Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Thái
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đầu cầu chính đặt tại trụ sở Huyện ủy Đông Anh kết nối với các điểm cầu quận, huyện, thị xã còn lại.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà.
Tham dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị; bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái
Giảm khoảng 50% số phường, xã, thị trấn
Mở đầu hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh trình bày báo cáo về việc triển khai thực hiện Kết luận số 127-KL/TƯ ngày 28-2-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận 128- KL/TƯ ngày 7-3-2025 của Bộ Chính trị về chủ trương công tác cán bộ.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, dự kiến, về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (thực hiện Kết luận số 127-KL/TƯ về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị), ngoài các nguyên tắc chung, Hà Nội cũng xác định một số nguyên tắc riêng của Thủ đô để bảo đảm việc thực hiện hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái
Trong đó, thành phố sẽ chọn 5 vùng động lực, 5 trục phát triển để bảo đảm tính lâu dài; tổ chức lại các đơn vị hành chính có tính đến yếu tố quy hoạch cả cho hiện tại, tương lai, theo định hướng phát triển: Hai đô thị trực thuộc Thủ đô (đô thị phía Bắc và đô thị phía Tây), định hướng phát triển vùng du lịch, vùng công nghiệp, dư địa để phát triển của từng vùng, từng địa phương...
Thành phố cũng xác định phải bảo đảm giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, đặc biệt là những vùng văn hóa tiêu biểu (vùng văn hóa Thăng Long, vùng văn hóa xứ Đoài, vùng văn hóa Kinh Bắc, vùng văn hóa Sơn Nam Thượng...). Bảo đảm được chức năng của từng địa phương (như đơn vị hành chính cơ sở Ba Đình là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia của cả nước; đơn vị hành chính cơ sở Hoàn Kiếm phải bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa của 36 phố phường của kinh thành Thăng Long xưa...).
Về dự kiến số lượng đơn vị hành chính cấp xã, theo dự kiến của Trung ương, tổng số lượng đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp giảm khoảng 50% so với hiện nay.
Hiện nay, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn. Nếu thực hiện theo tỷ lệ trên, Hà Nội sẽ giảm từ 526 phường, xã, thị trấn xuống còn 263 đơn vị hành chính cấp xã.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái
Tiếp đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại báo cáo về công tác quản lý đất đai tại các quận, huyện, thị xã trong quá trình từ nay đến khi hoàn thành việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đại cho biết, hiện nay, tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố Hà Nội là 335.983,58ha, trong đó, đất nông nghiệp có 195.890ha; đất phi nông nghiệp chiếm 137.458ha và đất chưa sử dụng là 2.635,21ha.
Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ gia đình và cá nhân đạt 99,6%. Tính đến tháng 3-2025, thành phố đã thu được khoảng 6.860 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2025 (đạt 34% chỉ tiêu theo kế hoạch năm). Cùng với đó, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quản lý đất đai được tăng cường, thành phố đã xử lý khoảng 28.913 trường hợp, đạt 57,37% tổng số vi phạm cần xử lý.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đại thông tin, việc thực hiện Kết luận số 127-KL/TƯ sẽ tạo chuyển biến mạnh, tác động tích cực đến công tác quản lý đất đai; đồng thời, tạo sự tập trung, thống nhất trong quản lý đất đai, giảm tầng nấc hành chính trung gian, nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý ở cấp xã. Đặc biệt, cuộc cách mạng này sẽ góp phần đẩy mạnh số hóa và hiện đại hóa công tác quản lý đất đai; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Thành ủy và UBND thành phố đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, bảo đảm việc quản lý đất đai phát huy được tính tích cực, hiệu quả từ công tác sáp nhập.
Trong quá trình thực hiện sáp nhập và hợp nhất đơn vị hành chính, UBND thành phố đề ra các giải pháp cụ thể. Trong đó, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy về tăng cường quản lý đất đai và xử lý vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm.
