Hà Nội đẩy mạnh khai thác hiệu quả quỹ đất bãi ven sông

Hà Nội đẩy mạnh khai thác hiệu quả quỹ đất bãi ven sông
7 giờ trướcBài gốc
Tại kỳ họp thứ hai mươi lăm (từ 8 đến 10-7), Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về hình thức sử dụng và khai thác quỹ đất nông nghiệp tại các bãi sông, bãi nổi thuộc các tuyến sông có đê trên địa bàn. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy các địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ vùng đất bãi ven sông.
Cánh bãi phủ màu xanh ở xã Minh Châu (Hà Nội). Ảnh: Quang Thái
“Mỏ vàng xanh” của Thủ đô
Những năm gần đây, nhiều vùng quê ven sông của Hà Nội như các xã Minh Châu, Phúc Lộc, Ô Diên... đã từng bước khơi dậy tiềm năng từ vùng đất bãi vốn bị lãng quên hoặc khai thác chưa hiệu quả. Những bãi bồi ven sông đã trở thành “vùng đất hứa”, mang lại giá trị kinh tế hàng tỷ đồng mỗi năm, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người dân.
Minh Châu - xã đảo duy nhất của Hà Nội nằm giữa dòng sông Hồng - từng là vùng canh tác manh mún, chủ yếu trồng ngô, lạc với hiệu quả thấp. Tuy nhiên, nhờ quy hoạch vùng canh tác rau sạch và chăn nuôi bò sữa, Minh Châu đã có sự chuyển mình rõ nét.
Nằm ở hạ lưu sông Hồng, xã Phúc Lộc sở hữu diện tích đất bãi rộng lớn với tiềm năng phát triển nông nghiệp vượt trội. Trong những năm qua, người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó hình thành nên một vùng nông nghiệp trù phú và bền vững. Vùng bãi ven sông Phúc Lộc hiện nay nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng như bưởi Tam Vân, chuối Vân Nam, rau hành Võng Xuyên, Xuân Đình... cung cấp ổn định cho thị trường nội thành Hà Nội.
Ông Doãn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam, cho biết, Hợp tác xã hiện đang sản xuất 120ha chuối theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện tại, mỗi buồng chuối có giá khoảng 180 nghìn đồng, mang lại thu nhập ổn định, người trồng rất phấn khởi. Đáng chú ý, sản phẩm chuối Vân Nam đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận, đạt chuẩn OCOP 4 sao của thành phố Hà Nội và được tiêu thụ qua các kênh bếp ăn tập thể, mở ra hướng đi bền vững cho nông sản vùng bãi.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 27.197ha đất bãi ven các tuyến sông lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Cầu, sông Cà Lồ... cùng với khoảng 14.700ha đất bãi thuộc hệ thống sông Đáy, Tích, Bùi.
Tuy nhiên, bên cạnh một số địa phương đã khai thác hiệu quả tiềm năng đất bãi, vẫn còn một diện tích không nhỏ đang bị sử dụng manh mún, tự phát, thậm chí bị lấn chiếm để làm bãi tập kết vật liệu trái phép hoặc xây dựng công trình không phép. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy, cản trở khả năng thoát lũ mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều.
Ngoài ra, do liên quan đến các quy định về phòng, chống lũ, nên việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ chuyển đổi mô hình canh tác, ứng dụng công nghệ cao hoặc phát triển đa mục đích trên đất bãi vẫn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục và pháp lý.
“Với diện tích đất bãi sông lớn, nếu được sử dụng và khai thác hợp lý, hiệu quả, đây sẽ là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Đại khẳng định.
Cơ hội phát triển nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm
Mới đây, tại kỳ họp thứ hai mươi lăm, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định về hình thức sử dụng và khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi dọc theo các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố.
Theo Nghị quyết, việc sử dụng đất bãi phải gắn với mục tiêu phát triển nông nghiệp, ưu tiên nông nghiệp sinh thái, kết hợp du lịch trải nghiệm, giáo dục... Các loại cây trồng phải phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đặc thù của vùng bãi, có khả năng chịu úng tốt. Ngoài ra, một phần diện tích có thể được sử dụng để xây dựng công trình phục vụ sản xuất như nhà màng, nhà lưới, nhưng phải đáp ứng các tiêu chí về diện tích, cao độ an toàn, không nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều và phải cam kết tự tháo dỡ khi có yêu cầu.
Nghị quyết cũng quy định rõ về diện tích, kết cấu, chiều cao và vật liệu xây dựng các công trình sản xuất, đảm bảo tính tạm thời, dễ tháo dỡ, không gây ảnh hưởng đến dòng chảy và khả năng thoát lũ. Đối với các mô hình kết hợp du lịch, tổng diện tích xây dựng công trình không được vượt quá 5% và chỉ được phép triển khai ngoài hành lang thoát lũ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànôịmới, Bí thư Đảng ủy xã Minh Châu Nguyễn Đức Tiến khẳng định, việc HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về sử dụng, khai thác đất bãi ven sông là bước đi quan trọng, giúp “khai phóng” nguồn lực đất đai tại các khu vực bãi sông, bãi nổi - trong đó có Minh Châu. Nghị quyết không chỉ góp phần kiểm soát hiệu quả các vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng, mà còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội vào các địa bàn còn khó khăn.
Với Minh Châu, đây là chủ trương kịp thời, giúp địa phương định hướng rõ ràng trong phát triển kinh tế, điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu lâu dài là xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, áp dụng công nghệ cao quy mô lớn, kết hợp phát triển du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm - tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế xanh.
Ông Lê Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Phúc Lộc cho biết: “Ngay sau khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động, chúng tôi đã tổ chức kiểm tra toàn diện công tác sản xuất, đê điều, phòng, chống lụt bão tại vùng bãi, vừa để động viên nhân dân, vừa xây dựng chiến lược khai thác tiềm năng địa phương hiệu quả hơn”.
Thực tế cho thấy, khai thác đất bãi ven sông là bài toán vừa cấp thiết, vừa mang tính lâu dài đối với một đô thị đặc biệt như Hà Nội - nơi tài nguyên đất đai ngày càng bị thu hẹp, trong khi tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp.
Với những mô hình khai thác hiệu quả từ cơ sở, cùng chính sách kịp thời và đồng bộ từ thành phố, vùng đất bãi đang dần trở thành động lực mới cho phát triển nông nghiệp sinh thái, du lịch và sinh kế bền vững cho người dân Thủ đô.
Nguyễn Mai
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/ha-noi-day-manh-khai-thac-hieu-qua-quy-dat-bai-ven-song-708880.html