Hà Nội công nhận điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn

Hà Nội công nhận điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn
3 giờ trướcBài gốc
Lễ hội Đền Hát Môn.
Theo quyết định, công nhận điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ do UBND xã Hát Môn quản lý.
UBND xã Hát Môn có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.
UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố Hà Nội; UBND huyện Phúc Thọ.
UBND xã Hát Môn có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn theo đúng quy định pháp luật và thành phố, bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả.
Tọa lạc tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, đền Hát Môn là nơi mang dấu ấn lịch sử quan trọng của Hai Bà Trưng - hai vị nữ tướng hào kiệt đã làm rạng danh cho truyền thống anh hùng bất khuất của phụ nữ Việt Nam.
Theo các tư liệu lịch sử, đền Hát Môn thuở ban đầu có quy mô nhỏ bé, lụp xụp với mái lá. Thời Lê Trung Hưng (cuối thế kỷ 16 - đầu thế kỷ 17), đền được Quận công Nguyễn Ngọc Trì là người làng bỏ tiền ra hưng công, xây dựng thêm Hậu cung, Thiêu hương, Nghi môn. Rồi nhân dân địa phương đóng góp, tu sửa, xây dựng thêm trong những thế kỷ sau đó để ngôi đền thêm phần khang trang. Những lần tu sửa này được phản ánh trong các văn bia còn được lưu giữ tại đền.
Ngày nay, quần thể đền Hát Môn gồm nhiều hạng mục kiến trúc có tuổi đời hàng trăm năm, tọa lạc nằm trên một khu đất cao có thế “Long chầu, Hổ phục” trên triền đê sông Hát. Các công trình kiến trúc chính của đền gồm quán Tiên, miếu Tạm ngự, nghi môn, nhà phương đình, đàn Thề, tam quan, tiền tế, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, gò Giấu ấn... mỗi công trình đều mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa dân tộc.
Đền còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật như: Sắc phong, hệ thống tượng thờ, kiệu thờ và hoành phi, câu đối có giá trị về văn hóa, lịch sử, có niên đại trải dài từ thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Đặc biệt, tất cả các đồ thờ trong đền đều không được sơn màu đỏ mà chỉ có màu đen, nhằm thể hiện sự tôn kính dành cho hai vị Vua Bà.
Hàng năm, đền Hát Môn tổ chức ba lễ hội chính gắn với những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Hai Bà Trưng để tưởng nhớ và vinh danh Hai Bà Trưng, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Linh Nguyễn
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/ha-noi-cong-nhan-diem-du-lich-di-tich-quoc-gia-dac-biet-den-hat-mon-d225403.html