Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: PHẠM LINH)
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2025 của thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao là 87.130 tỷ đồng, gấp 1,13 lần so với kế hoạch năm 2024, chiếm 10,5% tổng số vốn của cả nước được Quốc hội quyết nghị phân bổ.
Tính đến ngày 24/3/2025, thành phố Hà Nội đã giải ngân vốn đầu tư công được hơn 5.052 tỷ đồng, đạt 5,8% kế hoạch. Dự kiến, cả năm giải ngân vốn cân đối ngân sách địa phương sẽ đạt 100%.
Tuy nhiên việc giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương có nhiều khó khăn. Trong đó, vướng mắc lớn nhất khi triển khai dự án là khâu giải phóng mặt bằng.
Thành phố hiện có 4 dự án sử dụng vốn sách trung ương; 62/282 dự án cấp thành phố và 31/570 dự án cấp huyện sử dụng ngân sách thành phố gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Một số dự án trải qua quy định của hai Luật Đất đai, tồn tại hai chính sách hỗ trợ khác nhau.
Điển hình như dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 2, Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đều chậm tiến độ, không đạt kế hoạch giải ngân vốn hằng năm và phải đề xuất chuyển sang giai đoạn 2026-2030 đều do giải phóng mặt bằng chậm, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án, hiệp định kéo dài, phức tạp; tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá đường sắt đô thị chưa có dẫn đến khó thực hiện.
Ngoài ra, một số dự án gặp vướng trong công tác quy hoạch, xác định chỉ giới đường đỏ, đánh giá tác động môi trường, biến động giá nguyên vật liệu... Trong khi dự án sử dụng vốn ODA vướng do công nghệ phức tạp, lại khác biệt về quy định pháp luật và hợp đồng quốc tế…
Trong năm 2025, thành phố Hà Nội phấn đấu khởi công ba công trình cầu qua sông Hồng (cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi). Trong đó, cầu Tứ Liên dự kiến khởi công vào ngày 19/5.
Để đáp ứng được tiến độ trên, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật Đấu thầu và các Nghị định liên quan để đẩy nhanh chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: PHẠM LINH)
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2025 của Hà Nội còn thấp. Tuy nhiên, giai đoạn này là giai đoạn chuẩn bị, từ nay đến cuối năm là thời điểm giải ngân và bứt tốc.
Phó Thủ tướng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và lưu ý các Bộ liên quan sau buổi làm việc xác định rõ, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội.
Với dự án ODA, Phó Thủ tướng giao giao Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao chủ động làm việc với đại sứ quán và cơ quan quản lý ODA của Pháp để sớm ký kết.
Về ba công trình lớn (cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị, Hà Nội báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lý do cần triển khai sớm, đồng thời, cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chọn nhà đầu tư có năng lực, đầu tư vốn chất lượng. Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đưa vào Nghị quyết của Chính phủ.
Với dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 21A Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai, Phó Thủ tướng nhất trí giao thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản để thực hiện tổng thể cả dự án.
Đối với các dự án thuộc Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngay trong tháng 3/2025, Bộ Tài chính thực hiện đề nghị của Hà Nội về việc điều chuyển Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 nguồn ngân sách trung ương đã giao cho Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố Hà Nội để kịp thời giải ngân, triển khai các dự án…
“Hà Nội được phân bổ vốn lớn, nhưng vẫn khiêm tốn so với nhu cầu. Những khó khăn về giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội chỉ là trước mắt, tạm thời, sau tháng 4 tới phải giải quyết. Hà Nội cần phấn đấu giải ngân hơn 100% kế hoạch vốn, chứ không chỉ hơn 95%”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
NGUYÊN TRANG