Sáng 14/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Dự trữ quỹ đất làm sân bay tại các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1569 phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 12/12/2024.
Theo đó, tổng diện tích tự nhiên lập quy hoạch là 3.359,84 km2. Về mục tiêu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5% thời kỳ 2021 - 2030. Quy mô dân số thường trú khoảng 10,5 - 11 triệu người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Nhật Bắc
Quy hoạch xác định 5 trục động lực phát triển Hà Nội gồm: sông Hồng; hồ Tây - Cổ Loa; Nhật Tân - Nội Bài; hồ Tây - Ba Vì; phía Nam.
Quy hoạch chung Thủ đô được điều chỉnh xác định rõ Hà Nội sẽ phát triển theo cấu trúc đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị.
Cụ thể, vùng đô thị phía Nam sông Hồng gồm khu vực nội đô lịch sử, nội đô lịch sử mở rộng, khu vực mở rộng đô thị về phía Tây và Nam - Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần thuộc Thanh Oai, Thường Tín.
Vùng đô thị phía Đông gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
Vùng đô thị phía Bắc gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (dự kiến hình thành thành phố phía Bắc).
Vùng đô thị phía Tây gồm thị xã Sơn Tây, các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, trong đó dự kiến hình thành thành phố phía Tây trong tương lai, nâng loại đô thị thành phố Sơn Tây.
Vùng đô thị phía Nam gồm các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, có tính đến nghiên cứu thành phố phía Nam trong tương lai.
Hệ thống đô thị vệ tinh và sinh thái được phân cách bằng hành lang xanh, nêm xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm.
Quy hoạch cũng nêu rõ kế hoạch phát triển cảng hàng không thứ 2 ở vùng Thủ đô Hà Nội. Cụ thể, Hà Nội sẽ dự trữ quỹ đất, không gian, hạ tầng tại phía Nam (khu vực các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên) để nghiên cứu cảng hàng không thứ 2.
Có biện pháp huy động nguồn lực phù hợp, hiệu quả
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đồng thời phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hà Nội sớm có đề án khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện quy hoạch cần tiếp tục bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân; có biện pháp huy động nguồn lực phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng lưu ý, phải thực hiện thật tốt 2 quy hoạch để Hà Nội xứng đáng là Thủ đô của đất nước 100 triệu dân, vươn lên ngang tầm các thủ đô tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới.
Chỉ đạo Thủ đô đi tiên phong trong kỷ nguyên chuyển mình của dân tộc, trở nên giàu đẹp, nơi đáng sống và là niềm tự hào của đất nước, Thủ tướng nêu rõ, Hà Nội không chỉ là cực tăng trưởng của đất nước mà phải là động lực phát triển của toàn vùng và đất nước.
Theo đó, Hà Nội phải tận dụng tốt tính chủ động, sáng tạo, tự chủ; có cơ chế huy động các nguồn lực phát triển; nhanh chóng cụ thể hóa các nội dung của Luật Thủ đô, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị để khai thác tối đa nguồn tài nguyên vô cùng to lớn về khoa học công nghệ để tăng tốc phát triển lên 2 con số thời gian tới.
Thủ tướng chỉ đạo, Hà Nội phải có mô hình tăng trưởng kinh tế hiện đại, gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; đi đầu trong tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Ngoài thế mạnh về dịch vụ, Hà Nội cần ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ thông tin… để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm, giúp người dân có thu nhập cao.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội xây dựng và triển khai ngay các đề án, dự án để huy động nguồn lực xử lý ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông, làm sống lại các dòng sông chết… báo cáo Chính phủ về cơ chế, nguồn lực, hoàn thành trong quý 1/2025.
Quang Phong