Hạ nhiệt cơn 'sốt' vàng: Đại biểu Quốc hội đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng

Hạ nhiệt cơn 'sốt' vàng: Đại biểu Quốc hội đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng
một giờ trướcBài gốc
Khoảng hơn 3 tuần nay, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn liên tục tăng cao. Giá vàng nhẫn điều chỉnh nhanh hơn và theo nhịp tăng của thế giới còn giá vàng miếng SJC phụ thuộc vào giá bán của Ngân hàng Nhà nước. Hiện, giá bán vàng miếng ở mốc 89 triệu đồng/lượng, cao nhất trong vòng 4 tháng qua. Bên cạnh đó, giá vàng nhẫn cũng ở mức gần 89 triệu đồng/lượng, cao nhất trong lịch sử. Ngân hàng Nhà nước cho biết giá vàng trong nước hiện chỉ cao hơn thế giới 5-7%.
Trong khi giá vàng đang tăng không có đà cản, thì tình trạng giao dịch vàng trong nước đang gặp nhiều khó khăn khi các cửa hàng vàng thông báo không đủ nguồn cung. Theo đó, nhiều cửa hàng vàng thông báo không có vàng miếng để bán cho khách, còn vàng nhẫn cũng được cung ứng một cách “nhỏ giọt”: mỗi căn cước công dân sẽ chỉ được đăng ký mua từ 2-3 chỉ vàng nhẫn. Tình trạng “khan hiếm” này đã khiến cho hoạt động giao dịch vàng “chợ đen” trở nên nhộn nhịp. Giá thu mua vàng miếng SJC đã bị đẩy lên 91 triệu đồng/lượng. Tương tự, giá thu mua vàng miếng cũng một vài thương hiệu cũng đã bị đẩy lên 89 triệu đồng/lượng.
PGS. TS. Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh)
Kết nối với thị trường vàng quốc tế
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV bên hành lang Quốc hội sáng 24/10, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cho biết, thị trường vàng hiện nay biến động rất mạnh và nhanh, thậm chí từng giây, từng phút theo tình hình kinh tế chính trị của xã hội thế giới.
“Qua theo dõi giá vàng quốc tế trong 40 năm qua, tôi nhận thấy giá vàng thường tăng cao khi có những cú sốc trên thị trường như: khủng hoảng tài chính, tiền tệ, suy thoái kinh tế, lạm phát cao, chiến tranh…, hay có dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất hay giảm lãi suất, giá vàng cũng lập tức biến động”, đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ, đồng thời cho biết, thời điểm này, nhà đầu tư, tổ chức tài chính, cá nhân thường mua vàng để phòng thân, bảo tồn vốn. “Các ngân hàng Trung ương trên thế giới cũng sẵn sàng chuyển trạng thái dự trữ ngoại hối thay vì dự trữ USD sẽ chuyển sang dự trữ vàng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động”.
Cũng theo đại biểu Ngân, khi nhà đầu tư thấy ít kênh đầu tư khả quan thì sẽ tập trung vào vàng. Do đó, nhu cầu tăng cao đột biến khiến giá vàng bị đẩy lên.
“Việc giá vàng liên tục biến động là câu chuyện bình thường trên thị trường vàng hiện nay”, ông Ngân nhận định.
Để ổn định thị trường vàng, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, phải làm sao để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới. Do đó, phải xem xét, rà soát sớm Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đồng thời cũng phải xem xét đến việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh hay là trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng, cần phải quan tâm đến những những sàn về hàng hóa; trong đó xem xét đến thành lập sàn vàng, nhằm kết nối với thị trường vàng quốc tế.
“Có như vậy, mới giảm chênh lệch về giá giữa vàng trong nước và quốc tế, bởi lúc này, giá vàng được niêm yết theo giá USD, tạo ra sự liên thông. Những nhà đầu tư sẽ tham gia trên sàn giao dịch vàng này. Thành lập sàn giao dịch vàng còn giúp cho việc quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả, theo đúng xu hướng của thế giới”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Kiểm soát thị trường vàng
Ông Ngân cho rằng, vàng là một loại hàng hóa rất đặc biệt, có chức năng tích trữ, bảo toàn giá trị, chứ không chỉ đơn thuần sản xuất ra đồ trang sức. Người dân Việt Nam có tâm lý phòng ngừa rủi ro, phòng cho tương lai, tâm lý tích trữ rất cao, chính vì vậy, người dân có nhu cầu sở hữu, mua, bán vàng miếng.
“Khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai sẽ giúp minh bạch mua bán, nhu cầu thị trường. Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường này đưa ra các quyết định sáng suốt và Nhà nước kiểm soát tốt hơn. Sàn giao dịch vàng sẽ tạo ra sự liên thông với thị trường thế giới, lúc đó có thể không phải nhập khẩu về mà vẫn đặt lệnh mua bán vàng với thế giới. Điều này tạo cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới”, ông Ngân nêu rõ.
Song song với việc thành lập sàn giao dịch vàng, đại biểu đoàn TP.HCM cũng đề nghị cần có khuôn khổ pháp lý đi kèm để kiểm soát thị trường vàng. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo mật thông tin, đảm bảo thị trường vàng giao dịch thông suốt.
Liên quan đến vấn đề thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa có báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo NHNN, ngày 20/3/2024, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình số 28 về báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Trong đó, đề xuất 4 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị nhằm thực hiện chức năng quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, NHNN đã phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo NHNN các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương.
Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật;
NHNN cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi... gây mất ổn định thị trường vàng.
Cẩm Tú/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/thi-truong/gia-vang/ha-nhiet-con-sot-vang-dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-thanh-lap-san-giao-dich-vang-post1130605.vov