100% phương tiện giao thông ở Hà Nội sẽ được kiểm soát khí thải
Ngày 5/7 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tổ công tác tham vấn ý kiến, hoàn thiện Dự thảo "Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030". Tại đây, nhiều ý kiến từ đại diện Hà Nội, TP.HCM và các bộ, ngành trung ương đã đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Trong đó, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám Đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách hỗ trợ người dân trong chuyển đổi từ xe máy cũ sang xe điện. Theo ông, Hà Nội có tới 8 triệu xe máy lưu hành, chưa kể xe từ các tỉnh lân cận đổ về. Đây vừa là phương tiện đi lại, vừa là công cụ làm ăn của người dân.
Hà Nội đề xuất hỗ trợ người dân chuyển đổi xe máy cũ sang xe điện.
Đại diện TP.HCM – đô thị có lượng xe cá nhân lớn nhất cả nước – cũng đồng tình với đề xuất của Hà Nội, cho rằng việc hỗ trợ người dân chính là chìa khóa cho chuyển đổi giao thông xanh.
Theo Dự thảo Kế hoạch, đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% phương tiện giao thông ở Hà Nội, TP.HCM được kiểm soát khí thải, tiến tới chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch. Hai đô thị sẽ thí điểm chính sách hỗ trợ tài chính, miễn/giảm phí cho học sinh, sinh viên khi sử dụng xe buýt, xe đạp công cộng.
Từ năm 2026-2028, hai thành phố sẽ thí điểm chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe máy cũ sang xe điện, tiến tới mở rộng từ sau năm 2028. Hà Nội được giao xây dựng đề án giới hạn đăng ký xe máy mới tại một số quận trung tâm và tiến tới ngừng cấp đăng ký xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến các bộ ngành về Kế hoạch Quốc gia hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030. Trong đó đặt mục tiêu 100% phương tiện tham gia giao thông (bao gồm xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy) tại khu vực Hà Nội và TP.HCM được quản lý, kiểm soát về khí thải và từng bước chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường
Để thực hiện mục tiêu này, dự thảo Kế hoạch đề xuất giao UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM thực hiện nhiệm vụ quản lý phát thải từ hoạt động giao thông, tăng cường hệ thống giao thông công cộng và chuyển đổi giao thông xanh, thân thiện môi trường.
Trong đó, hai thành phố sẽ thí điểm chính sách ưu đãi, xã hội hóa trong chuyển đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ sang xe điện cũng như áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ miễn giảm phí cho học sinh, sinh viên sử dụng giao thông công cộng đồng thời phát triển hệ thống dịch vụ xe đạp công cộng.
Hai thành phố cũng sẽ nghiên cứu xây dựng chính sách thí điểm cụ thể về hỗ trợ tài chính/phi tài chính cho người dân chuyển đổi xe máy cũ sang xe điện, có chính sách ưu đãi phí giao thông công cộng cho học sinh, sinh viên được áp dụng rộng rãi. Việc thí điểm sẽ được thực hiện từ năm 2026 đến 2028, sau đó mở rộng từ năm 2028.
Hà Nội cũng được giao thí điểm chính sách giới hạn số lượng xe máy đăng ký lưu hành mới, tiến tới ngừng cấp đăng ký xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cụ thể, thực hiện đề án thí điểm chính sách giới hạn đăng ký xe máy mới tại một số quận trung tâm được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, xây dựng lộ trình cụ thể cho việc giới hạn và tiến tới ngừng cấp đăng ký xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch, có tính đến các giải pháp thay thế. Việc thực hiện thí điểm từ năm 2027, sau đó xây dựng lộ trình cụ thể.
Mạnh tay kiểm soát ô nhiễm không khí
Đáng chú ý, theo Cục trưởng Cục Môi trường Hoàng Văn Thức, trong năm 2024, Hà Nội chỉ có 22% số ngày có chất lượng không khí tốt. Có đợt chỉ số VN_AQI lên tới 246, mức "rất xấu", nguy hiểm đến sức khỏe. Nguồn gây ô nhiễm được điểm danh gồm: giao thông đường bộ (38%), xây dựng (17%), sản xuất công nghiệp (29%), đốt rác, phụ phẩm nông nghiệp, bếp than...
Chia sẻ tại cuộc họp, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, cần phải bổ sung vào kế hoạch số liệu định lượng ô nhiễm không khí cụ thể, làm rõ nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là gì (đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), mức giảm ô nhiễm không khí cần quy định cụ thể...
TS Hoàng Dương Tùng Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, kế hoạch cần bổ sung các số liệu cụ thể để phân tích nguyên nhân ô nhiễm, các chính sách cụ thể và hoàn thiện các chính sách này phù hợp với thực tế cũng như học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia làm tốt, "Nghiên cứu để thực hiện việc xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng theo ngày", ông Hoàng Dương Tùng gợi ý. Đồng thời chú ý tính đến việc thực hiện kế hoạch này dài hơi hơn (tầm nhìn đến năm 2035).
Cục trưởng Cục Môi trường thông tin, "Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030" đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường lấy ý kiến các bộ ngành để chuẩn bị trình Chính phủ.
Kế hoạch được xây dựng trên tinh thần 6 rõ của Chính phủ gồm "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền". Kế hoạch đặt mục tiêu tổng thể là tăng cường quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí trên phạm vi toàn quốc, từng bước khắc phục và cải thiện tình trạng ô nhiễm tại các thành phố lớn, nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững. Mục tiêu cụ thể hướng đến cải thiện chỉ tiêu về chất lượng môi trường không khí, nhất là tại Thủ đô Hà Nội (cùng các vùng lân cận như Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng và Ninh Bình) và TPHCM.
Kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu kiểm soát các nguyên nhân của ô nhiễm môi trường không khí, đồng thời cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường gắn với xây dựng đô thị văn minh, bao gồm thực hiện "xanh hóa" công trình xây dựng. Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 1.000 công trình xây dựng xanh, thí điểm trang bị thiết bị lọc không khí tích hợp và hệ thống thông gió để đánh giá hiệu quả nhằm phổ biến, nhân rộng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định: "Kiểm soát ô nhiễm không khí là nhiệm vụ cấp thiết của cả hệ thống chính trị trong giai đoạn Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới". Theo ông Duy, nếu không kiểm soát ngay, chi phí xử lý hậu quả sau này sẽ rất lớn. Bài học từ Bắc Kinh cho thấy, đầu tư sớm, đúng hướng sẽ giúp cải thiện môi trường hiệu quả.
Tô Hội