Hà Nội, buổi đông về

Hà Nội, buổi đông về
3 giờ trướcBài gốc
Buổi sớm Hà Nội, lúc đèn vẫn còn sáng bên bờ hồ Thiền Quang. Ảnh : T.T.B
Người bạn ra đón ở sân bay Nội Bài nói rằng đôi khi trở bấc đột ngột lùa về nên buổi tối người ta đã mặc áo khoác nhẹ. Len lỏi qua mấy ngã ba ngã tư rồi vụt qua cầu Nhật Tân, lời bạn văng vẳng “đến Hà Nội mùa này rất thú vị, bởi khung cảnh nên thơ vì đã đến lúc người qua phố khoe đủ sắc màu áo ấm”.
Hèn chi, buổi sáng ở Sài Gòn lúc chuẩn bị hành lý, tôi nhắn hỏi, bạn trả lời rằng “đông về, ra đường đã thấy rét ngọt”. Chợt một thoáng bâng khuâng, vì cũng mùa này năm nào, tôi từng thuê xe máy để lang thang với Hà Nội, lên Sơn Tây, rồi ngược xuôi mấy ngày. Qua bao cánh đồng ngoại thành kiếm tìm một chút an nhiên nơi miền thôn dã. Bây giờ, phố xá đã lan xa nhiều ngả, có muốn tìm kiếm cảnh sắc ấy phải đi xa hơn rất nhiều!
Buổi sáng mùa đông ở cửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: T.T.B
Đêm dần buông. Tôi được bạn đặt phòng cho nghỉ lại bên bờ hồ Thiền Quang. Phố Quang Trung nhiều cây nhưng khi vòng qua con đường Nguyễn Du, lại chợt nhớ và nhẩm một đoạn trong bài hát Nhớ về Hà Nội của ngày xa lắc: “Nhớ phố Quang Trung đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng…”. Lại tỉ mẩn tự hỏi rằng ngôi làng tên Liên Thủy quanh đây ngày xưa, cách nay đã hơn trăm năm có còn ai nhớ ai quên. Và tiếng lao xao sớm chiều của bao người tất bật hàng xay hàng xáo rảo chân về phía phố xa, giờ về đâu trong dĩ vãng xa mờ?
Cũng buổi đông về, tôi dậy thật sớm đi dạo quanh bờ hồ. Đã có vài ba người phụ nữ chọn một góc riêng mình để bán chè mạn, thuốc lào. Cái hơi say của loại thuốc lào Vĩnh Bảo một thời tôi từng thử rồi ngất ngây, nhìn nước hồ ngỡ là mây trôi, lại trở về trong ký ức. Thấm đượm một nét đặc trưng xứ Bắc, để hoài niệm bước chân vừa đi vừa chiêm nghiệm của những văn nhân đất kinh kỳ một thời. Mà trong những trang văn của họ hầu như không ai không từng mô tả cái thú bình dân thuốc lào chè mạn, lúc lang thang cùng mùa đông Hà Nội.
Cũng buổi đông về, chợt nghe thấy trong hơi gió sớm thoảng từ xa tiếng gà gáy sáng. Rồi, lúc trời sáng dần đã thấy nghiêng nghiêng lấp ló vài chiếc nón của những người phụ nữ bôn ba. Chẳng đặng đừng, tôi ghi vội vào trong điện thoại vài câu chợt hiện: “Đất ướp sử thi nghiêng che vành nón. Người tự đâu về nơi đây mưu sinh”. Và tạm đặt tên bài thơ vừa chớm ấy là Tiếng gà gáy bên hồ Thiền Quang. Bỗng, dội về bao điều trong tiềm thức khi lần giở ký ức lâu lắm rồi, có những ngày ngả nghiêng say với bạn thơ trong cái se lạnh Hà Nội, kiểu như bây giờ!
Nhưng hầu như lần nào đến Hà Nội, tôi cũng đều như “cưỡi ngựa xem hoa”, vì rất ít điều kiện ở lại lâu ngày, dù vẫn biết với nhiều người sống lâu năm như bạn tôi, thì Hà Nội như một khoảng trời thiêng liêng ấp ủ trong tâm khảm, và điều ấy họ luôn giữ lại cho riêng mình. Để rồi, khi về lại Sài Gòn lục tìm trong tủ sách quyển hồi ký Những năm tháng ấy của nhà văn Vũ Ngọc Phan do Nhà xuất bản Văn học in năm 2017, thấy ông viết nhiều trang rất hay về Hà Nội, từ phong tục lễ nghĩa, cội nguồn gốc tích và kỷ niệm ấu thời trong căn nhà số 54 Hàng Đào.
Ông cũng không quên ghi lại rất nhiều nhận định về nơi mình sinh ra, lớn lên như một mặc định yêu dấu về Hà Nội mà tôi luôn thích giở ra để đọc: “Hà Nội xưa mang nhiều phong tục tập quán cũ, nhưng Hà Nội vẫn còn cái gì làm cho người ta mến, người ta yêu. Những người đã ở Hà Nội đến ba, bốn, năm đời khi xa Hà Nội mà nhớ Hà Nội là chuyện thường tình, nhưng có người chỉ ở Hà Nội mới vài năm, có khi chỉ được mấy tháng, mà khi ra đi vẫn nhớ cảnh nhớ người, có thể là nhớ người hơn cả, thì đủ thấy Hà Nội có sức quyến rũ thật” (trang 44).
Và chẳng thể nào bỏ qua đôi dòng nhà văn Vũ Ngọc Phan viết năm 1985 về mùa đông trong ngôi nhà thơ ấu lúc ông đã 80 tuổi, lúc nhớ lại hơi gió mùa Đông Bắc trở về bên hồ Thiền Quang sáng ấy: “Lối nhà cổ như nhà số 54 Hàng Đào mùa đông rất lạnh. Gió ở các sân lùa xuống, những giường kê gần sân đều phải có cánh xếp che trong những đêm mùa đông…” (trang 51).
Tôi tin những dòng viết dấu yêu ấy, sẽ chẳng cũ bao giờ!
Trần Thanh Bình
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/ha-noi-buoi-dong-ve/