Hà Nội đặt tên mới cho 38 tuyến đường, đổi tên Công viên Tuổi trẻ Thủ đô

Hà Nội đặt tên mới cho 38 tuyến đường, đổi tên Công viên Tuổi trẻ Thủ đô
11 giờ trướcBài gốc
Sáng 10/7, tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên, đổi tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố năm 2025.
Đây là một trong những nội dung được HĐND thành phố thông qua trong bối cảnh thành phố đã chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7.
Toàn cảnh kỳ họp sáng 10/7.
Theo Nghị quyết, Hà Nội sẽ đặt tên mới cho 38 tuyến đường, phố; điều chỉnh độ dài 6 tuyến hiện có; đặt tên cho 14 công trình công cộng và đổi tên một công viên trên địa bàn. Các tuyến đường, phố được đặt tên mới trải dài từ khu vực nội thành đến các vùng ven và khu vực nông thôn, phù hợp với định hướng mở rộng không gian phát triển của Thủ đô.
Trong số các tuyến được đặt tên, nhiều tuyến có quy mô lớn, đóng vai trò kết nối liên khu vực, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông và đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật. Tiêu biểu như đường Viên Chiếu (dài gần 5,8km tại phường Phúc Lợi, phường Việt Hưng), đường Ba Đảm Đang (dài hơn 6,2km tại xã Đan Phượng, xã Liên Minh), đường Xuân Mai (gần 5,6km tại xã Xuân Mai), hay phố Phan Tây Nhạc (phường Xuân Phương) với mặt cắt rộng tới 50m.
Việc đặt tên cũng hướng tới tôn vinh các danh nhân, nhà văn hóa, tướng lĩnh, nhà hoạt động xã hội có nhiều đóng góp cho đất nước. Nhiều tuyến phố mang tên như: Học Phi, Doãn Khuê, Nguyễn Thế Rục, Tưởng Dân Bảo, Vũ Đức Úy, Doãn Tuế… không chỉ tạo bản sắc cho không gian đô thị mà còn nâng cao nhận thức lịch sử – văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, thành phố cũng điều chỉnh độ dài 6 tuyến đường, phố để phù hợp với thực tiễn phát triển và quy hoạch giao thông, bao gồm: Phố Lương Định Của (phường Kim Liên); Đường Vạn Xuân (xã Hoài Đức, xã Đan Phượng, xã Ô Diên); Đường Phủ Quốc (xã Quốc Oai, xã Kiều Phú); Đường Kiều Phú (xã Kiều Phú; Đường Yên Xá (phường Thanh Liệt); Phố Trần Quốc Toản (phường Cửa Nam).
Những điều chỉnh này nhằm hoàn thiện ranh giới hành chính, tạo thuận lợi trong việc gắn biển tên, cập nhật địa chỉ và quản lý hạ tầng đô thị.
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Trong lĩnh vực không gian công cộng, 14 công trình đã được thành phố đặt tên, chủ yếu là vườn hoa, công viên đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, gồm: Vườn hoa Phúc Lợi (phường Phúc Lợi); Vườn hoa Việt Hưng (phường Việt Hưng); Vườn hoa Sài Đồng (phường Phúc Lợi); Vườn hoa Gia Quất (phường Bồ Đề); Vườn hoa Ái Mộ (phường Bồ Đề); Vườn hoa Bồ Đề (phường Bồ Đề); Vườn hoa Nghè Ngô (phường Long Biên); Vườn hoa Thạch Bàn (phường Long Biên); Vườn hoa Cự Khối (phường Long Biên); Vườn hoa Lâm Hạ (phường Bồ Đề); Vườn hoa Kim Quan (phường Việt Hưng); Vườn hoa Phạm Khắc Quảng (phường Việt Hưng); Vườn hoa Ngô Huy Quỳnh (phường Việt Hưng); Vườn hoa Thường Tín (xã Thường Tín).
Đáng chú ý, HĐND thành phố cũng biểu quyết đổi tên Công viên Tuổi trẻ Thủ đô thành Công viên Võ Thị Sáu.
Đây là công trình công cộng có diện tích gần 27ha, nằm tại phường Bạch Mai, với mặt chính giáp phố Võ Thị Sáu. Việc đổi tên vừa thể hiện sự tri ân đối với nữ anh hùng liệt sĩ, vừa giúp thống nhất nhận diện không gian theo nguyên tắc đặt tên gắn với địa danh hiện hành.
HĐND thành phố giao UBND thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết, bao gồm phân định ranh giới, cắm biển tên đường, phố, công trình công cộng; đồng thời chỉ đạo tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa các tên gọi mới.
Việc đặt và đổi tên lần này không chỉ phục vụ yêu cầu quản lý hành chính, mà còn thể hiện định hướng phát triển không gian đô thị – nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với bản sắc văn hóa trong mô hình chính quyền đô thị mới của Thủ đô Hà Nội.
Mai Thu
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/ha-noi-dat-ten-moi-cho-38-tuyen-duong-doi-ten-cong-vien-tuoi-tre-thu-do-192250710132326204.htm