Sở Xây dựng Hà Nội đang lấy ý kiến các sở, ngành và đơn vị liên quan góp ý cho dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi phương tiện xanh và phát triển hệ thống trạm sạc trên địa bàn thành phố.
Dự thảo hiện đang được hoàn thiện để báo cáo UBND thành phố trình HĐND xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 9/2025.
Một số chính sách đáng chú ý trong dự thảo Nghị quyết gồm: Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người dân có xe máy chạy xăng hoặc diesel (đăng ký trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực) tại các vùng phát thải thấp, khi chuyển đổi sang phương tiện xanh (có giá trị từ 15 triệu đồng trở lên).
Hà Nội dự kiến hỗ trợ 3 triệu đồng/người để đổi xe máy xanh.
Mức hỗ trợ 3 triệu đồng/xe đối với cá nhân; 4 triệu đồng/xe đối với hộ cận nghèo; 5 triệu đồng/xe đối với hộ nghèo. Mỗi cá nhân được hỗ trợ tối đa 1 xe đến hết năm 2030.
Hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất từ 3–5%/năm, hạn mức 100% giá trị hợp đồng, thời gian vay tối đa 5 năm cho các đơn vị dịch vụ công ích; đơn vị vận tải hành khách (trừ xe buýt) và vận tải hàng hóa; doanh nghiệp đầu tư cơ sở thu hồi, tái chế xe cũ.
Miễn 100% lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển số đối với phương tiện giao thông xanh từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2030.
Bên cạnh đó, thành phố dự kiến hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất từ 3-5%/năm, hạn mức 100% giá trị hợp đồng, thời gian vay tối đa 5 năm cho các đơn vị dịch vụ công ích; đơn vị vận tải hành khách (trừ xe buýt) và vận tải hàng hóa; doanh nghiệp đầu tư cơ sở thu hồi, tái chế xe cũ.
Thành phố cũng dự kiến miễn 100% lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển số đối với phương tiện giao thông xanh từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2030.
Dự thảo nghị quyết cũng đề xuất lộ trình thí điểm và mở rộng vùng cấm phương tiện cá nhân chạy xăng/diesel. Theo đó, thí điểm hạn chế xe máy chạy xăng từ ngày 1/1 đến 30/6/2026.
Thành phố cũng dự kiến cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026 và trong Vành đai 2 từ ngày 1/1/2028.
Dự thảo đề xuất hạn chế ô tô cá nhân dùng xăng/diesel trong Vành đai 2 từ ngày 1/1/2028 và mở rộng ra Vành đai 3 từ ngày 1/1/2030.
Từ năm 2035-2050, Hà Nội dự kiến hạn chế xe cơ giới không phải phương tiện xanh (bao gồm cả xe CNG, hybrid) theo từng cấp độ. Cụ thể, hạn chế trong Vành đai 1 từ năm 2035, trong Vành đai 2 từ năm 2040, trong Vành đai 3 từ năm 2045 và hạn chế toàn thành phố từ năm 2050.
Hà Nội cũng dự kiến thu phí lưu thông và điều chỉnh giá dịch vụ trông giữ sẽ áp dụng theo lộ trình nêu trên đối với xe phát thải gây ô nhiễm.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch chi tiết phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan liên quan để triển khai các chính sách liên quan như chính sách tài chính, phí - lệ phí; quản lý và loại bỏ phương tiện cũ; giám sát, xử lý vi phạm và chính sách hỗ trợ phát triển và khuyến khích đầu tư trạm sạc…
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ thị, trong đó yêu cầu TP Hà Nội thực hiện các biện pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1.
Ngoài việc cấm xe máy xăng từ ngày 1/7/2026, Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2 và từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
PV