Hà Nội công khai mức phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168 bằng biển báo tại nhiều tuyến phố. Ảnh: INT
Trao đổi với Báo GD&TĐ nhiều ý kiến cho rằng: Hà Nội phải cân nhắc kỹ khi ban hành các khung hình phạt (dù được pháp luật cho phép).
Tăng mức phạt từ 1,5 - 2 lần đối với 107 lỗi
UBND Hà Nội vừa có tờ trình HĐND thành phố về dự án, dự thảo theo nghị quyết “quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”, trong đó có đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024 với 107 hành vi vi phạm, áp dụng từ tháng 7. Động thái này của Hà Nội đang gây sự chú ý rất lớn từ người dân.
Theo UBND TP Hà Nội, thành phố là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước, có diện tích hơn 3.300km, dân số hơn 8,5 triệu người. Thành phố là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương, cơ quan ngoại giao, văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước với hệ thống giao thông vận tải đa dạng với đầy đủ các loại hình. Đồng thời, mật độ phương tiện tham gia giao thông và phức tạp của Hà Nội khác biệt hơn hẳn so với các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vẫn áp dụng tương tự như các địa phương khác là không phù hợp, cần thiết phải có một quy định, chế tài mang tính chất đặc thù riêng biệt của Thủ đô.
Bên cạnh đó ý thức của người tham gia giao thông thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng người vi phạm vẫn tiếp diễn thường lặp lại đối với một số hành vi vi phạm nhất định (không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, dừng đỗ sai quy định, nồng độ cồn...).
UBND TP Hà Nội cho biết, ngày 26/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, trong đó đã tăng nặng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm.
Qua đánh giá thực tiễn và tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, UBND TP Hà Nội cho rằng cần tiếp tục tăng nặng đối với một số hành vi vi phạm để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông, từng bước hình thành văn hóa giao thông, kiềm chế và làm giảm ùn tắc, tai nạn.
Căn cứ pháp lý để tăng mức phạt là Luật Thủ đô 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), cho phép HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá hai lần mức phạt do Chính phủ quy định với một số vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ.
Một số hành vi theo quy định hiện hành có mức phạt thấp, trong dự thảo nghị quyết thành phố đề xuất tăng 2 lần, những hành vi có mức phạt cao thì kiến nghị tăng 1,5 lần; mức tiền phạt đề xuất cụ thể đối với một số hành vi vi phạm.
Đơn cử, đối với ô tô khi vi phạm đỗ xe nơi có biển cấm đỗ xe hoặc cấm dừng và đỗ xe là 1,6 - 2 triệu đồng (so với 0,8 - 1 triệu đồng, Nghị định 168); vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe ô tô có thể bị xử lý lên tới 60 triệu đồng; chạy quá tốc độ với lái xe ô tô có thể bị phạt tới 28 triệu đồng…
UBND Hà Nội cho biết, sau khi lấy ý kiến, dự thảo nghị quyết sẽ được trình HĐND thành phố, dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2025.
Hình ảnh người tham gia giao thông Hà Nội khi triển khai Nghị định 168.
Lý do phải cân nhắc tăng mức xử phạt
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trước Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168) cơ quan chức năng đã có Nghị định 100, song vẫn còn vi phạm. Vì vậy, Bộ Công an đề xuất cấp tốc điều chỉnh Nghị định 100 thành Nghị định 168) và xin ý kiến Bộ Chính trị thông qua, không cần lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.
“Điều này thể hiện sự việc rất cấp bách, đòi hỏi tất cả người tham gia giao thông phải nâng cao ý thức, hướng tới an toàn, trật tự xã hội. Nghị định 168 đã tăng nặng tất cả các hình thức xử phạt và chứng minh hiệu quả qua tỉ lệ tai nạn giao thông giảm tới 29,6%”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cơ quan chức năng không nên đề xuất tăng nặng hình thức xử phạt. Lý do, nếu tiếp tục tăng thì có thể gây hoang mang cho người dân, thế lực thù địch lợi dụng, tuyên truyền chống phá.
