Hà Nội đã hoàn thành 8/15 mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh

Hà Nội đã hoàn thành 8/15 mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh
3 giờ trướcBài gốc
Tại hội nghị, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng đã trình bày báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2023, định hướng đến năm 2030.
7 mục tiêu hoàn thành vượt mức trước thời hạn
Theo Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng, Nghị quyết 18-NQ/TU đề ra 15 mục tiêu đến hết năm 2025, tính đến 9/2024, đã có 8/15 mục tiêu hoàn thành, trong đó có 7 mục tiêu hoàn thành vượt mức; 7/15 mục tiêu đang tiếp tục triển khai thực hiện, trong đó, 1 mục tiêu chưa có hướng dẫn về cách tính và thống kê từ các bộ, ngành.
Quang cảnh hội nghị
Về hoàn thiện cơ chế chính sách, UBND TP đã ban hành các văn bản, triển khai nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số. Trong đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn TP. Trước đó, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết số 07/2003/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 quy định về mức phí, lệ phí bằng “không” khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Về phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin, TP đã và đang đầu tư, xây dựng, hoàn thiện, phát triển đồng bộ và hiện đại hạ tầng số đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sẵn sàng cho các mục tiêu chuyển đổi số, như: đưa vào vận hành trung tâm dữ liệu chính; tiếp tục duy trì mạng diện rộng của Thành phố (mạng WAN).
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP (LGSP) đã kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của TP và 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các bộ, ngành, trong đó, có chức năng Single Sign On (SSO), chức năng đăng nhập một lần vào các hệ thống thông tin của TP.
Về phát triển dữ liệu số, Hà Nội đang duy trì hiệu quả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ chính quyền số nội bộ thuộc các ngành, lĩnh vực: giáo dục, giao thông- vận tải, lao động, xây dựng, nông nghiệp, đầu tư, tài chính.
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng đã trình bày báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU tại hội nghị.
Giám đốc Sở TT&ĐT cho biết, về hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức TP (lĩnh vực nội vụ) đã triển khai tới 95 cơ quan, đơn vị; đã cấp 140/797 tài khoản cho các cơ quan, đơn vị tham gia khai thác, sử dụng, cập nhật dữ liệu. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã cập nhật 139.882 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức vào hệ thống và đồng bộ 139.022 hồ sơ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Hệ thống thông tin quản lý dự án TP đã triển khai tới các đơn vị trên địa bàn, hiện đã cấp 2.371 tài khoản; đã tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin cơ bản 6.600 dự án (sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách) trên hệ thống phần mềm.
Đồng thời, đã thực hiện đối soát, làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu lĩnh vực người có công, an sinh xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06-ĐA/CP của Chính phủ. Đến nay, đối tượng bảo trợ xã hội đạt tỷ lệ 99,2%, người có công đạt tỷ lệ 99,86%, trẻ em đạt tỷ lệ 91,14%.
Về đảm bảo an toàn thông tin mạng, tỷ lệ các hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước đã được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ đến tháng 9/2024 đạt trên 80%. 379 Trang/Cổng thông tin của các đơn vị thuộc TP đã được gán nhãn tín nhiệm mạng. Cấp hơn 61.000 chữ ký số cho các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức và hơn 72.000 chữ ký số cho công dân.
Các đại biểu tham luận tại hội nghị.
Theo Giám đốc Sở TT&TT, Hà Nội cũng đã triển khai các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số trên nền tàng học trực tuyến mở đại trà (nền tảng MOOCs) với 4.683 lượt học viên tham gia. Từ năm 2021 đến nay, có 14.837 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng về Kiến trúc chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh và đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh, tiếp tục sử dụng hiệu quả các hệ thống hạ tầng thông tin quan trọng, có tính chất nền tảng cốt lõi của TP. Ngày 28/6/2024, tiếp tục đưa vào vận hành chính thức Hệ thống Thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh. Tiếp tục duy trì và vận hành các ứng dụng, dịch vụ như: Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi), Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố, Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng…
Từ tháng 11/2023, TP đã tiếp nhận chuyển giao quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện Khu CNC Hòa Lạc có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 115.500 tỷ đồng.
Về phát triển kinh tế số và xã hội số, đến nay, đã tổ chức 216 khóa đào tạo về chuyển đổi số cho DN vừa và nhỏ với hơn 11.000 học viên. Năm 2023, đã hỗ trợ cho 16.792 DN. 6 tháng đầu năm, đã hỗ trợ 3.450 DN thành lập mới. Hiện nay, 99,5% tổ chức, DN sử dụng hóa đơn điện tử. 100% hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thành công. 100% DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đã thực hiện lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng…
Hiện toàn TP có gần 5.000 Tổ chuyển đổi số cộng đồng, với hơn 30.000 thành viên. Một số mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình đã được các quận, huyện triển khai tích cực.
Về phát triển DN số, TP đã xây dựng, hình thành 2 khu CNTT tập trung với 168 DN tham gia, 21.018 lao động CNTT. Doanh thu năm 2023 của các DN CNTT trong khu đạt gần 9.488 tỷ đồng (chiếm 3,9% tổng doanh thu ngành công nghiệp CNTT của Thủ đô); giá trị xuất khẩu về CNTT đạt gần 877 tỷ đồng.
Tập trung hoàn thành chính sách phục vụ chuyển đổi số
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng cho biết, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ về cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số, gồm: Kiến trúc chính quyền điện tử TP phiên bản 3.0; Ban hành và tổ chức triển khai Đề án “Xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, hoàn thành một số nhiệm vụ về hạ tầng phục vụ triển khai chính quyền số; phát triển dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ chính quyền số, kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu Quốc gia và giữa các ngành.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai phê duyệt cấp độ, phương án bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình “4 lớp” đối với hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước TP theo quy định.
Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển 4 loại hình DN công nghệ số. Trong đó, tập trung thúc đẩy các DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế- xã hội. Ban hành cơ chế đặc thù thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu CNTT tập trung trên địa bàn TP đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn, khuyến khích người dân khai thác, sử dụng các dịch vụ số dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử. Hướng dẫn các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản trên không gian số, dần hình thành công dân số, văn hóa số.
Trần Long - Thịnh An - Ảnh: Phạm Hùng
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/ha-noi-da-hoan-thanh-8-15-muc-tieu-chuyen-doi-so-xay-dung-thanh-pho-thong-minh.html