Đây là thông tin được Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp vừa được Thành ủy Hà Nội tổ chức.
Tại hội nghị, Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh kiến nghị thành phố sớm giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ nghỉ theo Nghị định số 178-NQ/CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Giải đáp kiến nghị này, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, thành phố đã tiếp nhận 2.005 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ và hưởng theo chế độ Nghị định số 178-NQ/CP.
Cán bộ phường ở Hà Nội. Ảnh: N. Huyền
Đến nay, UBND thành phố đã ban hành quyết định giải quyết đối với 525 trường hợp. Các hồ sơ còn lại đang trong quá trình xem xét, thẩm định. Thành phố phải xem xét rất kỹ, cụ thể từng hồ sơ.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ, 1.480 hồ sơ còn lại đang được xem xét. Tuy nhiên, thành phố xác định, khoản chi ngân sách cho việc này là rất lớn, với 525 người được duyệt hồ sơ vừa qua, thành phố đã phải chi gần 700 tỷ đồng. Nếu duyệt hết 1.480 trường hợp còn lại, số tiền ngân sách chi có thể lên tới 4-5 nghìn tỷ đồng...
Trước đó, tại buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh với công nhân Thủ đô hôm 28/5, trả lời băn khoăn về chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, qua thống kê cho thấy số cán bộ công chức, viên chức và lực lượng cán bộ không chuyên trách nghỉ việc trong thời gian tới khoảng 11.000 người (trong đó 8.665 người thuộc lực lượng không chuyên trách).
Thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho cán bộ dôi dư có nhu cầu chuyển đổi công việc. Với những đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì sẽ trích ở đó, phần thiếu (chênh lệch), UBND TP sẽ trình HĐND TP bổ sung để người lao động được đào tạo lại nghề.
N. Huyền