Hà Nội cần gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Hà Nội cần gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công
14 giờ trướcBài gốc
Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công hết tháng 11 đạt hơn 52%
Tại Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2024, cập nhật về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2024 là 77 nghìn tỷ đồng, gấp 1,64 lần so với kế hoạch năm 2023. Lũy kế giải ngân đến ngày 30/11/2024 của toàn thành phố đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng, đạt 52,4% kế hoạch.
Ông Hà Minh Hải cho biết, áp lực về khối lượng công việc và kế hoạch vốn cần phải giải ngân trong tháng cuối năm là rất lớn (36.670 tỷ đồng, tương đương 47,6% kế hoạch).
Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, ngay trong tháng 11/2024, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đến hết tháng 01/2025 với tinh thần quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để hoàn thành mức cao nhất giải ngân vốn đầu tư công.
Các đại biểu dự Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội thảo luận tại tổ.
Đối với xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2025, mục tiêu, định hướng, nguyên tắc, thứ tự ưu tiên là bố trí kế hoạch vốn tuân thủ Luật Đầu tư công năm 2019, Chỉ thị của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, vào đầu năm 2025, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án đủ điều kiện bố trí theo quy định và phù hợp với tiến độ, khả năng triển khai thực tế của các nhiệm vụ, dự án, trong đó, phân bổ 100% kế hoạch vốn ngân sách trung ương giao.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn.
Nguồn vốn và phương án phân bổ kế hoạch năm 2025 là 87.130 tỷ đồng (bằng số trung ương giao), trong đó: Kế hoạch đầu tư công cấp thành phố là 49.729 tỷ đồng, bố trí đủ vốn theo tiến độ, khả năng triển khai thực hiện của các dự án đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định ngay từ đầu năm.
Về việc cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, theo Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Hà Minh Hải, nguyên tắc cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nguyên tắc điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn là tuân thủ Luật Đầu tư công và phù hợp với tiến độ triển khai, khả năng giải ngân thực tế của các nhiệm vụ, dự án. Tổng điều chỉnh giảm Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách thành phố là 50.946 tỷ đồng.
Như vậy, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố sau điều chỉnh là 203.370 tỷ đồng, đảm bảo phù hợp với Kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của thành phố sau cập nhật, điều chỉnh (Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và Kế hoạch vốn ngân sách thành phố đã giao hàng năm giai đoạn 2021 - 2024, dự kiến giao năm 2025).
Gỡ “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công
Tiếp tục tại chương trình Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện đã thảo luận làm rõ nguyên nhân cụ thể tác động đến giải ngân đầu tư công của thành phố chưa đạt kết quả như kế hoạch.
Làm rõ nguyên nhân cụ thể tác động đến giải ngân đầu tư công của thành phố chưa đạt kết quả như kế hoạch, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên Đường Hoài Nam cho hay, do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và kế hoạch đầu tư năm nay lớn. Trong đó, thành phố đã phân cấp cho các quận, huyện triển khai các dự án cải tạo vườn hoa, công viên.
Lực lượng chức năng huyện Đông Anh (Hà Nội) tiến hành cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Ảnh: Thành Doãn
“Khi triển khai các dự án giải phóng mặt bằng, chúng tôi luôn nhận được đơn, thư khiếu nại của người dân về giá đền bù giải phóng mặt bằng. Đây thực sự là một điểm nghẽn lớn mà thành phố cần quan tâm tháo gỡ để các địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công” - ông Đường Hoài Nam nêu vấn đề.
Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Quang Hiếu cũng cho rằng, công tác giải ngân đầu tư công của thành phố từ đầu năm đến nay chưa đạt kế hoạch do vướng mắc về cơ chế, chính sách trong giải phóng mặt bằng. Trong đó, việc áp giá đền bù đất của năm 2024 vẫn còn một số bất cập nên chưa tạo được sự đồng thuận của nhân dân.
“Cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố cũng như các đơn vị, việc phân cấp, phân quyền cho các đơn vị trong thực hiện các dự án đầu tư công cũng là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh kế hoạch đầu tư công” - ông Nguyễn Quang Hiếu nói.
Đồng tình với nguyên nhân giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam cho rằng còn nguyên nhân khác, đó là việc thực hiện các thủ tục đầu tư còn chậm, chất lượng dự án có vấn đề nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần; khi điều chỉnh và phê duyệt mới cũng rất mất thời gian./.
Tại Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội (khóa XVII) cho ý kiến về: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2024 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm giai đoạn 2025 - 2027; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2024, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2025. Hội nghị cũng xem xét về điều chỉnh Kế hoạch tài chính 5 năm TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của thành phố; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025.
Diệu Hoa
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-can-go-nut-that-giai-phong-mat-bang-thuc-day-giai-ngan-dau-tu-cong-165570.html