Hà Nội: Đi đầu trong thực hiện 'mô hình một cửa, một cửa liên thông mới'

Hà Nội: Đi đầu trong thực hiện 'mô hình một cửa, một cửa liên thông mới'
4 giờ trướcBài gốc
Bảo đảm người dân tiếp cận với các dịch vụ công dưới 30 phút
Theo đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công theo Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10.7.2024 của Chính phủ: “Giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố: TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh là cơ quan hành chính”.
Đặc điểm nổi trội của mô hình này là Trung tâm sẽ tiếp nhận thủ tục hành chính (TTHC) không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận "một cửa"; đổi mới cách thức tiếp nhận thủ tục hành chính.
Cụ thể, mô hình giải quyết thủ tục hành chính này đảm bảo mỗi người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ công trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5km, tiếp nhận và giải quyết 24/7 (tính từ địa điểm của người dân và doanh nghiệp đến điểm thực hiện thủ tục hành chính).
Trung tâm phục vụ hành chính công TP. Hà Nội khi đưa vào thực hiện nhằm đảm bảo mỗi người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ công trong bán kính dưới 30 phút di chuyển. Ảnh: ITN
Với định hướng cải tiến toàn diện, khi Hà Nội triển khai Trung tâm phục vụ hành chính công sẽ giảm từ 673 bộ phận "một cửa" còn 30 chi nhánh và không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính. Cụ thể, TP. Hà Nội dự kiến đặt trụ sở điều hành chính của Trung tâm tại số 197 phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa, trả kết quả TTHC được thực hiện phân tán tại 30 chi nhánh (là bộ phận 1 cửa của 30 quận, huyện, thị xã), không thực hiện việc tiếp nhận tại trụ sở điều hành chính; các điểm tiếp nhận bố trí linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và mật độ dân cư; đẩy mạnh, hướng tới chủ yếu là giao dịch trực tuyến, hình thành 1 Trung tâm Phục vụ hành chính công trên không gian mạng.
Trong Tờ trình gửi HĐND TP. Hà Nội để xem xét, thông qua vào kỳ họp chuyên đề cuối tháng 9, UBND Thành phố nhấn mạnh, đề án lấy công nghệ thông tin là công cụ, chuyển đổi số là phương thức chủ yếu, là khâu đột phá để đổi mới, triển khai thực hiện "mô hình một cửa, một cửa liên thông mới".
Toàn bộ quá trình tiếp nhận, số hóa, luân chuyển, giải quyết, trả kết quả, trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cá nhân liên quan phải được công khai, minh bạch, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố xác định chuyển đổi số là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan và là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giảm TTHC, giảm phiền hà sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp.
Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp
Tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, sau thời gian thí điểm từ ngày 5.9 quận đã triển khai mô hình "Phục vụ người có công với cách mạng, người yếu thế, các trường hợp bất khả kháng được tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại nhà". Mô hình được triển khai đồng loạt tại bộ phận "một cửa" của UBND quận và toàn bộ 18 phường trên địa bàn. Theo đó, người có công với cách mạng, người yếu thế, các trường hợp bất khả kháng được tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại nhà.
Mỗi cá nhân được phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại nhà đều nhận được tờ Thông báo của UBND quận. Mỗi phường lập 1 nhóm Zalo để chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị.
Mô hình tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công giai đoạn 1
Trong thời gian thí điểm, phường Thanh Nhàn của quận có gần 400 người thuộc đối tượng trợ cấp an sinh xã hội và hơn 1.000 người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cùng gần 200 người già yếu, hạn chế khả năng vận động đã thí điểm tổ chức phối hợp xử lý, giải quyết và chứng thực chữ ký/điểm chỉ tại nhà và chuyển cơ quan chức năng giải quyết chế độ kịp thời.
Để triển khai mô hình này, mỗi phường sử dụng Tổ chuyển đổi số cộng đồng, đoàn viên thanh niên, cảnh sát khu vực làm lực lượng nòng cốt, đến tận nhà hỗ trợ người dân. Nếu trước đây chỉ hỗ trợ người yếu thế giải quyết tại nhà với một số thủ tục hành chính thì nay thực hiện với 100% thủ tục được công khai tại bộ phận một cửa.
Mục tiêu quan trọng của quận Hai Bà Trưng là tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, hoạt động chuyên nghiệp, hiện đại.
Đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, dự kiến từ ngày 1.4.2025 đến hết ngày 30.6.2025, Hà Nội đổi mới mô hình tổ chức của Trung tâm phục vụ hành chính công là đầu mối tiếp nhận và giải quyết TTHC hiện đại, chuyên nghiệp, thống nhất; nâng cao năng lực phục vụ, chất lượng dịch vụ và hiệu quả, minh bạch trong hoạt động của Trung tâm.
Thời gian này sẽ mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động; bắt đầu thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC ở đa ngành, đa lĩnh vực và không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng khả năng tiếp cận, khai thác dịch vụ công cho người dân
Đối với doanh nghiệp, khi triển khai thí điểm Trung tâm này sẽ giảm chi phí thời gian. Doanh nghiệp có thể thực hiện các TTHC liên quan đến việc thành lập, hoạt động và giải thể doanh nghiệp một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Việc giảm thiểu thời gian và công sức trong thực hiện TTHC sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Văn Anh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ha-noi-di-dau-trong-thuc-hien-mo-hinh-mot-cua-mot-cua-lien-thong-moi-post390779.html