Hà Nội cấm xe máy xăng vào Vành đai 1, chuyên gia nói gì?

Hà Nội cấm xe máy xăng vào Vành đai 1, chuyên gia nói gì?
7 giờ trướcBài gốc
Sáng nay, 14/7, theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 7h30, Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách 126 thành phố ô nhiễm trên thế giới. Cụ thể, với chỉ số AQI ở mức 167, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức màu đỏ "không lành mạnh".
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Hà Nội thực hiện lộ trình chấm dứt xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026 là đúng, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, trong đó có không khí ở Hà Nội vào mức báo động. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những băn khoăn, lo ngại, khi xe máy đang là phương tiện mưu sinh của nhiều người dân Thủ đô.
Lộ trình cấm xe máy xăng
Tại Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường đã đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với UBND TP Hà Nội trong việc tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm với lộ trình cụ thể.
Tắc đường "không lối thoát" ở một tuyến phố Hà Nội. Ảnh: Mai Loan.
Cụ thể, Chỉ thị yêu cầu Hà Nội lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong quý III/2025) và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.
Đặc biệt, yêu cầu Hà Nội thực hiện lộ trình chấm dứt xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026.
Tiếp đến là hạn chế ô tô xăng dầu tại Vành đai 2 từ năm 2028 và mở rộng với toàn bộ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 3 từ năm 2030. Đây được xem là “lệnh khởi động lại” lộ trình vùng phát thải thấp mà Hà Nội đã đề ra từ năm 2017 nhưng chưa thể triển khai hiệu quả do nhiều vướng mắc về hạ tầng và chính sách.
Cần giải pháp đồng bộ, bởi xe máy còn là phương tiện cho “kế sinh nhai”
Hoàn toàn ủng hộ chủ trương này, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng nhận định đây là một quyết sách “rất đúng đắn, rất tuyệt vời”, phù hợp với xu thế phát triển bền vững của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
PGS.TS Bùi Thị An. Ảnh: Mai Loan.
Lý do là vì, nhiều năm qua, Hà Nội thường xuyên nằm trong nhóm những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Bụi mịn PM2.5 tại Thủ đô có nhiều thời điểm vượt mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ 2 đến 3 lần. Tình trạng ô nhiễm kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng mà còn gây tổn hại tới hình ảnh của một Thủ đô đang hướng đến mục tiêu xanh - văn minh - hiện đại. Chính vì vậy, việc giảm phát thải từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy, là một trong những mục tiêu cấp thiết.
“Việc làm trong sạch môi trường không khí Hà Nội là một mục tiêu mà lãnh đạo thành phố đã đặt ra. Bây giờ có thêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ quyết liệt hơn, triệt để hơn, và sẽ làm cho chất lượng cuộc sống ở Hà Nội tốt hơn”, bà An nói.
Tuy nhiên, để chủ trương này đi vào cuộc sống và nhận được sự đồng thuận của người dân, PGS.TS Bùi Thị An đặc biệt nhấn mạnh rằng không thể chỉ cấm mà phải có một lộ trình đồng bộ với nhiều giải pháp hỗ trợ.
Thứ nhất, phải có phương tiện thay thế phù hợp và cơ chế hỗ trợ tài chính để người dân chuyển đổi. “Chúng ta muốn đổi cái cũ thì phải thay cái mới, thay bằng cái tốt hơn. Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ về tiền để người dân thay thế phương tiện”, bà An phân tích.
Thứ hai, yếu tố tiên quyết là phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh một cách tiện lợi, hiệu quả. Các phương tiện như xe buýt, metro phải được đầu tư để trở thành phương tiện giao thông xanh, sử dụng nhiên liệu sạch. Quan trọng hơn, bến bãi, các điểm kết nối phải được bố trí hợp lý để người dân khi dừng xe cá nhân có thể ngay lập tức tiếp cận phương tiện công cộng mà không làm ảnh hưởng đến công việc, học tập và sinh hoạt.
Thứ ba, cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng phục vụ giao thông xanh, như các trạm sạc pin, mở rộng mạng lưới các tuyến đường xương cá để tăng khả năng kết nối.
Cuối cùng, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giao thông xanh thông qua các ưu đãi về thuế, đất đai. Song song đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và có chế tài xử phạt nghiêm minh, công khai.
Trước những băn khoăn, lo lắng của người dân về việc xe máy là phương tiện mưu sinh chính, PGS.TS Bùi Thị An hoàn toàn chia sẻ và cho rằng đây là một thực tế cần được nhìn nhận thấu đáo.
“Cái xe máy ở Việt Nam không chỉ để đi lại mà còn là “kế sinh nhai” của rất nhiều gia đình. Cho nên, chủ trương của chúng ta phải luôn lấy dân làm gốc, lấy dân làm trung tâm. Khi dân băn khoăn, chúng ta phải chia sẻ, cùng người dân tháo gỡ vướng mắc để có được sự đồng thuận”, bà An phân tích.
Theo PGS An, khi các giải pháp hỗ trợ được triển khai một cách toàn diện, giải quyết được những lo lắng chính đáng của người dân, thì chắc chắn chủ trương đúng đắn này sẽ được thực hiện thành công. “Khi người dân đã đồng thuận thì dứt khoát sẽ thực hiện được, và khi đó, Hà Nội sẽ thật sự tuyệt vời,” PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, việc khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện là một hướng đi đúng nhằm giảm ô nhiễm không khí, tuy nhiên cần đi kèm với các giải pháp hỗ trợ thiết thực. “Không thể chỉ kêu gọi rồi mặc định rằng hộ gia đình nào cũng đủ điều kiện kinh tế để mua xe máy điện. Muốn thay đổi thói quen tiêu dùng, Nhà nước cần tính đến chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng”, ông Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo ông, ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện nay chủ yếu xuất phát từ hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp và đốt phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, việc tập trung xử lý ô nhiễm từ lĩnh vực giao thông là hướng đi vừa trúng, vừa đúng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thực chất, cần có lộ trình chuyển đổi rõ ràng, đồng bộ và được triển khai trên cơ sở các chính sách cụ thể, khả thi.
Trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Hà Nội đã có lộ trình hạn chế, cấm xe máy vào khu vực nội đô. Cụ thể, năm 2017, HĐND TP đã ban hành nghị quyết số 04 để tiến tới dừng hoạt động xe máy tại các quận (cũ) vào năm 2030.
Ngày 12/12/2024, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết thực hiện vùng phát thải thấp, có hiệu lực từ 1/1/2025. Nghị quyết trên cho biết Hà Nội sẽ cấm hoặc hạn chế xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 chạy vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay, Thành phố sẽ báo cáo với lãnh đạo Chính phủ để xin nghiên cứu phương án ngồi với các nhà sản xuất xe để có chương trình giảm thiểu xe máy xăng dầu vào vùng phát thải thấp. Thành phố sẽ có chương trình đổi xe, hỗ trợ đổi xe, cấp vốn vay, để cơ bản người dân trong vùng phát thải thấp đi xe điện, không đi xe máy nữa.
Mai Loan
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/ha-noi-cam-xe-may-xang-vao-vanh-dai-1-chuyen-gia-noi-gi-post1554620.html