Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Giao thông Vận tải tổ chức chiều 30-12, tại Hà Nội. Ảnh: Tạ Hải
Một là, về cơ chế, chính sách, Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô trình Quốc hội ban hành nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư tổng thể toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để rút ngắn trình tự, thủ tục thời gian chuẩn bị đầu tư, tổ chức triển khai thực hiện nhanh. Hoàn thiện các nghị quyết, quyết định quy định chi tiết việc quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị và khu vực TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng); phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc thu tiền đối với các khoản thu trong khu vực TOD; quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị của thành phố theo quy định của Luật Thủ đô.
Hai là, xây dựng, ban hành khung chính sách thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án. Trong đó, công tác thu hồi đất được thực hiện song song với quá trình chuẩn bị đầu tư để bảo đảm có sẵn mặt bằng sau khi dự án được phê duyệt.
Ba là, tập trung, ưu tiên tối đa bố trí vốn đầu tư cho đường sắt đô thị, trong đó, đầu tư công đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt, kết hợp đa dạng hóa nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để giảm áp lực huy động vốn từ nguồn ngân sách nhà nước.
Thành phố Hà Nội đang nỗ lực triển khai các dự án đường sắt đô thị. Ảnh: Trung Dũng
Bốn là, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức chuyên ngành cho đường sắt đô thị bảo đảm đồng bộ, vận hành liên thông, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới; đóng góp vào quá trình phát triển công nghiệp đường sắt chung của cả nước.
Năm là, xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt và công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đường sắt. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; tăng cường, đa dạng hóa liên kết, hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt, đặc biệt là công nghệ đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao. Hợp tác đào tạo, thu hút chuyên gia về đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, từng bước làm chủ các công nghệ cốt lõi... Ưu tiên dành chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài về chuyên ngành đường sắt.
Sáu là, tuyển chọn tư vấn quốc tế có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm về quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và quản lý dự án để thực hiện: Lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga tích hợp chặt chẽ với quy hoạch khu vực TOD nhằm phát triển đô thị, tái thiết đô thị; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khai thác giá trị gia tăng từ đất, bù đắp chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, bảo dưỡng; xây dựng cơ sở dự liệu quy hoạch dùng chung trên nền tảng dữ liệu số GIS; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi các tuyến đường sắt đô thị bảo đảm chất lượng hồ sơ báo cáo để triển khai thi công, xây dựng nhanh; áp dụng mô hình thông tin xây dựng (BIM) và hệ thống quản trị dự án hiện đại, đồng bộ.
“Với các chính sách mang tính đột phá của Luật Thủ đô, Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua và các nhóm chính sách đăc thù, đặc biệt đề xuất riêng cho các dự án đường sắt đô thị trong Đề án, thành phố Hà Nội quyết tâm hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô để hiện thực hóa “kỳ tích đường sắt đô thị” hướng đến mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị; là một trong các khâu đột phá, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân về một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường; thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại; đóng góp phần trách nhiệm của Thủ đô vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” – ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Với mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%, Hà Nội quyết tâm phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 410,8km đường sắt đô thị theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016 và giai đoạn tiếp theo (2036-2045) phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 200,7km, nâng tổng số chiều dài hệ thống đường sắt đô thị lên khoảng 616,9km.
Tuấn Lương