Có thể nói ngay, việc Hà Nội đưa ra quyết định sẽ hạn chế các phương tiện có lượng phát thải cao vào trong một số khu vực nội đô là một tin vui, vì sau rất nhiều bàn cãi, cuối cùng cũng có một hành động thiết thực nào đó bắt đầu được chính quyền Thủ đô thực hiện.
Tuy nhiên, cá nhân tôi thì thấy có nhiều băn khoăn với điều này.
Thứ nhất, việc này sẽ được thực hiện thế nào? Lộ trình HĐND thành phố Hà Nội đưa ra là bắt đầu từ năm 2025, sẽ hạn chế các phương tiện phát thải cao vào trong các khu vực được định sẵn, gồm quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm. Vậy những khu vực đó sẽ được khoanh vùng thế nào?
Thứ hai, các phương tiện sẽ được phân biệt thế nào, định dạng ra sao để biết là các phương tiện đó phát thải cao?
Hai băn khoăn này tôi nghĩ đến bây giờ Hà Nội đều chưa có khả năng thực hiện. Chắc chắn là chính quyền Hà Nội sẽ không có đủ nhân lực để rải ra tất cả các điểm giáp ranh giữa 2 quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm để chặn các phương tiện không đáp ứng các yêu cầu về phát thải đi vào khu vực đó.
Đến nay, không có một yếu tố nào để cho phép nhận biết đâu là phương tiện phát thải đủ tiêu chuẩn, đâu là phương tiện phát thải không đủ tiêu chuẩn. Bởi trên thực tế, các phương tiện đều có biển số hoặc các yếu tố nhận biết tương đương nhau, chẳng có gì khác nhau cả. Chúng ta chỉ có thể dễ dàng phân biệt được đâu là là xe dịch vụ và xe không làm dịch vụ, hoặc xe đăng ký ở địa phương nào. Chúng ta không có các yếu tố để phân biệt giữa phương tiện có mức độ phát thải này với mức độ phát thải kia.
Kể cả trong trường hợp chúng ta có đủ người đứng ở các điểm giáp ranh của các quận, cũng không có cách nào để họ có thể nhanh chóng, dễ dàng nhận ra các phương tiện có hoặc không đảm bảo yêu cầu về phát thải. Chẳng lẽ, mỗi người phải cầm trong tay một danh sách rất dài các phương tiện, bao gồm tên loại xe này thì đảm bảo phát thải, loại xe kia thì không đảm bảo.
Vậy nên, quyết định của Hà Nội trong việc hạn chế các phương tiện không đảm bảo yêu cầu phát thải vào một số khu vực nghe thì đã đành là vui, vì chính quyền có vẻ như đã bắt đầu làm một việc gì đó, nhưng nghĩ đến thực hiện điều đó, thì lại thấy nó cũng có rất nhiều băn khoăn. Như tôi nói ở trên, rõ ràng là chúng ta không có phương tiện, không đủ nguồn lực.
Tôi nghĩ, việc tổ chức giao thông, hạn chế phương tiện vào một số khu vực cần phải được tiếp cận ở góc độ quốc gia.
Thứ nhất, cần phải có cách để phân biệt các phương tiện có lượng phát thải phù hợp. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, xe điện sẽ dùng biển màu xanh. Còn ở Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển xe điện sang một màu biển khác, hay những cái xe đạt các tiêu chuẩn phát thải thấp sang đăng ký một màu biển khác, thì tự người sử dụng sẽ biết phương tiện của mình có đảm bảo không và người điều hành sẽ dễ dàng nhận biết
Thứ hai, việc ngăn chặn phương tiện vào một khu vực nào đó không nên được tiếp cận bằng cách phân chia theo địa bàn, địa lý như cách mà Hà Nội đang định làm. Vì đôi khi ranh giới giữa các quận cũng rất mong manh, có nhiều tuyến phố, hai bên lại là ranh giới hai quận khác nhau, thì người dân sẽ phân biệt thế nào? Ngay cả những người ở Hà Nội lâu năm như tôi nhiều lúc cũng không có khả năng phân biệt “biên giới” của các quận ở đâu.
Vì vậy, cách tiếp cận, cách làm thế nào tôi nghĩ cũng là một câu chuyện. Hà Nội có rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về môi trường. Nhưng giải quyết vấn đề đó thế nào thì tôi nghĩ cần phải có một cách tiếp cận một cách khoa học và thật sự nghiêm túc.
Phạm Quang Vinh.VOV- Giao thông