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/ha-nam-tiep-tuc-van-dong-nhan-dan-xay-dung-van-hoa-thoi-quen-tieu-dung-hang-viet-349309.html