Hà Nội: Các huyện là điểm nóng đấu giá đất sắp tới sẽ ra sao?

Hà Nội: Các huyện là điểm nóng đấu giá đất sắp tới sẽ ra sao?
3 giờ trướcBài gốc
52 lô đất tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) chuẩn bị được đấu giá
Đã bớt những dấu hiệu bất thường
Trong tháng 11 tới, huyện Hoài Đức sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá 52 thửa đất tại khu vực thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên thông qua 2 phiên đấu giá. Phiên thứ nhất sẽ diễn ra ngày 4/11 với 20 thửa đất có diện tích từ 89 đến 145m2, phiên tiếp theo sẽ đấu giá 32 thửa đất có diện tích từ 97 đến 172 m2. Mức giá khởi điểm là từ 7,5 triệu đồng/m2.
52 lô đất này cùng ở khu vực thông Lòng Khúc, nằm cạnh 19 thửa đất từng được đấu giá vào cuối tháng 8 vừa qua. Theo thông tin mới nhất, 11 thửa đất đã nộp đầy đủ tiền, trong đó thông tin đáng chú ý nhất là người trúng đấu giá thửa đất có mức giá trúng cao nhất là 133 triệu/m2 đã nộp đủ tiền.
Hai phiên đấu giá đất sắp diễn ra tại huyện Hoài Đức sắp tới được dự báo là sẽ rất "nóng", bởi dù là đất trong xã, nhưng vị trí khu đất khá gần Đại lộ Thăng Long.
Phiên đấu giá mới nhất đã vừa diễn ra tại Hà Đông, 26 thửa đất được đấu giá thành công, với mức trúng đấu giá cao nhất là 262 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá chỉ có khoảng hơn 200 người tham dự. Mức giá trúng đấu giá các thửa đất về cơ bản ngang giá thị trường khu vực Hà Đông.
Trở lại với thời điểm ầm ĩ, "gây sốt" vào đầu tháng 8, phiên đấu giá 68 thửa đất tại Khu ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) đã có tới 1500 người với hơn 4.000 hồ sơ tham gia đấu giá.
Đấu giá đất vẫn rất thu hút nhà đầu tư
Sau các phiên đấu giá tại Thanh Oai và Hoài Đức, với những mức trúng đấu giá được đẩy cao lên bất thường, cơ quan quản lý đã ra những văn bản yêu cầu siết lại công tác đấu giá đất, giám sát chặt chẽ hơn, tìm hiểu nghi vấn có hiện tượng "thổi giá" gây bất ổn thị trường. Tiếp theo sau đó, một loạt các phiên đấu giá dự kiến diễn ra tại nhiều nơi đã bị hoãn lại, người đã đăng ký tham gia, đã đặt cọc được trả lại tiền.
Một nhà đầu cơ (giấu tên) chia sẻ ý kiến: "Đấu giá đất đã diễn ra từ nhiều năm nay, trở thành cuộc chơi của các đội nhóm, vào đấu với mục đích mua bán ăn chênh hoặc tạo sóng thị trường. Hiện tại, sau khi bị siết chặt, bị giám sát kĩ hơn, rồi có cả lý do là thấy báo chí truyền thông rất quan tâm, liên tục đưa tin bài về các phiên đấu, đội đầu cơ này đã rút. Với việc những đội nhóm này rút đi, chiêu trò quân xanh quân đỏ, đấu xong bỏ để thao túng giá đã không còn. Tuy nhiên, ở thời điểm này, đất đấu giá vẫn hấp dẫn, bên cạnh người địa phương có nhu cầu mua, nhà đầu tư mua đất chờ giá lên, những cá nhân tham gia với mục đích nếu đấu được giá tốt thì bán ăn chênh cũng nhiều. Họ đấu giá theo đúng quy định, tìm được người có nhu cầu mua, chuyển nhượng lại đi kèm chênh thì cũng không hề sai về mặt luật pháp, đây là câu chuyện thị trường".
