Hà Nội 70 năm qua góc nhìn của những người con bác sĩ Trần Duy Hưng

Hà Nội 70 năm qua góc nhìn của những người con bác sĩ Trần Duy Hưng
3 giờ trướcBài gốc
Hà Nội sẽ vươn mình phát triển mạnh mẽ
Trò chuyện với Báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Tiến Đức (83 tuổi, con trai thứ 2 của cố Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng) chia sẻ, 70 năm về trước, khi bộ đội vào tiếp quản Thủ đô, thời điểm đó ông đang ở Liên Xô. Năm 1958, ông trở về nước, Hà Nội được tiếp quản 4 năm nhưng vẫn còn mang nhiều nét ngày xưa - phong cách Hà Nội cũ. Thời điểm Hà Nội được tiếp quản còn rất ít dân, diện tích cũng nhỏ hẹp, chưa mở rộng như bây giờ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và 3 người con của bác sĩ Trần Duy Hưng ôn lại những câu chuyện về cố Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Hồng Thái
Theo ông Trần Tiến Đức, Hà Nội đã luôn đứng vững trong các cuộc chiến tranh. Từ năm 1975, sau thời kỳ khó khăn của giai đoạn bị cấm vận, Thủ đô Hà Nội đã vươn mình mạnh mẽ, ngày càng phát triển. Hà Nội có nhiều khu đô thị cao tầng, giao thông đô thị cải thiện nhiều, các tuyến đường cao tốc trên cao, các đường vành đai, những công trình lớn được kiến thiết, xây dựng, tạo diện mạo ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại.
“Hà Nội có những khó khăn, bởi khi hệ thống đô thị phát triển, hệ thống hạ tầng chưa theo kịp nên chúng ta vẫn chứng kiến xảy ra ngập lụt, tuy nhiên, những khó khăn đó sẽ dần được khắc phục. Hà Nội đang thiết kế các hệ thống thoát nước, những trạm bơm nước thoát ra sông. Tôi tin tưởng, Hà Nội sẽ vươn mình phát triển mạnh mẽ trong tương lai” - ông Trần Tiến Đức bày tỏ.
Với bà Trần Ánh Tuyết (81 tuổi, người con thứ 3 trong 7 người con của bác sĩ Trần Duy Hưng), bà vô cùng tự hào khi là công dân của Thủ đô, là con gái của bác sĩ Trần Duy Hưng.
Bà chia sẻ, 70 năm qua, Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Diện mạo Thủ đô ngày càng khởi sắc, ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh. Đổi thay lớn nhất mà ai cũng nhận thấy khi đến với Thủ đô là hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại.
Từng là cô giáo dạy Văn cấp 3 ở Hà Nội, từ năm 1964 đến năm 1999, bà Trần Ánh Tuyết cảm nhận văn hóa, du lịch Thủ đô ngày càng phát triển. Nghỉ hưu, bà tích cực tham gia tổ phụ nữ ở khu dân cư, thường xuyên tiết kiệm tham gia làm từ thiện.
Nhà lãnh đạo hết mình vì dân
Đến thăm Nhà lưu niệm bác sĩ Trần Duy Hưng ở phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm), những người con của bác sĩ Trần Duy Hưng đã chia sẻ những câu chuyện về người cha thân yêu của mình.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Đoàn đại biểu TP Hà Nội chụp ảnh cùng thân nhân cố Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng. Ảnh: Hồng Thái
Sinh ra đúng năm Thủ đô giải phóng, ông Trần Chiến Thắng là con trai út của bác sĩ Trần Duy Hưng. Điều nổi bật mà ông Thắng thấy ở cha mình là lối sống giản dị, liêm khiết, gần dân, luôn tận tụy vì dân. Tất cả các công văn, thư từ, điện tín đều do đích thân cha mình soạn thảo.
“Cha tôi tự lái xe đi khắp nơi giải quyết công việc. Mùa hè, cha tôi thường vận áo sơ mi ngắn tay và quần soóc. Nhiều lần đi cùng ông tới thăm bà con nông dân, tôi mới biết ông giữ lối ăn mặc như thế bởi ông sẵn sàng lội xuống đồng ruộng cùng bà con nông dân. Cha tôi còn có một cuốn sổ ghi lại những cuộc gặp gỡ với người dân và nguyện vọng của họ; đồng thời ký hiệu đánh dấu các trường hợp đã hoặc chưa giải quyết” - ông Trần Chiến Thắng chia sẻ.
Theo ông Trần Chiến Thắng, những ngày Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom, cha ông nhiều lần trực tiếp giúp các y tá, bác sĩ băng bó cho những người bị thương. “Cha tôi nói, nhiều người khác có thể làm điều đó, nhưng nhìn cha làm, người dân sẽ bớt bị hoảng loạn. Vào lúc cùng cực nhất, người dân cần nhìn thấy người lãnh đạo ở bên cạnh mình” - ông Trần Chiến Thắng nhớ lại.
“Phải giữ lấy cốt cách, còn sống ngày nào thì phải đàng hoàng và cống hiến hết mình ngày ấy”, từ phương châm đó, theo ông Trần Chiến Thắng, cha ông đã động viên hai con nhập ngũ: “Các con phải thấy được chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự to lớn của mỗi người dân, bất kể là ai”.
Hai người con của bác sĩ Trần Duy Hưng là Trần Thắng Lợi và Trần Chiến Thắng đã tình nguyện nhập ngũ. Trong nhóm hiện vật “Đơn tình nguyện của cán bộ, viên chức, sinh viên Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu” của Bảo tàng Chiến thắng B52, lá thư mang số hiệu lưu trữ 135 G-65 được đồng chí Trần Duy Hưng viết tay đề ngày 16/4/1965 gửi tới Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Thủ đô đơn xin nhập ngũ của hai con trai.
Bác sĩ Trần Duy Hưng (1912-1988) xuất thân trong một gia đình trung lưu, gia giáo ở làng Hòe Thị, xã Xuân Phương (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm). Năm 30 tuổi, ông trở thành thầy thuốc giỏi, cùng em gái mở bệnh viện tư chữa bệnh cứu người. Trong thời gian này, với tài năng và uy tín của mình, ông đã nhiều lần che chở các chiến sĩ Việt Minh thoát khỏi vòng vây của kẻ thù.
Tấm lòng sắt son vì dân, vì nước của bác sĩ Trần Duy Hưng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị ông làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bác sĩ Trần Duy Hưng được giao giữ trọng trách Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến. Năm 1954, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Đến tháng 10/1954, ông được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội tiếp quản Thủ đô và ngay sau đó được bầu lại chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thủ đô, nay là UBND TP Hà Nội.
Trong suốt thời gian giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội (Chủ tịch UBND TP Hà Nội), bác sĩ Trần Duy Hưng đã có những đóng góp to lớn với Thủ đô. Người dân vẫn nhớ tới bác sĩ Trần Duy Hưng với hình ảnh vị lãnh đạo thành phố giản dị, gần gũi với Nhân dân. Ông cũng là người lãnh đạo để nông nghiệp Thủ đô có năng suất lúa cao nhất miền Bắc, các hoạt động công - nông - thương nghiệp luôn đi đầu cả nước...
Hồng Thái
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/ha-noi-70-nam-qua-goc-nhin-cua-nhung-nguoi-con-bac-si-tran-duy-hung.html