UBND Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về tờ trình dự thảo nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn.
Theo đó, thành phố dự kiến nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168, với 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, dự kiến áp dụng từ tháng 7/2025.
Người dân chấp hành nghiêm chỉnh đèn tín hiệu giao thông. Ảnh: Cục CSGT.
Đáng chú ý, một số vi phạm có mức xử lý tăng hàng chục triệu, đến hàng trăm triệu, cao nhất 120 triệu đồng.
Trong đó, 4 hành vi có mức xử lý cao nhất từ 112 - 120 triệu đồng gồm:
-Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển hoặc chủ xe trực tiếp điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của đường bộ trên 20% đến 50%.
-Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện nhưng tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (cả hàng hóa xếp trên xe) vượt quá quy định trong giấy phép lưu hành.
-Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng đi không đúng tuyến đường quy định trong giấy phép lưu hành.
-Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện vi phạm quy định tại khoản 7, Điều 21, Nghị định 168.
Nêu lý do đề xuất, cơ quan soạn thảo lý giải đây là nhóm hành vi vi phạm gây ảnh hưởng xấu đến kết cấu hạ tầng giao thông, mục đích kéo giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông.
Dự thảo cũng nêu rõ Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước có diện tích hơn 3.500 km2, dân số hơn 8,5 triệu người, nơi đặt trụ sở các cơ quan trung ương, cơ quan ngoại giao, văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước với hệ thống giao thông vận tải đa dạng...
Trong khi đó ý thức của người tham gia giao thông thời gian qua còn nhiều hạn chế, tình trạng người vi phạm vẫn tiếp diễn, thường lặp lại đối với một số hành vi vi phạm nhất định.
Tai nạn giao thông luôn ở con số cao, tỷ lệ gia tăng xe cộ năm sau so với năm trước khoảng 2 - 4%; tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe gây mất an ninh trật tự công cộng, có nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông và gây tâm lý bất an cho người dân...
Do đó, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1, cho phép HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá hai lần mức phạt do Chính phủ quy định với một số vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ.
107 hành vi vi phạm giao thông được Hà Nội đề xuất tăng mức xử phạt:
Quỳnh An