Hà Nội: đa dạng hình thức để cán bộ, người dân thể hiện các ý kiến tâm huyết vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp

Hà Nội: đa dạng hình thức để cán bộ, người dân thể hiện các ý kiến tâm huyết vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp
5 giờ trướcBài gốc
Hình thức phong phú, đối tượng rộng rãi
Thực hiện Kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, từ ngày 8/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội bắt đầu triển khai Kế hoạch số 67/KH-MTTQ-BTT tổ chức lấy ý kiến hệ thống MTTQ Việt Nam TP về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 (dự thảo Nghị quyết). Trên cơ sở kế hoạch này, Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã và các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cũng đã xây dựng kế hoạch của địa phương, đơn vị và triển khai tới cơ sở.
Đáng chú ý, công tác tuyên truyền đối với việc lấy ý kiến được MTTQ Việt Nam các cấp TP và các tổ chức thành viên triển khai đồng bộ với nhiều hình thức đa dạng: tuyên truyền trên các trang TTĐT của cơ quan, địa phương, đơn vị; mở chuyên trang, chuyên mục trên website, fanpage để tuyên truyền và trực tiếp lấy ý kiến các tầng lớp Nhân dân; thiết kế infographic về các phương thức đóng góp ý kiến; tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt tới đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, người lao động tại các cơ quan đơn vị về nội dung và cách thức lấy ý kiến…
Để bảo đảm toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân đều được thể hiện quan điểm, nguyện vọng và góp ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết, Ban Thường Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP và các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã triển khai nhiều hình thức lấy ý kiến.
Hội nghị góp ý đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ghi nhận nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc của các chuyện gia, các đồng chí nguyên lãnh đạo TP
Cụ thể, toàn TP đã tổ chức 6.307 hội nghị góp ý trực tiếp tại khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trong đó cấp TP tổ chức 7 hội nghị (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức 2 hội nghị), cấp huyện tổ chức 210 hội nghị, cấp xã tổ chức 3.582 hội nghị, thôn/ tổ dân phố tổ chức 2.508 hội nghị. Đồng thời, tiếp nhận góp ý trực tiếp bằng văn bản và thông qua các trang TTĐT của cơ quan, địa phương, đơn vị; các trang fanpage.
Đối tượng lấy ý kiến rất rộng rãi, từ lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP các thời kỳ, các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam và đại diện các tổ chức thành viên các cấp, thành viên các hội đồng, ban, tổ tư vấn cho tới các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, đoàn viên, hội viên, Nhân dân.
Trong tổng số 469.645 ý kiến mà cơ quan, tổ chức, MTTQ địa phương các cấp nhận được, có 356.127 ý kiến của cơ quan, tổ chức, MTTQ địa phương và 123.518 ý kiến của cá nhân.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường, đa số ý kiến đều đồng thuận với chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và cho rằng phù hợp yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập, chuyển đổi số, kinh tế xanh, bảo vệ chủ quyền, dân chủ và quyền con người.
Dự thảo đã làm rõ vai trò, thẩm quyền của Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội để tránh chồng chéo; thiết lập cơ chế rõ ràng, thực chất hơn để kiểm soát quyền lực trong các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đồng thời, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối mới của Đảng, đặc biệt là sau Đại hội XIII và chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đại đa số cán bộ, Nhân dân tán thành các nội dung
Cụ thể về các nội dung góp ý, đối với việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 (Khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị quyết), tổng số có 60.151 ý kiến, với 60.049 ý kiến (99,83%) và chỉ có 0,17% ý kiến không tán thành, với một số lý do.
Đó là, đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích rõ cụm từ “hệ thống chính trị” vì có rất nhiều tại các văn bản của T.Ư, nhưng trong Hiến pháp năm 2013 chưa xuất hiện; tại khoản 1 đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thay 1 từ “của” trong đoạn “MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” để tránh lặp lại và bổ sung nội dung “Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” vào sau cụm từ “đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp TP Hà Nội triển khai nhiều hình thức lấy ý kiến phong phú đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 (ảnh: Phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng tổ chức hội nghị lấy ý kiến trong cán bộ cơ sở)
Tại khoản 2, đề nghị thay cụm từ “trực thuộc” bằng cụm từ “là thành viên trong tổ chức của Mặt trận” vì cụm từ “trực thuộc” là chỉ mối quan hệ cấp trên - cấp dưới, trong khi các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình, có con dấu, tài khoản riêng nên không thể là quan hệ trực thuộc. Tại khoản 3, đề nghị thay cụm từ “tạo điều kiện” bằng cụm từ “đảm bảo điều kiện”.
Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Điều này. Bởi, thực hiện chủ trương của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu sắp xếp lại các tổ chức CT-XH, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Về việc sửa đổi, bổ sung Điều 10 (Khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị quyết), tổng số có 59.743 ý kiến góp ý, với 59.671 ý kiến tán thành (99,83%) và chỉ có 0,12% ý kiến không tán thành.
Cụ thể, các ý kiến này đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thay thế từ “trực thuộc” bằng cụm từ “là thành viên trong tổ chức Mặt trận”. Trong dự thảo Nghị quyết có nêu “Công đoàn Việt Nam… là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn”, đề nghị cơ quan soạn thảo nên viết “là đại diện của người lao động Việt Nam” để ngắn gọn hơn mà vẫn bảo đảm đủ ý.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 84 (Khoản 3 Điều 1 dự thảo Nghị quyết), tổng số có 55.098 ý kiến, với 54.974 ý kiến tán thành (99,77%) và 0,23% ý kiến không tán thành, vì lý do: đề nghị giữ nguyên như Hiên pháp năm 2013 để các tổ chức thành viên có quyền trình dự án Luật liên quan những vấn đề thuộc trách nhiệm của tổ chức mình trước Quốc hội.
Về sửa đổi, bổ sung Điều 110 (Khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết, tổng số có 55.272 ý kiến, trong đó 54.907 ý kiến tán thành (99,34%) và chỉ 0,66% ý kiến không tán thành, với lý do: đề nghị giữ nguyên như Hiến pháp năm 2013 vì việc lấy ý kiến Nhân dân rất quan trọng thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 111 (Khoản 5 Điều 1 dự thảo Nghị quyết), tổng số có 54.341 ý kiến, với 54.123 ý kiến tán thành (99,6%) và chỉ 0,4% ý kiến không tán thành, do đề nghị giữ nguyên như Hiến pháp năm 2013 vì sắp tới vẫn có ba cấp chính quyền (T.Ư, tỉnh, xã).
Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 112 (Khoản 6 Điều 1 dự thảo Nghị quyết), tổng số có 55.449 ý kiến, với 55.424 ý kiến tán thành (99,95%) và chỉ 0,05% ý kiến không tán thành, với lý do: đề nghị giữ nguyên như Hiến pháp năm 2013, vì quy định vẫn còn chung chung, chưa làm rõ nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để phân định thẩm quyền giữa T.Ư và địa phương, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau trong thực tiễn. Nếu không có cơ chế kiểm soát hiệu quả, việc phân quyền sâu có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, thiếu thống nhất trong hệ thống chính quyền; thiếu cơ chế bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, đặc biệt trong các lĩnh vực liên ngành, liên vùng.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 114 (Khoản 7 Điều 1 dự thảo Nghị quyết), tổng số có 54.169 ý kiến, trong đó 54.145 ý kiến tán thành (99,96%) và chỉ 0,04% ý kiến không tán thành, đề nghị giữ nguyên như Hiến pháp năm 2013 vì việc quy định UBND chịu trách nhiệm đồng thời trước HĐND và cơ quan hành chính cấp trên có thể dẫn đến xung đột, khó xác định rõ trách nhiệm khi xảy ra sai phạm hoặc kết quả điều hành không đạt yêu cầu.
Theo các ý kiến này, vị trí pháp lý của UBND cần được làm rõ hơn: nếu là cơ quan hành chính Nhà nước thì nên tách biệt vai trò khỏi sự “phụ thuộc” vào HĐND để bảo đảm tính chuyên môn, hiệu lực điều hành, đồng thời cần bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, kiểm tra lẫn nhau để tránh tình trạng hình thức hóa trách nhiệm hoặc buông lỏng giám sát.
Với việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 (Khoản 8 Điều 1 dự thảo Nghị quyết), tổng số có 55.297 ý kiến, với 55.236 ý kiến tán thành (99,89%) và chỉ 0,11% ý kiến không tán thành, với lý do: đề nghị giữ nguyên như Hiến pháp năm 2013 vì việc chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND là cần thiết, nhằm bảo đảm hiệu quả giám sát của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả góp ý về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ các quy định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, rõ ràng, dễ hiểu và khả thi trong thực tiễn; tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý từ Nhân dân, chuyên gia và các tổ chức xã hội để hoàn thiện dự thảo.
Cùng đó, MTTQ TP Hà Nội đề nghị Quốc hội, Chính phủ làm rõ cơ chế tổ chức bộ máy và hoạt động của HĐND, UBND các cấp sau khi thực hiện Nghị quyết 11 của T.Ư, bảo đảm hoạt động hiệu quả và đúng quy định. Để bảo đảm công tác sắp xếp bố trí cán bộ sau khi Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai.
Linh Nguyễn
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/ha-noi-da-dang-hinh-thuc-de-can-bo-nguoi-dan-the-hien-cac-y-kien-tam-huyet-vao-du-thao-nghi-quyet.713862.html