“Thành phố Hà Nội nên cân nhắc, bởi tăng nặng xử phạt không xoáy vào một người dân hay một người không có ý thức tham gia giao thông, nhưng vô hình trung tác động lớn tới nền kinh tế...” ông Hùng nhận định.
Lý giải thêm về điều này, ông Hùng lấy ví dụ các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh vận tải, duy trì huyết mạch của nền kinh tế, họ đang phụ thuộc vào con người. Như vậy, nếu tăng nặng nhiều lần các hình thức xử phạt thì đương nhiên khó tuyển dụng lái xe, nhiều người hoang mang, không muốn đi làm hoặc co lại, giảm đầu phương tiện (vì lái xe nghỉ việc). “Chỉ một lần nộp phạt đã bằng cả tháng đi làm thì lái xe sẽ cân nhắc nhiều hơn...”, ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Bởi khi áp dụng tăng nặng các hình thức xử phạt, các cơ quan Nhà nước còn gửi thông báo vi phạm giao thông về tận nơi làm việc. Bản chất là người lao động xấu hổ, ngại ngùng, dẫn đến có người sợ không dám đi làm. “Tôi cho rằng tác động sẽ rất lớn, TP Hà Nội nên cân nhắc kỹ lưỡng khi ban hành các khung hình phạt”, ông Hùng chia sẻ.
Còn theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, với Nghị định 168 nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt rất nghiêm khắc, nhất là với các hành vi như: Vượt đèn đỏ, vi phạm nồng độ cồn, đi trên vỉa hè… Việc này đã tác động mạnh đến ý thức của người tham gia giao thông.
Luật sư Cường phân tích, nếu tiếp tục tăng mức xử phạt ở Hà Nội cao hơn mức Nghị định 168 ở thời điểm này thì chưa thực sự cần thiết. Việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vượt quá khả năng nộp phạt của người tham gia giao thông cũng có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, hạnh phúc gia đình, đến sinh kế mưu sinh của nhiều người.
“Trong cuộc sống thì ai cũng có thể mắc vi phạm về giao thông. Chỉ cần 1 phút lơ đễnh hoặc bị chi phối bởi ngoại cảnh thì người tham gia giao thông có thể phạm luật, mặc dù chưa nghiêm trọng nhưng mức xử phạt nghiêm khắc sẽ tác động đến kinh tế, thu nhập, thậm chí hạnh phúc gia đình.
Bởi vậy, việc tăng mức xử phạt theo mỗi giai đoạn là cần thiết, tuy nhiên mức tăng cũng phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo hiệu lực hiệu quả trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật…”, luật sư Cường bày tỏ.
Luật sư Cường cũng cho rằng, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ nói riêng và trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nói chung chỉ có thể hợp lý nếu như mức xử phạt cũ không còn phù hợp, không đủ sức răn đe, với mức xử phạt cũ không đảm bảo yếu tố giáo dục, ý thức chấp hành pháp luật.
“Nếu mức xử phạt trong văn bản của Chính phủ đã phù hợp, đảm bảo hiệu lực hiệu quả và có tính răn đe mạnh mẽ thì Hà Nội chưa cần phải tăng mức xử phạt, mặc dù pháp luật cho phép…”, luật sư Cường nói.
Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, sau 1 tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP (từ 1/1/2025 đến 31/1/2025), tình hình tai nạn giao thông đường bộ đã có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước và thời gian trước liền kề. Trong công tác xử lý vi phạm, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 327.349 trường hợp vi phạm trật tự ATGT; tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ chuyên môn 27.820 trường hợp; 28.762 GPLX bị trừ điểm; tạm giữ 1.823 ô tô, 93.766 mô tô. So với thời gian trước liền kề, xử phạt giảm 48.160 trường hợp.
Đăng Chung