Hà Nội chọn lãnh đạo chủ chốt cấp xã theo việc, không vì cơ cấu

Hà Nội chọn lãnh đạo chủ chốt cấp xã theo việc, không vì cơ cấu
7 giờ trướcBài gốc
Chiều 13-5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025–2030 và hướng dẫn công tác cán bộ khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Bí thư xã, phường mới phải có thành tích nổi trội
Tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải trình bày Hướng dẫn số 09 về việc bố trí cán bộ, công chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Theo hướng dẫn, cán bộ được lựa chọn làm bí thư xã, phường mới phải có năng lực nổi trội, thành tích tiêu biểu, có sản phẩm chất lượng, hiệu quả, đồng thời ưu tiên cán bộ trẻ và nữ.
Cụ thể, với chức danh bí thư cấp ủy, các quận, huyện, thị ủy sẽ đề xuất nhân sự cụ thể. Trường hợp dư cán bộ đủ điều kiện, địa phương lập danh sách gửi Thành ủy điều phối chung. Nếu thiếu, có thể đề xuất cán bộ khác có năng lực hoặc đề nghị bổ sung từ sở, ngành thành phố.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải.
Thành ủy định hướng lựa chọn cán bộ theo thứ tự ưu tiên: Thành ủy viên, bí thư/phó bí thư cấp huyện, ủy viên ban thường vụ huyện ủy, phó chủ tịch HĐND/UBND cấp huyện, trưởng các phòng, ban cấp huyện… đến bí thư cấp xã.
Với cán bộ sở, ngành thành phố, có thể được luân chuyển về xã, phường đảm nhiệm chức danh bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy nếu đáp ứng tiêu chuẩn, trong quy hoạch và có triển vọng phát triển.
Thành ủy Hà Nội yêu cầu cán bộ lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, MTTQ… phải còn ít nhất một nhiệm kỳ công tác tính từ tháng 7-2025.
Cán bộ tái cử cấp ủy phải còn tối thiểu 48 tháng công tác, còn tái cử chính quyền, MTTQ thì ít nhất 36 tháng tính từ thời điểm bầu cử (tháng 3-2026 đối với chính quyền, ngay sau đại hội với MTTQ).
Với cán bộ ủy ban kiểm tra cấp ủy, yêu cầu là còn ít nhất 42 tháng công tác tại thời điểm đại hội.
Chọn người “vì việc”, không vì cơ cấu
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Việc sắp xếp 126 đơn vị hành chính cấp xã là cơ hội lớn để Hà Nội xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu quả, hiện đại và gần dân. Đây không chỉ là thực hiện nghị quyết Trung ương mà còn thể hiện quyết tâm lớn của thành phố”.
Ông lưu ý việc tổ chức bộ máy phải phù hợp với yêu cầu mới, tận dụng các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiến của Thủ đô như: Nghị quyết 15, Luật Thủ đô sửa đổi, các quy hoạch lớn của Thủ đô…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu việc bố trí cán bộ phải dựa trên năng lực thực tế, không hạ thấp tiêu chuẩn vì cơ cấu, đồng thời “vì việc tìm người”, không bó hẹp địa giới hành chính, mà “có lên có xuống; có ngang, có dọc; có vào có ra” để lựa chọn được đội ngũ cán bộ có chất lượng cao nhất.
Đặc biệt, đối với các quận huyện tách thành từ 3 đơn vị hành chính cấp xã trở lên, ông Phong lưu ý: “Không để xảy ra tình trạng ‘năm đội bóng, nhưng trình độ không đồng đều nhau, một đội thì toàn cầu thủ chuyên nghiệp, các đội còn lại thì nghiệp dư”.
Ông Phong khẳng định việc sắp xếp bộ máy hành chính xã, phường là “sự kết hợp giữa tâm – tầm – nghệ thuật” của người đứng đầu. Việc chọn cán bộ phải công tâm, khoa học.
“Dù chỉ còn một ngày công tác, đề nghị các đồng chí vẫn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp phần tổ chức bộ máy hiệu quả”, ông nói.
Việc bố trí cán bộ sẽ linh hoạt, kết hợp nguồn tại chỗ và từ các sở, ngành, đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay từ ngày 1-7-2025.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng cho hay TP cũng đã chuẩn bị chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách bị ảnh hưởng bởi sắp xếp như: nghỉ chế độ, đào tạo lại, bố trí công việc mới.
“Tinh thần là không để ai không được quan tâm. Đây là trách nhiệm chung của toàn TP chúng ta”, ông Phong nhấn mạnh.
Trọng Phú
Nguồn PLO : https://plo.vn/ha-noi-chon-lanh-dao-chu-chot-cap-xa-theo-viec-khong-vi-co-cau-post849556.html