Hà Nội có 10 tổ công tác đặc biệt: 'Người dân không còn sợ quái xế vị thành niên'

Hà Nội có 10 tổ công tác đặc biệt: 'Người dân không còn sợ quái xế vị thành niên'
28 phút trướcBài gốc
Hơn 4 tháng xử lý gần 18.000 trường hợp vi phạm
Ngày 13/5/2024, Công an TP Hà Nội thành lập 5 tổ công tác đặc biệt gồm: Cảnh sát giao thông (CSGT), Cảnh sát cơ động tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn các quận. Việc triển khai 5 tổ công tác kiểm tra, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm tại các nút giao trọng điểm nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân. Bước đầu tạo được yếu tố đột xuất, bất ngờ, có tính trấn áp cao với các đối tượng vi phạm, đặc biệt đối với những thanh niên ngổ ngáo, ngang nhiên vi phạm trong khung giờ cao điểm sáng, chiều...
10 tổ công tác đặc biệt xử lý các trường hợp vi phạm ngay từ sáng sớm
Từ hiệu quả của 5 tổ công tác ban đầu, đến ngày 9/7, Công an TP Hà Nội tiếp tục thành lập thêm 5 Tổ công tác đặc biệt nâng tổng số tổ công tác đặc biệt lên 10 tổ. Các tổ tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông như: Người điều khiển xe mô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, điều khiển xe ba bánh, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp vi phạm TTATGT.
Bên cạnh đó, thông qua tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nhiều vụ việc có dấu hiệu phạm pháp hình sự đã được tổ công tác phát hiện, bắt giữ và bàn giao công an sở tại xử lý; góp phần đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông.
Đại diện Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, tính từ 16/5 đến 28/9, các Tổ công tác đặc biệt đã xử lý 17.685 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền khoảng 14,096 tỷ đồng, tạm giữ 3.928 phương tiện, tước 707 giấy phép lái xe. Trong đó, phát hiện, bắt giữ 19 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, bàn giao cơ quan chức năng điều tra, giải quyết.
Phụ huynh chở con em đi học nhưng vi phạm giao thông đều bị xử lý
Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTG, ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, Tháng cao điểm an toàn giao thông năm 2024, các tổ công tác đặc biệt tập trung xử lý các hành vi vi phạm trong độ tuổi học sinh, qua đó phát hiện và xử lý nhiều trường hợp các em học sinh vi phạm. Ngoài việc xử phạt hành chính, Công an sẽ gửi thông báo vi phạm đến các trường học để phối hợp với nhà trường, gia đình, có biện pháp quản lý, giáo dục các học sinh vi phạm.
Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông theo phương châm: kiên trì, bền bỉ, quyết liệt xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm..., đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng "văn hóa giao thông", tạo lập thói quen và ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Người dân đồng tình ủng hộ 10 tổ công tác đặc biệt
Ghi nhận của phóng viên VOV.VN, các vi phạm trật tự an toàn giao thông đã giảm, ý thức của người dân được nâng cao rõ rệt. Tại các nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc, người dân đã có ý thức chấp hành tín hiệu đèn và hiệu lệnh người tham gia điều tiết giao thông, đi đúng làn, không chen lấn, dần dần tạo thói quen tham gia giao thông văn minh, lịch sự.
Ông Nguyễn Văn Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Từ khi có 10 Tổ công tác đặc biệt, hàng loạt phụ huynh và học sinh vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Những trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, đầu không mũ bảo hiểm, kẹp 3 kẹp 4 lạng lách, đánh võng,... không còn xuất hiện nhiều trên đường nữa. Từ đó góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, người dân càng yên tâm khi đi ra đường tham gia giao thông".
Sau khi 10 tổ công tác đặc biệt của Hà Nội có chuyển biến tích cực, đồng loạt các địa phương trên cả nước ra quân xử lý các trường hợp học sinh vi phạm
Bà Phạm Thị Nụ (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Trước đây người dân cứ nghĩ sáng sớm ngày ra không có nhiều lực lượng chức năng xử lý vi phạm giao thông nhất là các trường hợp phụ huynh đưa con nhỏ đi học hay học sinh cấp 2, cấp 3 chưa đủ tuổi điều khiển các phương tiện như xe gắn máy, xe mô tô, xe máy điện... nhưng đến nay hiện tượng này đều bị xử lý nghiêm minh. Trước kia, sáng ra chúng tôi rất ám ảnh với những trường hợp học sinh, phụ huynh ngổ ngáo, phi xe bất chấp quy định gây nguy hiểm cho người khác và tác động làm cho giao thông càng thêm ùn tắc. Nay nhờ những tổ công tác đặc biệt này tình hình giao thông được cải thiện rõ rệt, người dân đi lại cũng an tâm hơn rất nhiều. Chúng tôi rất đồng tình ủng hộ khi có những tổ đặc biệt này".
Theo Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội, từ 13/5 đến nay, Công an Thành phố đã thành lập 10 Tổ công tác đặc biệt tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông như: Người điều khiển xe mô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, điều khiển xe ba bánh, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Trung tá Phạm Đức Hoàng - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 14 (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết: "10 tổ công tác đặc biệt tập trung xử lý không đội mũ bảo hiểm đã có những kết quả rất tích cực góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên có nhiều chuyển biến tích cực, văn hóa giao thông từng bước được nâng cao dần".
Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 14 khuyến cáo, khi tham gia giao thông, đề nghị người dân chấp hành luật an toàn giao thông để phòng ngừa tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Những hành vi vi phạm này đều là nguyên nhân trực tiếp tới an toàn của những người tham gia giao thông. Khuyến cáo mọi người tham gia giao thông an toàn, chấp hành luật lệ an toàn giao thông.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội, thời gian tới, bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTG, ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, Tháng cao điểm an toàn giao thông năm 2024, các Tổ công tác đặc biệt tập trung xử lý các hành vi vi phạm trong độ tuổi học sinh, qua đó phát hiện và xử lý nhiều trường hợp các em học sinh vi phạm. Ngoài việc xử phạt hành chính, Công an sẽ gửi thông báo vi phạm đến các trường học để phối hợp với nhà trường, gia đình, có biện pháp quản lý, giáo dục các học sinh vi phạm.
Văn Ngân/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-co-10-to-cong-tac-dac-biet-nguoi-dan-khong-con-so-quai-xe-vi-thanh-nien-post1125884.vov