Tham dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội và trực tuyến đến 126 xã, phường trên địa bàn TP.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.
Chủ động, bài bản, hiệu quả trong vận hành
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hồng Nhật cho biết, sau 15 ngày đầu chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở đã thể hiện quyết tâm chính trị cao và sự đồng lòng với tinh thần chủ động, quyết liệt và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học. Công tác chuẩn bị không chỉ tập trung vào việc kiện toàn bộ máy, đảm bảo nguồn lực mà còn gắn liền với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phân cấp, phân quyền nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quyết định chỉ định 2.552/4.076 đồng chí tham gia Ban Chấp hành; 1.047/1.356 đồng chí tham gia Ban Thường vụ; 125/126 bí thư; 251/252 phó bí thư; 125/126 phó chủ tịch HĐND; 240/252 phó chủ tịch UBND. Đồng thời ban hành Hướng dẫn số 11-HD/TU, ngày 14/7/2025 về thực hiện công tác cán bộ tại các xã, phường trực thuộc TP sau sắp xếp đơn vị hành chính, làm cơ sở để các xã, phường tiếp tục rà soát, đề xuất kiện toàn đối với các chức danh còn thiếu, đảm bảo hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ trước khi tổ chức Đại hội Đảng bộ xã, phường lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 theo chỉ đạo của T.Ư.
Bên cạnh đó, 126/126 xã, phường đã tổ chức họp Ban Chấp hành Đảng bộ, thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc cho Đảng ủy. Đồng thời, 30 xã, phường nơi đặt trụ sở trung tâm chính trị (quận, huyện, thị xã cũ) đã thành lập Trung tâm chính trị khu vực để phục vụ chung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ công chức, cán bộ đảng viên.
Về phía HĐND các xã, phường, 600 nghị quyết đã được ban hành, tập trung vào thành lập cơ quan chuyên môn, chương trình kỳ họp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 100% Đảng ủy xã, phường đã thành lập chi bộ, đảng bộ cơ sở tại các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có đủ điều kiện. Một số địa phương đã thí điểm thành lập Đảng bộ doanh nghiệp với trên 200 đảng viên.
Tình trạng thiếu con dấu, quy chế làm việc hay cán bộ phụ trách tại các đơn vị mới được khắc phục kịp thời. Toàn bộ các xã, phường đã ban hành quy chế làm việc, bố trí đủ cán bộ, công chức, đảm bảo hoạt động hành chính và phục vụ người dân diễn ra bình thường. Đến nay có 126/126 đảng ủy xã, phường đã làm dấu cho các cơ quan tham mưu, giúp việc và đơn vị sự nghiệp của đảng ủy; 67/126 xã, phường đã có công văn và hồ sơ đề nghị làm dấu cho các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Hiện còn 59 Đảng ủy xã, phường đang hoàn thiện hồ sơ để làm dấu cho các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hồng Nhật trình bày báo cáo tại hội nghị.
Theo đánh giá tại báo cáo, một trong những điểm nổi bật của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là sự đột phá trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Từ 1 - 13/7/2025, Hà Nội tiếp nhận hơn 66.000 hồ sơ, trong đó 14% được nộp trực tuyến. Số TTHC cấp xã được tăng từ 112 lên 559 thủ tục, giúp người dân tiếp cận dịch vụ nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Hơn 200 luật sư đã được huy động hỗ trợ pháp lý miễn phí tại các điểm hành chính công. Ngoài ra, Trung tâm phục vụ hành chính công TP đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 476 điểm đại lý dịch vụ công trực tuyến giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến tại bưu cục, cửa hàng, ngân hàng... Người dân và doanh nghiệp có thể đến các đại lý dịch vụ công trực tuyến để được hỗ trợ, tư vấn giải quyết TTHC trực tuyến.
Cổng thông tin iHanoi và tổng đài 1022 tiếp nhận hàng nghìn phản ánh, kiến nghị, được xử lý kịp thời. Các ứng dụng chuyển đổi số như quản lý văn bản điện tử, ký số, họp trực tuyến… đã được đồng bộ, triển khai tới 126 xã, phường. Ứng dụng iHanoi đã ghi nhận 3.570 phản ánh kiến nghị và 1.702 tài khoản đăng ký mới. Tổng đài 1022 đã tiếp nhận và hỗ trợ trên 1.779 cuộc gọi. Đặc biệt, việc triển khai 4 TTHC khối Đảng trên nền tảng số đã thu hút hơn 1,9 triệu lượt truy cập, với 72.995 đảng viên đăng ký và hơn 42.000 lượt giao dịch đóng đảng phí thành công.
