Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, dự thảo quy định trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; việc quản lý và sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Quy định áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm; tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm (gọi chung là cơ sở dạy thêm) trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối với hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường, kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật
Đối với hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, việc thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm.
Nguồn ảnh minh họa: Ngọc Mai
Dự thảo quy định rõ trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố quy định nội dung chi, mức chi và nguồn kinh phí ngân sách cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm đối với các cơ sở giáo dục, các cơ sở dạy thêm thuộc phạm vi quản lý theo quy định; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Sở Tài chính phối hợp với sở giáo dục và đào tạo, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố quy định nội dung chi, mức chi cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường; Chủ trì tham mưu cấp có thẩm quyền cân đối nguồn kinh phí ngân sách cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật hiện hành.
Các sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục trong công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc dạy thêm, học thêm tại địa phương.
Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong các trường công lập thuộc phạm vi quản lý.
Phòng giáo dục và đào tạo báo cáo kết quả thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lý về sở giáo dục và đào tạo khi kết thúc năm học hoặc theo yêu cầu đột xuất (nếu có).
Về trách nhiệm của hiệu trưởng, theo dự thảo, hiệu trưởng có trách nhiệm tổ chức việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định tại Thông tư số 29 và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Cuối học kỳ và cuối năm học rà soát, xây dựng kế hoạch dạy thêm học thêm cho các đối tượng theo quy định, báo cáo các cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí từ ngân sách và các nguồn hợp pháp khác cho việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường phù hợp với tình hình, đặc điểm của đơn vị.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng có trách nhiệm quản lí giáo viên đang dạy học tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bảo đảm thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 29; có ý kiến bằng văn bản đối với báo cáo của giáo viên về việc tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đang dạy học tại nhà trường.
Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước sở giáo dục và đào tạo (đối với các trường trung học phổ thông), phòng giáo dục và đào tạo (đối với các trường trung học cơ sở và các trung tâm trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên) về việc tổ chức dạy thêm, học thêm, về chất lượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường; việc quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định.
Ngoài ra, định kỳ cuối học kỳ và cuối năm học, hoặc đột xuất báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm về sở giáo dục và đào tạo (đối với các trường trung học phổ thông), phòng giáo dục và đào tạo (đối với các trường trung học cơ sở và các trung tâm trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên).
Xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý các ý kiến, kiến nghị về dạy thêm, học thêm theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 13 Thông tư số 29 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Về trách nhiệm của cơ sở dạy thêm, dự thảo nêu rõ chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Thông tư số 29 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục có tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải thực hiện các quy định về điều kiện, thủ tục cho phép thành lập tại Nghị định số 125/2024/NĐ-CP.
Các cơ sở dạy thêm đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.
Cơ sở dạy thêm sau khi được cấp đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở dạy thêm khi đi vào hoạt động hoặc tạm ngừng, chấm dứt hoạt động để cập nhật, công khai; hoàn trả các khoản tiền đã thu trước của người học mà chưa tổ chức dạy thêm; thanh toán đầy đủ kinh phí với người dạy thêm và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Định kỳ cuối học kỳ, cuối năm học hoặc đột xuất, các cơ sở dạy thêm (trừ cá nhân) báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm về sở giáo dục và đào tạo (thông qua phòng giáo dục và đào tạo).
Ngọc Mai