Theo Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/7/2026, Hà Nộicấm xe máy xăng trong khu vực vành đai 1; Từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2. Từ năm 2030, tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Trong bối cảnh đó, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đăng Toản, Trưởng khoa Năng lượng mới của Trường Đại học Điện lực xung quanh chiến lược đào tạo mới của trường nhằm đáp ứng bối cảnh ngành xe điện và năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ.
Năng lượng xanh là xu hướng tất yếu
- Thưa ông, trước lộ trình Hà Nội cấm xe xăng từ tháng 7/2026, nhà trường có kế hoạch phát triển môn học hay cập nhật chương trình giảng dạy trong lĩnh vực công nghệ điện, năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường ra sao?
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Toản: Trong bối cảnh ngành năng lượng toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng xanh và bền vững, Trường Đại học Điện lực là trường đại học đa ngành, trực thuộc Bộ Công Thương, có truyền thống đào tạo về lĩnh vực năng lượng đã sớm có những định hướng trong việc giảng dạy, nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm đóng góp vào quá trình bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải.
Từ trước khi có Chỉ thị 20/ CT-TTg, trong quá trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình đào tạo, các ngành của trường đã bám sát những chỉ đạo của nhà nước như Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, Cam kết của Chính phủ về thực hiện phát thải ròng bằng 0 năm 2050 (COP26), Quyết định số 768/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Nghị quyết số 57-NQ/TW ban hành ngày 22/12/2024. Trong đó, tập trung vào việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia… và những khảo sát các bên liên quan nhằm xác định nhu cầu của xã hội, đã xác định năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường là một xu hướng tất yếu.
Giảng viên Trường Đại học Điện lực làm việc với nhà máy Vinfast. Ảnh: NTCC
Tất cả các ngành đã có học phần “Năng lượng cho phát triển bền vững”, trong đó giới thiệu các công nghệ năng lượng xanh, tái tạo, xu hướng dịch chuyển năng lượng cũng như những định hướng phát triển năng lượng và bảo vệ môi trường của đất nước.
Trong nhiều ngành, có những học phần về công nghệ tích trữ năng lượng, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió, ô tô và ô nhiễm môi trường, nhiên liệu sinh học.
Trường Đại học Điện lực rất quan tâm phát triển các học phần, ngành học liên quan đến lĩnh vực công nghệ điện, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường từ sớm; vừa phát huy truyền thống đào tạo, vừa là định hướng của tương lai.
- Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ xanh, đặc biệt là xe điện, Trường Đại học Điện lực sẽ chú trọng vào các môn học nào để giúp sinh viên có thể tham gia vào công cuộc giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Toản: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ xanh và xe điện là một phần trong cuộc cách mạng khoa học 4.0. Với xu hướng năng lượng xanh và tái tạo, trường chú trọng đến sự kết hợp liên ngành. Các học phần có thể kể đến như: Công nghệ ô tô điện, năng lượng cho phát triển bền vững, công nghệ tích trữ năng lượng, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điều khiển các nguồn phân tán, công nghệ sản xuất điện, lưới điện thông minh, quản lý vận hành lưới điện phân phối có nguồn phân tán, phân tích dữ liệu lớn, vật liệu cho năng lượng tái tạo và cơ điện tử ô tô. Đặc biệt, để cập nhật kiến thức về ô tô điện, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô đã đưa vào giảng dạy học phần "Cơ điện tử ô tô", giúp sinh viên nắm bắt các kiến thức mới về công nghệ ô tô và ô tô điện.
Chuẩn bị kỹ lưỡng đào tạo chuyên gia về công nghệ xe điện
- Với việc cấm xe xăng theo Chỉ thị 20, nhiều người cho rằng, ngành công nghiệp xe điện sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Trường Đại học Điện lực đã chuẩn bị như thế nào để đào tạo chuyên gia về công nghệ xe điện, từ thiết kế, sản xuất đến bảo dưỡng xe điện, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Toản:Thứ nhất, về chương trình đào tạo nhà trường luôn cập nhật theo định hướng ứng dụng, đáp ứng nhu cầu xã hội. Do đó các chương trình đào tạo sẽ luôn cập nhật, chỉnh sửa cho phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, theo xu hướng phát triển xanh, bền vững, gìn giữ môi trường.
Các ngành như Công nghệ kỹ thuật năng lượng, Công nghệ kỹ thuật ô tô sẽ bổ sung một số học phần về thiết kế, sản xuất, kiểm thử, khai thác và bảo dưỡng xe điện; các học phần về pin - tích trữ năng lượng, hệ thống truyền động điện, công nghệ sạc nhanh, điều khiển thông minh và tích hợp năng lượng tái tạo.
Thứ hai, nhà trường cũng có kế hoạch để đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và xưởng thực hành. Dự kiến, trong thời gian tới, sẽ xây dựng một số phòng lab xe điện, trang bị mô hình động cơ điện, pin lithium-ion, điều khiển xe điện thông minh, trạm sạc, hệ thống quản lý năng lượng (BMS), hệ thống lưới điện thông minh…
Thứ ba, nhà trường luôn có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành về công tác tại Đại học Điện lực, các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu được ưu tiên xét tuyển dụng. Đồng thời nhà trường luôn có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, học tập nâng cao trình độ về lĩnh vựng năng lượng xanh, bền vững, bảo vệ môi trường
Thứ tư, nhà trường tích cực tham gia và khuyến khích giảng viên, người học tham gia các đề tài khoa học, các hội thảo khoa học, các dự án liên quan đến năng lượng xanh như: Đề tài nghị định thư hợp tác quốc tế: "Nghiên cứu tích hợp hệ thống điện mặt trời áp mái tại đô thị Việt Nam nhằm phát triển hệ thống năng lượng bền vững". Đề tài cấp Bộ Công Thương: "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát, điều khiển, vận hành thông minh cho các hệ thống tích hợp nguồn năng lượng tái tạo". Các đề tài cấp trường như: "Nghiên cứu ảnh hưởng của điện mặt trời mái nhà đến lưới điện phân phối trong chế độ tự sản tự tiêu", hay "Mô phỏng khí động học cánh gió NACA phục vụ ứng dụng điện gió"…
Đặc biệt, trong năm 2025, nhà trường đăng ký chủ trì 3 nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Trong đó, nổi bật là nhiệm vụ: "Nghiên cứu xây dựng mô hình tòa nhà xanh tích hợp điện mặt trời mái nhà tại Trường Đại học Điện lực theo định hướng phát thải CO₂ bằng 0". Các đề tài tốt nghiệp khuyến khích người học tham gia nghiên cứu thiết kế và chế tạo các mô hình xe điện, xe tự hành sử dụng các nguồn năng lượng pin, năng lượng mặt trời...
Thứ năm, nhà trường có hệ thống hợp tác với các các doanh nghiệp, người học có cơ hội thực tập, trải nghiệm, thực hành tại các doanh nghiệp liên quan đến xe điện, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhà máy điện gió, điện mặt trời…
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Toản: Hợp tác doanh nghiệp luôn là một thế mạnh của nhà trường, hiện có hàng trăm doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với nhà trường trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Người học có cơ hội từ tham quan, thực tập, trải nghiệm, thực hành tại các doanh nghiệp liên quan đến xe điện như BYD, VINfast, Thaco... Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhà máy điện gió, điện mặt trời, tham gia các hội chợ việc làm của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng… Đây là cơ hội rất lớn cho người học.
Minh Khánh