Với việc đấu giá theo nhiều vòng với các bước giá, người trúng là người trả cao nhất ở vòng cuối khi không còn ai trả cao hơn, các cuộc đấu giá diễn ra với thời gian rất lâu, đây cũng là điều hoàn toàn bình thường. Đấu giá với hình thức này sẽ đảm bảo tính công bằng, tốt hơn việc tăng nguồn thu ngân sách địa phương từ đấu giá đất, ngăn chặn "chiêu trò".
"Đấu trường" đấu giá đất vẫn sẽ thu hút, căng thẳng và hấp dẫn
Với 52 thửa đất sắp được đấu giá tại Hoài Đức, mức giá khởi điểm là từ 7,5 triệu đồng/m2. Với mức giá khởi điểm này, người tham gia đấu giá sẽ phải đặt cọc khoản tiền là từ 130 đến 250 triệu đồng khi đăng ký đấu giá 1 thửa đất. Một người sẽ được phép đăng kí nhiều thửa đất và nộp tiền cọc cho các thửa đất đăng ký đấu giá. Khi đấu giá không thành công, tiền đặt cọc sẽ được hoàn lại cho người đăng ký. Tại cuộc đấu giá vừa diễn ra tại Hà Đông, trong số khoảng 200 người tham dự, rất nhiều người đã chọn đăng ký đấu giá nhiều thửa đất.
Các quy định về đấu giá như vậy là phù hợp và tạo điều kiện để người dân, với các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể thuận lợi tham gia đấu giá đất. Anh Mạnh Cường - một người vừa tham gia một phiên đấu giá - cho biết: "Đấu giá luôn là một cuộc chơi, và người chơi phải biết rõ nhất mục đích của mình, phải kiểm soát được mức giá. Tôi tham gia và thấy rằng hiện tại đây là một cuộc chơi công bằng, ai trả giá cao thì người đó trúng, khi mức giá lên vượt tầm của mình thì dừng cuộc chơi, đi về, một điều hoàn toàn bình thường. Người trúng mức giá tốt cũng không còn bán chênh được nhiều nữa, rao giá ban đầu là chênh 400-500 triệu, nhưng thường cứ trả 200-300 triệu là bắt đầu thấy đôi bên khớp được với nhau".
Hàng trăm thửa đất được đấu giá ở nhiều nơi, giá sau khi đấu là nhiều tỉ đồng cho 1 thửa đất, đấu giá đất thành "cuộc chơi" của những người có tài chính tốt.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng đấu giá đất sẽ vẫn hấp dẫn người dân và nhà đầu tư trong thời gian sắp tới do nguồn cung ít ỏi. Với quy định về cấm phân lô bán nền tại 105 thành phố, thị xã trong Luật kinh doanh bất động sản mới, nguồn cung đất nền đã "dừng lại". Tiếp theo sau đó, Hà Nội ra quy định tăng diện tích và quy định chặt chẽ hơn đối với tách thửa. Đất đấu giá là "đất sạch", pháp lý chuẩn, đã có cơ sở hạ tầng, nên trong bối cảnh phân khúc nào cũng tăng giá này lại càng trở thành "mặt hàng hot".
Những con số 100 - 150 - 200 triệu đồng cho 1m2 đất nền, 75 - 100 - 150 triệu đồng cho 1m2 chung cư tại trung tâm và vùng ven của Hà Nội, đã dần trở thành bình thường, phản ánh thực tế thị trường. Những thửa đất đấu giá xong có giá cả chục tỉ vẫn được những người có nhu cầu mua, "cuộc chơi" đấu giá đất vẫn xôm tụ, đất vẫn đến với người có tiền. Bên lề một cuộc đấu giá, một người dân đã đặt câu hỏi rằng: "Đấu giá đất mang về nguồn thu cho ngân sách địa phương là điều tích cực. Hàng trăm thửa đất được đấu giá, các cuộc đấu giả được tổ chức liên tục, và chỉ người có tiền mới mua được đất đấu giá. Vậy còn nhà đất cho những người lao động, người có thu nhập trung bình nằm ở nơi nào, nằm ở đâu, cũng là điều rất cần phải quan tâm tìm lời giải đáp".
Quang Thái
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/ha-noi-cac-huyen-la-diem-nong-dau-gia-dat-sap-toi-se-ra-sao-20241024200845243.htm