Ảnh minh họa
Theo đó, Quy chế làm việc mẫu của UBND phường của TP Hà Nội gồm 6 chương, 24 điều quy định về nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, phương thức giải quyết công việc và quan hệ công tác của UBND phường với các cơ quan, tổ chức liên quan.
Đối tượng thực hiện: UBND phường, Chủ tịch UBND phường (Chủ tịch phường), Phó Chủ tịch UBND phường (Phó Chủ tịch phường), Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường, các công chức khác làm việc tại UBND phường, Trưởng Công an phường, người hoạt động không chuyên trách ở phường; Tổ trưởng Tổ dân phố.
Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nguyên tắc làm việc của UBND phường: UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. UBND phường chịu sự giám sát của HĐND quận (thị xã); chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của UBND quận (thị xã), Chủ tịch UBND quận (thị xã); sự lãnh đạo của Đảng ủy phường; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Chủ tịch phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo quy định của pháp luật và quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Hoạt động của UBND phường nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân, tuân thủ trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền được giao, theo đúng quy định của pháp luật và quy chế làm việc của UBND phường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường và các công chức khác của UBND phường phải sâu sát địa bàn; lắng nghe, tiếp nhận mọi ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Nhân dân để kịp thời giải quyết; không ngừng học tập nâng cao trình độ, từng bước đưa hoạt động của UBND phường ngày càng hiệu lực, hiệu quả, văn minh, hiện đại, công khai, minh bạch.
Trưởng Công an phường có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch phường về tình hình công tác bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn theo quy định; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn phường theo trách nhiệm quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 169/2024/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời tham mưu, đề xuất với Chủ tịch phường các biện pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ về an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn phường theo quy định và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch phường giao.
Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của UBND phường: Chủ tịch phường: Là người đứng đầu UBND phường, chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND quận (thị xã), trước Đảng ủy phường và trước pháp luật về việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường; là chủ tài khoản của cơ quan. Trực tiếp lĩnh hội, tiếp nhận các nhiệm vụ do UBND quận (thị xã), Chủ tịch UBND quận (thị xã) giao cho UBND phường và phân công Phó Chủ tịch phường và các công chức làm việc tại UBND phường triển khai thực hiện.
Giữ mối liên hệ thường xuyên và tiếp thu sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận (thị xã) và các cơ quan chức năng khác; phối hợp công tác với UBND các phường thuộc quận (thị xã).
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công việc của UBND phường; báo cáo UBND quận (thị xã), Chủ tịch UBND quận (thị xã) và Đảng ủy phường về kết quả, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời, tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Chỉ đạo Phó Chủ tịch phường phụ trách lĩnh vực, địa bàn triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tới các công chức khác làm việc tại UBND phường, Tổ trưởng Tổ dân phố. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch phường chỉ đạo trực tiếp các công chức khác làm việc tại UBND phường.
Mỗi năm ít nhất một lần, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận (thị xã), Chủ tịch phường tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân ở phường theo quy định tại Điều 32 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Phó Chủ tịch phường: Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực chuyên môn và địa bàn do Chủ tịch phường phân công; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các công việc theo lĩnh vực và địa bàn được phân công. Phó Chủ tịch phường được sử dụng quyền hạn của Chủ tịch phường khi giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực được phân công. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch phường và trước pháp luật về lĩnh vực được giao về những quyết định chỉ đạo, điều hành của mình; đối với những vấn đề có tính phức tạp thì báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch phường trước khi xử lý; những vấn đề vượt phạm vi thẩm quyền thì phải báo cáo Chủ tịch phường quyết định, trường hợp cấp bách thì phải xử lý ngay, sau đó phải báo cáo Chủ tịch phường.
Khi giải quyết công việc, nếu có vấn đề liên quan đến phạm vi và trách nhiệm giải quyết công việc của Phó Chủ tịch phường phụ trách lĩnh vực khác thì chủ động trao đổi, phối hợp để thống nhất cách giải quyết theo đúng quy định. Nếu vẫn còn ý kiến khác nhau thì báo cáo Chủ tịch phường quyết định. Kiểm tra, đôn đốc các công chức của UBND phường, người hoạt động không chuyên trách ở phường, Tổ trưởng Tổ dân phố thuộc phạm vi phụ trách thực hiện các chủ trương, chính sách và nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được giao.