Biểu dương tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các quận, huyện, thị xã
Điều hành phần thảo luận, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, mặc dù nhiệm vụ chính trị đặt ra nặng nề, khối lượng công việc lớn, nhưng lãnh đạo các quận, huyện, thị xã thể hiện thái độ trách nhiệm rất cao, triển khai công tác nhanh, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính. Một số quận như Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai còn đăng ký với thành phố về tiến độ đối với những công việc cụ thể.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái
“Lãnh đạo thành phố biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo quận, huyện, thị xã. Thủ tục hành chính chuyển lên Văn phòng UBND thành phố rất nhanh gọn và nhiều nên nếu không kịp thời điều chỉnh phương thức làm việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” thì chính cấp thành phố sẽ cản trở công việc, không đáp ứng được yêu cầu”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Tiếp đó, hội nghị tiến hành thảo luận. Về thực hiện Kết luận 127, 128-KL/TƯ, các đại biểu thể hiện sự thống nhất rất cao trong thực hiện theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải cũng đã trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề liên quan và các mốc thời gian sắp xếp đơn vị hành chính theo Kết luận 137-KL/TƯ ngày 28-3-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái
Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về các biện pháp tăng cường quản lý đất đai trong quá trình từ nay đến khi hoàn thành việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính.
Chủ tịch UBND các quận, huyện cho biết, đã xử lý nghiêm đối với các vi phạm phát sinh, đồng thời cam kết duy trì tốt công tác quản lý, giữ ổn định tình hình và bảo đảm hiệu quả quản lý đất đai trong quá trình từ nay đến khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính, không để xảy ra gián đoạn, buông lỏng.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án Khu công nghệ cao sinh học (diện tích 140ha), quyết tâm khởi công dự án vào tháng 9-2025, những ngày này, cán bộ quận, phường vẫn ngày đêm làm việc, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động người dân và triển khai các phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cũng đã báo cáo về việc triển khai số hóa tài liệu của các cơ quan trên địa bàn thành phố theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đề án đề xuất, Trung tâm xác định thực hiện nhiệm vụ này theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là số hóa tài liệu của các cơ quan theo 5 mức độ ưu tiên. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố, trong đó, một số nội dung sẽ được thực hiện song song với giai đoạn 1.
Không để khoảng trống trong quản lý về đất đai
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của các nội dung báo cáo, thảo luận tại hội nghị giao ban quý I-2025.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quang Thái
Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Phong biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự đồng thuận, thống nhất để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng đang đặt ra, nhất là về sắp xếp đơn vị hành chính, tăng cường quản lý đất đai và số hóa tài liệu.
Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Ban Chỉ đạo Thành ủy đã giao Đảng ủy UBND thành phố chủ trì công việc này, phương án sắp xếp phải bảo đảm vừa đúng chỉ đạo của Trung ương, vừa giữ được những đặc trưng văn hóa, lịch sử của Thủ đô, đồng thời, bảo đảm không gian phát triển tốt nhất gắn với quy hoạch cho từng địa phương.
Nhiệm vụ đặt ra đối với các quận, huyện, thị xã trong những ngày tới là rà soát, thống kê tổng thể đội ngũ cán bộ, để cùng với các cơ quan thành phố hình thành được cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về đội ngũ cán bộ toàn thành phố, làm căn cứ để thực hiện việc phân công, bố trí, sắp xếp công việc phù hợp, bảo đảm Đảng lãnh đạo toàn diện về công tác cán bộ. Các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tham mưu và đề xuất về công tác cán bộ với tinh thần công tâm, khách quan, tuyệt đối không để xảy tiêu cực trong việc phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ.
Về việc số hóa tài liệu, đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý, đây là việc rất quan trọng, phải làm thật tốt, vừa để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, vừa bảo quản, giữ gìn, tránh thất thoát, mất mát, lộ lọt tài liệu.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quang Thái
Đối với công tác quản lý đất đai (đặc biệt là đất công) và công tác quản lý trật tự xây dựng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, bình thường, đây đã là vấn đề “nóng”, trong thời điểm này lại càng “nóng” hơn. Thành phố yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, thị xã phải thể hiện trách nhiệm cao nhất, không để xảy ra tình trạng “tranh tối tranh sáng” hay khoảng trống quản lý.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này không chỉ là thước đo năng lực lãnh đạo, ý thức trách nhiệm và danh dự của tập thể, cá nhân ở địa phương và của cả thành phố, mà còn là căn cứ để thành phố đánh giá cán bộ, qua đó, thực hiện việc sắp xếp, luân chuyển, điều động cán bộ trong thời gian tới.
Hà Vũ - Đình Hiệp