Hà Nội đã hoàn thành việc chuyển chủ đầu tư các dự án đầu tư công, điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội và giao dự toán ngân sách mới cho các đơn vị theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Sở Tài chính đã thành lập 4 tổ công tác đôn đốc việc bàn giao hồ sơ dự án, dự kiến hoàn tất trước ngày 20/7/2025.
Về việc tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, cấp xã, phường nhiệm kỳ 2025-2030, trước ngày 30/6/2025, toàn Đảng bộ TP có 1.233/1.238 tổ chức cơ sở Đảng phải tổ chức Đại hội đã tiến hành Đại hội đạt 99,6%. Sau ngày 1/7/2025 đến nay, toàn Đảng bộ TP có 493/1.780 chi bộ trực thuộc mới thành lập đã tổ chức Đại hội (27,7%); 242/1.203 chi, đảng bộ cơ sở phải tổ chức Đại hội đã tổ chức Đại hội (20,12%), các chi bộ, tổ chức cơ sở Đảng thuộc các xã, phường đang tiếp tục triển khai Đại hội theo tiến độ.
Về Đại hội cấp trên cơ sở, đến nay, có 82/126 xã, phường đang xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan về dự thảo Báo cáo Chính trị; 44/126 đơn vị đang hoàn thiện dự thảo Báo cáo. Về thời gian tổ chức Đại hội Đảng bộ xã, phường, từ ngày 21 - 31/7/2025 có 19 đơn vị đăng ký tổ chức Đại hội (trong đó có 2 đơn vị Đại hội điểm là Đảng bộ xã Phúc Thọ ngày 21, 22/7/2025 và Đảng bộ phường Hoàn kiếm ngày 22, 23/7/2025); 107 đơn vị đăng ký tổ chức Đại hội trong tháng 8/2025.
Kiến nghị hoàn thiện thể chế cho hoạt động của mô hình mới
Để vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thành ủy Hà Nội đề nghị T.Ư sớm sửa đổi, ban hành các quy định về công tác cán bộ để cấp tỉnh, cấp xã có căn cứ triển khai. Sớm ban hành quy định mới về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở Đảng cho phù hợp với giai đoạn mới, nhất là đối với đảng bộ cơ quan Đảng và đảng bộ UBND cấp xã.
Đồng thời, đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cho phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn về Quy chế hoạt động mẫu của HĐND, số lượng Phó Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng Ban và đại biểu chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, cấp xã. Đồng thời, sửa đổi quy định về việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử cho phù hợp với mô hình tổ chức mới.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội và trực tuyến đến 126 xã, phường trên địa bàn TP.
Về cơ chế, chính sách, đề xuất nghiên cứu, trao quyền cho UBND TP được xử lý những vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của HĐND TP và báo cáo lại tại kỳ họp gần nhất. Sớm ban hành các Nghị định, Quyết định công bố TTHC để các địa phương có đủ thời gian triển khai chính xác, kịp thời.
Đối với TP Hà Nội, từ thực tế triển khai ban đầu, các đơn vị cũng kiến nghị về việc hoàn thiện hệ thống trụ sở của các xã, phường và sắp xếp các trụ sở dôi dư đảm bảo theo đúng quy định. Xem xét bổ sung biên chế cho ngành giáo dục, đặc biệt là công chức phụ trách lĩnh vực giáo dục cấp xã. Nghiên cứu sớm triển khai việc sắp xếp thôn, tổ dân phố để khắc phục tình trạng trùng tên. Đồng thời, có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ có năng lực chuyên môn sâu (địa chính, xây dựng, tài chính, công nghệ thông tin) từ TP về công tác tại xã. Ngoài ra, sớm ban hành Bộ thủ tục hành chính thống nhất của chính quyền cấp xã; quan tâm đầu tư đồng bộ về hạ tầng công nghệ thông tin và có cơ chế đặc thù về kinh phí để các xã, phường chủ động mua sắm, nâng cấp. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở. Xây dựng phần mềm quản lý đối tượng bảo trợ xã hội, người có công đồng bộ giữa cấp xã và TP...
Tiếp tục cập nhật!
Trần Long - Ảnh: Thanh Hải