Được Chủ tịch phường ủy quyền để trực tiếp giải quyết một số công việc cụ thể khác, nhưng không được ủy quyền lại cho công chức cấp dưới.
Trưởng Công an phường: Có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với Chủ tịch phường các biện pháp để thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn phường theo hướng dẫn của Công an cấp trên; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường: Có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với Chủ tịch phường các biện pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, quân sự địa phương trên địa bàn phường theo hướng dẫn của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, chỉ đạo của UBND quận (thị xã), Chủ tịch UBND quận (thị xã) và Ban Chỉ huy Quân sự quận (thị xã).
Công chức chuyên môn: Văn phòng - thống kê, Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, Tài chính - kế toán, Tư pháp - hộ tịch, Văn hóa - xã hội giúp Chủ tịch phường thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở phường theo lĩnh vực chuyên môn, bảo đảm sự thống nhất quản lý theo lĩnh vực chuyên môn trong toàn quận (thị xã); chịu trách nhiệm trước Chủ tịch phường và cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận (thị xã) về lĩnh vực được phân công.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động giải quyết công việc được giao, sâu sát cơ sở, tận tụy phục vụ Nhân dân, không gây khó khăn, phiền hà cho dân. Nếu vấn đề giải quyết vượt quá thẩm quyền, phải kịp thời báo cáo Chủ tịch phường hoặc Phó Chủ tịch phường phụ trách để xin ý kiến. Chấp hành sự phân công công tác của Chủ tịch phường, sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch phường phụ trách; giải quyết kịp thời công việc theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không để tồn đọng, chậm trễ công việc.
Không chuyển công việc thuộc phạm vi trách nhiệm cá nhân lên Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường hoặc tự ý chuyển cho công chức khác; không tự ý giải quyết các công việc thuộc trách nhiệm của công chức khác; trong trường hợp nội dung công việc có liên quan đến công chức khác thì phải chủ động phối hợp và kịp thời báo cáo Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường xử lý. Nắm chắc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chuyên môn. Bám sát, tiếp thu đầy đủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn quận (thị xã).
Trực tiếp triển khai thực hiện các công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn trong kế hoạch công tác của UBND phường theo chỉ đạo của Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường phụ trách. Khi có các nhiệm vụ mới thuộc lĩnh vực chuyên môn, ngoài kế hoạch đã xây dựng, phải xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Phó Chủ tịch phường phụ trách (trường hợp cần thiết, xin ý kiến của Chủ tịch phường) sau đó nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nội dung, cách thức triển khai, thực hiện.
Thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường phụ trách phân công. Chịu trách nhiệm bảo quản, giữ gìn hồ sơ tài liệu liên quan đến công tác chuyên môn; tổ chức sắp xếp, lưu trữ tài liệu có hệ thống phục vụ cho công tác lâu dài của UBND phường; thực hiện chế độ báo cáo bảo đảm kịp thời, chính xác tình hình về lĩnh vực công việc mình phụ trách theo quy định của Chủ tịch phường.
Người hoạt động không chuyên trách ở phường, Tổ trưởng Tổ dân phố: Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại điều lệ tổ chức mà mình là thành viên, của pháp luật liên quan và của cấp có thẩm quyền quản lý; đồng thời phối hợp, giúp Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường, các công chức của UBND phường thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch phường về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Tổ trưởng Tổ dân phố là người đứng đầu tổ chức tự quản ở cộng đồng dân cư, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt và hoạt động của thôn, tổ dân phố do UBND TP ban hành; thường xuyên báo cáo tình hình công việc với Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường phụ trách; đề xuất giải quyết kịp thời những kiến nghị của công dân, tổ chức ở tổ dân phố.
Quyết định cũng ghi rõ, bãi bỏ Quyết định số 2696/QĐ-UBND ngày 21/6/2021 của UBND TP Hà Nội ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND phường khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Chủ tịch UBND phường căn cứ vào đặc thù quản lý, đặc điểm cụ thể của địa phương ban hành Quy chế làm việc của cơ quan để thực hiện đảm bảo phù hợp với Quy chế này và đúng quy định của pháp luật.
Hồng Thái