Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là tổ chức triển khai có hiệu quả lộ trình chuyển đổi và phát triển phương tiện sử dụng năng lượng xanh đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố; đồng thời hoàn thành công tác chuyển đổi phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên toàn địa bàn Thành phố chậm nhất vào năm 2030.
Đồng thời, phân công rõ trách nhiệm và tiến độ thực hiện đối với sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai kế hoạch; đẩy mạnh, làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền và công khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ liên quan đến kế hoạch.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, UBND Thành phố yêu cầu triển khai các nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải. Phát triển hạ tầng phục vụ xe buýt điện, năng lượng xanh: Xây dựng hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư, phát triển hạ tầng cung cấp nguồn điện, nguồn năng lượng xanh như trạm sạc điện, nguồn điện; nguồn khí, trạm cung cấp khí,… theo các giai đoạn phù hợp; nghiên cứu, đầu tư xây dựng các trạm sạc điện nhanh tại các điểm đầu cuối các tuyến xe buýt, trạm sạc công cộng, trạm cung cấp nhiên liệu; phối hợp với ngành điện lực xây dựng phương án cung cấp nguồn điện công suất lớn; quy hoạch các đầu mối giao thông, hệ thống bãi đỗ xe kết hợp lồng ghép các yêu cầu về dành một phần diện tích đất nhất định; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về hạ tầng dùng chung cho hệ thống xe buýt sử dụng năng lượng điện.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tập trung, ưu tiên phát triển các tuyến buýt sử dụng điện, năng lượng xanh kết nối với các tuyến đường sắt đô thị, các khu đô thị mới, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, bảo tàng. Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và vận hành. Đồng thời, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa, kết hợp nguồn vốn ngân sách Thành phố để đầu tư phát triển hạ tầng và phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh; Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực hiện có để sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành công nghệ mới về phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh và kết cấu hạ tầng năng lượng điện, năng lượng xanh.
Bên cạnh đó, kế hoạch được triển khai theo lộ trình, cụ thể: Giai đoạn 2025 - 2026 tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh; mở rộng mạng lưới xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh; triển khai xây dựng các trạm sạc xe buýt điện, năng lượng xanh bao gồm cả trạm sạc nhanh; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, điều hành; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền đến người dân hiểu và đồng thuận. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh dự kiến năm 2025: 10%; năm 2026: 20 - 23%. Và giai đoạn 2027 - 2030, triển khai công tác chuyển đổi theo lộ trình và hoàn thành công tác chuyển đổi 100% xe buýt sử dụng nhiên liệu xăng, dầu diezel sang xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh chậm nhất vào năm 2030; mở rộng mạng lưới trạm sạc đảm bảo hoạt động hiệu quả; mở rộng mạng lưới xe buýt điện để tăng tính kết nối, tăng năng lực cung ứng.
Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh dự kiến năm 2027: 34 - 39%; năm 2028: 47 - 54%; năm 2029: 79 - 89%; năm 2030: 100%.
UBND Thành phố giao sở Xây dựng là cơ quan thường trực tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi và tổng hợp đánh giá việc thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi và phát triển phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh và các nhiệm vụ khác có liên quan.
Giao sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND Thành phố thực hiện các nhiệm vụ về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải/nhà đầu tư trong việc đầu tư hạ tầng cung cấp năng lượng xanh như đầu tư trạm sạc, trạm tiếp nhiên liệu, bãi đỗ xe,....
Ngoài ra, sở Công Thương chủ trì, tham mưu xây dựng phương án quy hoạch hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố. Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp cùng Sở Công Thương tham mưu, đề xuất rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, tổng hợp xác định nhu cầu sử dụng đất phát triển hạ tầng cung cấp nguồn điện, nguồn năng lượng xanh.
Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn, xác định, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ góp phần phát triển công nghệ, nâng cao hiệu suất hoạt động, tiết kiệm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính cho phương tiện giao thông công cộng.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng để chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc chuyển đổi phương tiện đang khai thác cũng như đầu tư mới phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đảm bảo đáp ứng được mục tiêu, lộ trình chung đã được nêu trong kế hoạch này.
Phạm Công