Hoàn thành chỉ tiêu đầu nhiệm kỳ đề ra
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Báo cáo về Kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024 của TP.
Trong đó nêu rõ, năm 2024, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) khảo sát 1.122 người dân tại 24 thôn, tổ dân phố thuộc 12 xã, phường, thị trấn của 6 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc TP: quận Hoàn Kiếm (phường Chương Dương, phường Hàng Trống); quận Đống Đa (phường Hàng Bột, phường Văn Chương); quận Cầu Giấy (phường Nghĩa Tân, phường Quan Hoa); quận Ba Đình (phường Liễu Giai, phường Giảng Võ); huyện Hoài Đức (thị trấn Trạm Trôi, xã An Khánh); thị xã Sơn Tây (phường Ngô Quyền, phường Quang Trung).
Đánh giá chung cho thấy, kết quả Chỉ số PAPI năm 2024 của TP Hà Nội xếp trong nhóm 2 (Trung bình - Cao), đã hoàn thành chỉ tiêu đầu nhiệm kỳ đề ra, xếp thứ 2/6 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (sau TP Huế, mới bổ sung năm 2024).
Trong đó, Hà Nội có 2 Chỉ số nội dung nằm trong nhóm 1 (nhóm Cao) là “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” và “Quản trị điện tử”. Trong 8 trục nội dung được khảo sát, Hà Nội có 2 trục nội dung đạt điểm cao nhất là Cung ứng dịch vụ công (đạt 7,5690 điểm) và Thủ tục hành chính (TTHC) công (đạt 7,1232 điểm).
So sánh 8 chỉ số nội dung của Hà Nội 5 năm gần nhất về điểm số và thứ hạng cho thấy TP đã có 5/8 chỉ số nội dung tăng điểm và 7/8 chỉ số nội dung tăng thứ hạng.
Mặc dù vậy, UBND TP cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong kết quả Chỉ số PAPI đạt được của Hà Nội trong năm qua cần sớm khắc phục. Đó là một số trục nội dung xếp thứ hạng rất thấp: TTHC chỉ xếp thứ 60/63 tỉnh, TP; Quản trị môi trường xếp thứ 58/63; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công xếp thứ 54/63.
Đáng chú ý, một số trục nội dung là thế mạnh của Hà Nội có xu hướng giảm điểm và giảm thứ hạng (Cung ứng dịch vụ công giảm điểm sâu nhất, giảm 0,2796 điểm; TTHC giảm 23 bậc); có 3 trục nội dung thuộc nhóm thấp (Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, Quản trị môi trường (nhóm 4) và TTHC (nhóm 3).
Đồng thời, có 3/8 trục nội dung giá trị điểm tuyệt đối đạt dưới 50%; còn nhiều dư địa có thể cải thiện (Trách nhiệm giải trình với người dân, Quản trị môi trường, Quản trị điện tử).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thăm, làm việc với Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội
Nhìn nhận nguyên nhân và trách nhiệm của vấn đề này, lãnh đạo UBND TP cho rằng, tại Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 26/5/2023 của UBND TP về cải thiện, nâng cao các Chỉ số đã giao các sở, ngành chủ trì tham mưu, theo dõi, chịu trách nhiệm đối với các Chỉ số nội dung và nội dung thành phần. Các Chỉ số nội dung và nội dung thành phần năm 2024 bị giảm điểm hoặc chưa đạt chỉ tiêu về thứ hạng trước hết thuộc trách nhiệm chủ trì tham mưu của các sở, ngành được UBND TP phân công.
Các sở, ngành được TP phân công cần tiếp tục phân tích sâu hơn các vấn đề từ kết quả Chỉ số PAPI, chỉ ra nguyên nhân và tham mưu UBND TP xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, cải thiện về điểm số, thứ hạng trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Hơn nữa, phần lớn các vấn đề Chỉ số PAPI nghiên cứu và công bố gắn bó chặt chẽ với đời sống dân sinh, diễn ra ở cấp cơ sở thuộc trách nhiệm tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở.
Vì vậy, UBND TP đề nghị các giải pháp do các sở, ngành tham mưu cho TP nhằm cải thiện Chỉ số PAPI trong năm tới quan tâm, tập trung đầu tư hơn nữa cho cấp cơ sở, gắn trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra của cấp ủy đảng, người đứng đầu chính quyền cơ sở. Cùng đó, chính quyền cơ sở cần chủ động tổ chức triển khai thực hiện, nắm kỹ những nội dung kiến nghị qua kết quả báo cáo Chỉ số PAPI để triển khai có trọng tâm, trọng điểm và sát thực.
Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra
Từ việc chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể đối với những tồn tại, hạn chế thời gian qua, để tiếp tục nâng cao Chỉ số PAPI của TP Hà Nội năm 2025 và các năm tiếp theo, lãnh đạo UBND TP yêu cầu toàn TP tiếp tục rà soát những giải pháp, nhiệm vụ, chỉ tiêu được xác định tại các kế hoạch về cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của Hà Nội để điều chỉnh, bổ sung phù hợp; xây dựng Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI năm 2025 của TP. Về nhiệm vụ này, UBND TP giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hoàn thành trước ngày 15/5/2025.
Bên cạnh đó, UBND TP giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành được giao chủ trì tham mưu các chỉ số nội dung và nội dung thành phần có điểm số năm 2024 giảm so với năm 2023 và các sở, ngành chịu trách nhiệm chủ trì tham mưu đối với các chỉ tiêu về điểm số, thứ hạng chưa đạt Kế hoạch (Tư pháp, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Thanh tra TP, Văn phòng UBND TP, Công an TP).
Đó là, cần đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể trong năm 2024 (gửi về Sở Nội vụ để tổng hợp chung trước ngày 30/4/2025); chủ động triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được xác định; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tham mưu xử lý sai phạm các địa phương, đơn vị thuộc TP trong phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách.
Lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị các giải pháp do sở, ngành tham mưu TP nhằm cải thiện Chỉ số PAPI cần tập trung đầu tư hơn nữa cho cấp cơ sở (ảnh: cán bộ UBND xã Ninh Sở, huyện Thường Tín hướng dẫn công dân giao dịch hành chính trực tuyến)
Lãnh đạo TP cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch Cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của TP Hà Nội năm 2025 tại các địa phương, đơn vị; gắn với kiểm tra công tác cải cách hành chính, kiểm tra công vụ, chú trọng kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra.
Đồng thời, tiếp tục đưa kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch Cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của TP Hà Nội trong đánh giá xác định chỉ số CCHC của các cơ 18 quan, đơn vị; đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền; chú trọng các hình thức thông tin cơ sở gần gũi, trực tiếp đến cá nhân, tổ chức, các hình thức được đông đảo người dân quan tâm truy cập và tương tác cao (trang thông tin điện tử, mạng xã hội,...); nâng cao hình thức và chất lượng tuyên truyền.
Ngoài ra, TP tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ tại chính quyền cơ sở; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, chuyên môn theo ngành dọc đối với công chức cấp xã; chủ động tổ chức khảo sát, đánh giá đối với hiệu lực hiệu hoạt động của chính quyền; đổi mới hình thức lấy ý kiến, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền…
Để thực hiện tốt các kế hoạch, giải pháp đề ra, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét rà soát, hoàn thiện bộ công cụ đánh giá Chỉ số PAPI.
Trong đó, đề nghị UNDP và các cơ quan phối hợp nghiên cứu bổ sung những Chỉ số thành phần phản ánh hiệu quả của quá trình chuyển đổi số, cải cách hành chính và sự hài lòng của người dân theo nhóm lĩnh vực cụ thể; cân nhắc điều chỉnh một số nội dung khảo sát để bảo đảm tính khách quan, phù hợp điều kiện thực tiễn tại các đô thị lớn; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, kết nối liên vùng. Đồng thời, UNDP tổ chức các diễn đàn chia sẻ điển hình tốt trong cải thiện chỉ số PAPI, nhất là về lĩnh vực quản trị môi trường, kiểm soát tham nhũng và cung ứng dịch vụ công; tăng cường hướng dẫn thông tin, thống nhất quy trình thực hiện.
UBND TP cũng đề nghị các bộ, ngành có văn bản hướng dẫn thống nhất về quy trình cung cấp, tiếp cận, công khai thông tin, giúp địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả; cơ chế phối hợp, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương có chỉ số PAPI cao và các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Chỉ số PAPI được xác định trên 8 chỉ số nội dung, 28 nội dung thành phần, hơn 120 chỉ tiêu chính, hơn 550 câu hỏi. Mỗi chỉ số nội dung được xác định 10 điểm, tổng số 80 điểm. 8 chỉ số nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
Linh Nguyễn