Biểu diễn nghệ thuật dưới tác phẩm “Hồi sinh” tại Vườn hoa Cổ Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: C.Tú.
Định hình tương lai qua tác phẩm "Hồi sinh"
Hà Nội đang chứng tỏ sức hút văn hóa mạnh mẽ với những danh hiệu quốc tế gần đây. Mới đây, tạp chí Time Out (Anh) đã vinh danh Hà Nội là một trong 20 điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới năm 2025, đứng thứ 9 toàn cầu và dẫn đầu khu vực châu Á. Đây là một kết quả đáng tự hào, nhưng vẫn còn một thách thức lớn mà thành phố cần phải vượt qua: xây dựng và phát triển thêm không gian nghệ thuật công cộng đương đại.
Hà Nội, mặc dù có một số không gian nghệ thuật, nhưng nếu nhìn vào các vườn hoa, công viên, chúng ta thấy một thực tế rằng nhiều khu vực vẫn thiếu vắng những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn, tạo nên điểm nhấn văn hóa đặc trưng cho thành phố. Không gian công cộng nghệ thuật hiện tại chủ yếu tập trung vào việc trang trí đô thị hoặc phục vụ các sự kiện ngắn hạn, chưa thực sự gắn kết lâu dài với đời sống văn hóa của cộng đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để Hà Nội trở thành một thành phố thực sự sáng tạo và thu hút du khách, cần phải có thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật công cộng đương đại, nơi người dân có thể tận hưởng và giao lưu với nghệ thuật trong suốt bốn mùa. Chính tại những không gian này, nghệ thuật có thể tác động sâu sắc đến cộng đồng, trở thành một phần của cuộc sống thường nhật.
Tháng trước, Hà Nội đã chứng kiến sự ra mắt một tác phẩm nghệ thuật công cộng mang đậm tính sáng tạo và ý nghĩa sâu sắc, đó là tác phẩm "Hồi sinh" của nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn. Tác phẩm này được thực hiện từ một cây xà cừ 70 năm tuổi đã bị bật gốc sau cơn bão Yagi vào năm 2024, nằm tại vườn hoa Cổ Tân, quận Hoàn Kiếm. Được tái sinh bằng thép không gỉ và đá thạch anh, tác phẩm mang trong mình một thông điệp mạnh mẽ về sự sống, sự vươn lên sau thiên tai và tinh thần không bao giờ bỏ cuộc của người dân Hà Nội.
Nghệ sĩ Tia - Thủy Nguyễn cho biết, tác phẩm “Hồi sinh” là một phần trong chuỗi tác phẩm của tôi xo-ay quanh chủ đề cây cối. “Sau cơn bão Yagi, khi chứng kiến cảnh tượng cây xà cừ bị đổ, tôi cảm thấy như mất đi một phần hồn cốt của Hà Nội. Tôi quyết định tái sinh cây xà cừ này, tạo ra một tác phẩm nghệ thuật phản ánh sự bền bỉ, khả năng phục hồi và vươn lên của con người" - Tia-Thủy Nguyễn nói, và cho biết, đã sử dụng hơn 6 tấn thép để bao bọc thân cây và làm những chiếc lá bằng thép óng ánh, có khả năng bắt ánh sáng mặt trời, tạo nên hiệu ứng lấp lánh mỗi khi nắng chiếu vào, như một khúc ca của sự sống.
Tác phẩm này không chỉ tái hiện quá trình tái sinh của một cây cổ thụ, mà còn là biểu tượng cho sự hồi sinh của cộng đồng, đặc biệt là sau những thiên tai, những thử thách mà Hà Nội và cả nước phải đối mặt. Tia - Thủy Nguyễn đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về sự lạc quan và khả năng vượt qua khó khăn, điều này càng trở nên ý nghĩa khi Hà Nội đang hướng tới mục tiêu xây dựng một thành phố sáng tạo, năng động và đầy sức sống.
Tác phẩm “Hồi sinh” của nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn được sử dụng 6 tấn thép để bao bọc thân cây và làm những chiếc lá óng ánh, có khả năng bắt ánh sáng mặt trời.
Hà Nội vẫn thiếu không gian nghệ thuật công cộng
Tác phẩm "Hồi sinh" là một trong những ví dụ tiêu biểu về không gian nghệ thuật công cộng ở Hà Nội. Tuy nhiên, để tác phẩm này có thể tạo ra tác động lớn hơn, Hà Nội cần có nhiều không gian nghệ thuật công cộng tương tự. Theo ông Phạm Quốc Tùng - Giám đốc Marketing Davines Việt Nam, "những tác phẩm nghệ thuật đường phố không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn kích thích các hoạt động kinh doanh và phát triển kinh tế xung quanh. Khi chúng ta đầu tư vào nghệ thuật công cộng, chúng ta đang đầu tư vào một phần giá trị văn hóa và cộng đồng".
Còn kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng, với một thành phố có gần 10 triệu dân như Hà Nội, số lượng không gian nghệ thuật công cộng như hiện tại quả thực còn khiêm tốn. Mặt khác, những không gian nghệ thuật công cộng hiện tại chủ yếu đang gắn với mục đích trang trí đô thị, phục vụ cho các sự kiện của thành phố thay vì là không gian để thử nghiệm sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa hằng ngày của người dân. Các triển lãm ngoài trời, các lễ hội sáng tạo được tổ chức trong những năm gần đây là ý tưởng rất hay, nhưng tiếc là những không gian ấy chỉ mang tính kỳ cuộc chứ không tồn tại lâu. "Không gian nghệ thuật công cộng có vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Nó không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, mà còn tạo dựng bản sắc văn hóa, góp phần thu hút du khách và thúc đẩy du lịch"- ông Tùng nhấn mạnh.
Những tác phẩm như "Hồi sinh" không chỉ là một điểm nhấn về mặt thẩm mỹ mà còn mở ra một hướng đi mới cho việc phát triển không gian nghệ thuật công cộng tại Hà Nội. Điều này đặc biệt quan trọng khi Hà Nội đã được vinh danh là một trong những thành phố sáng tạo của UNESCO. Tuy nhiên, để không gian nghệ thuật công cộng phát huy hết tiềm năng, thành phố cần có một chiến lược dài hạn để phát triển và duy trì những tác phẩm này.
Các không gian nghệ thuật công cộng không chỉ là nơi để trưng bày các tác phẩm mà còn là nơi giao lưu văn hóa, nơi mà người dân có thể hòa mình vào những giá trị sáng tạo và tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, việc phát triển những không gian này không chỉ là một cách để làm đẹp đô thị mà còn là cách để xây dựng và bảo vệ bản sắc văn hóa của Hà Nội.
Để thành phố thực sự trở thành một trung tâm văn hóa thu hút du khách và cộng đồng, Hà Nội cần phát triển thêm nhiều không gian nghệ thuật công cộng đương đại, cần nhiều tác phẩm như “Hồi sinh” và độc đáo hơn nữa. Chính những không gian này sẽ giúp Hà Nội không chỉ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa mà còn nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân và tạo ra giá trị kinh tế bền vững từ nghệ thuật.
Lan Dương