Hà Nội đề xuất hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng, lấy tên gọi mới là Sở Xây dựng

Hà Nội đề xuất hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng, lấy tên gọi mới là Sở Xây dựng
một giờ trướcBài gốc
Tờ trình nêu rõ: Để đảm bảo phương án sắp xếp được thực hiện thống nhất theo định hướng chung của Trung ương và Nghị định mới, Sở Nội vụ trình Ban Chỉ đạo UBND thành phố xem xét, báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy nghiên cứu, quyết định phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn của thành phố Hà Nội tại Báo cáo 690-BC/TU ngày 27-12-2024 và Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 2-1-2025 của UBND thành phố về việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập khối chính quyền thành phố Hà Nội.
Cụ thể, theo Báo cáo số 690-BC/TU ngày 27-12-2024 của Thành ủy Hà Nội báo cáo Ban Chỉ đạo Trung tương về tổng kết Nghị quyết 18, thành phố đề xuất sau sắp xếp:
Đối với các sở và cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố có 16 sở và cơ quan tương đương theo thứ tự ưu tiên như sau: Văn phòng UBND thành phố; Thanh tra thành phố; Sở Tư pháp; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Kinh tế - Tài chính; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; Sở Nội vụ và Lao động; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Công Thương; Ban Dân tộc - Tôn giáo; Sở Xây dựng; Sở Giao thông vận tải; Sở Du lịch; Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Đối với các phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã thành phố có 11 phòng và cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã: Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện; Thanh tra quận, huyện, thị xã; Phòng Tư pháp; Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Nông nghiệp và Môi trường (ở các quận là Phòng Tài nguyên và Môi trường); Phòng Nội vụ và Lao động; Phòng Y tế; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Phòng Công thương; Phòng Quản lý đô thị. Trong đó đổi tên phòng Kinh tế thành phòng Công thương. Đồng thời, chuyển một số chức năng thuộc phòng Kinh tế.
Tuy nhiên, ngày 24-1-2025, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Chính phủ ban hành Văn bản số 05/CV-BCĐTKNQ18 về việc bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Ngày 24-1-2025, Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, phương án sau sắp xếp, cụ thể như sau:
Đối với các sở và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh: Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức 15 sở. Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được quyết định việc thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất sở, bảo đảm phù hợp với đặc thù thành phố.
Đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, địa phương quyết định việc thành lập các phòng cho phù hợp, bảo đảm không vượt quá 10 phòng.
Căn cứ các chỉ đạo định hướng của Trung ương, Sở Nội báo cáo đề xuất Ban cán sự Đảng UBND thành phố phương án như sau:
Đối với các sở và cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố: Thực hiện, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy đối với 13 Sở theo phương án đã đề xuất tại báo cáo số 690-BC/TU của Thành ủy và thống nhất theo dự thảo Nghị định của Chính phủ gồm: Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Thanh tra thành phố; Văn phòng UBND thành phố; Sở Dân tộc và Tôn giáo; Sở Du lịch.
Điều chỉnh phương án sắp xếp đối với Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cụ thể: Thực hiện hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng, sau sắp xếp lấy tên gọi sở mới là Sở Xây dựng; Sở Quy hoạch - Kiến trúc giữ nguyên mô hình như hiện nay.
Đối với các phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã: Thực hiện, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy đối với 9 phòng và cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã theo phương án đã đề xuất tại báo cáo số 690-BC/TU của Thành ủy và thống nhất theo dự thảo Nghị định của Chính phủ gồm: Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện; Thanh tra quận, huyện, thị xã; Phòng Tư pháp; Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Nông nghiệp và Môi trường (ở các quận là Phòng Tài nguyên và Môi trường); Phòng Nội vụ; Phòng Y tế; Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Điều chỉnh phương án đối với Phòng Công thương và Phòng Quản lý đô thị như sau: Thực hiện hợp nhất Phòng Công thương (phòng Kinh tế cũ sau khi chuyển một số chức năng về Phòng Tài nguyên và Môi trường ở khối quận và phòng Nông nghiệp và Môi trường ở khối huyện theo phương án tại Báo cáo số 690-BC/TU của Thành ủy) và Phòng Quản lý đô thị thành phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị theo đúng định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ.
Thông tin thêm về nội dung này, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết: Căn cứ Công văn số 24/CV-BCĐTKNQ18 (ngày 18-12-2024) “Về việc định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện”, thì thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể xem xét phương án giữ nguyên mô hình Sở Giao thông vận tải. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có Báo cáo số 690-BC/TU ngày 27-12-2024 báo cáo đề xuất phương án sắp xếp trong đó giữ nguyên mô hình Sở Giao thông vận tải như hiện nay.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo về Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Chính phủ đã có Văn bản số 05/CV-BCĐTKNQ18 ngày 12-1-2025 và Văn bản số 35/CV-BCĐTKNQ18 ngày 23-1-2025 yêu cầu các tỉnh hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong đó định hướng có 12 sở (gồm: Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND), được thực hiện thống nhất tại các địa phương. Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức 15 sở, lựa chọn các sở đặc thù gồm: Sở Ngoại vụ; Sở Dân tộc và Tôn giáo; Sở Du lịch; Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Như vậy, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được lựa chọn 3 trong 4 sở đặc thù trên, định hướng mô hình tổ chức không có Sở Giao thông vận tải.
Để đảm bảo thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và định hướng của Ban Chỉ đạo về Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã thống nhất đề nghị Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy điều chỉnh phương án sắp xếp, trong đó hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Xây dựng (mới) và giữ nguyên mô hình Sở Quy hoạch – Kiến trúc như hiện nay. Trong thời gian tới, Thường trực Thành ủy sẽ xem xét, quyết định để triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương.
Hiền Thu
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/ha-noi-de-xuat-hop-nhat-so-giao-thong-van-tai-va-so-xay-dung-lay-ten-goi-moi-la-so-xay-dung-692323.html