Số ca mắc COVID-19 đang gia tăng, các nước Đông Nam Á đã tăng cường biện pháp phòng chống dịch
Tại Kuala Lumpur, Bộ Y tế Malaysia (MOH) đang triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ ở cả trong và ngoài nước, đồng thời cho biết tình hình hiện tại vẫn ở dưới mức báo động.
Bộ trưởng MOH Datuk Seri Dzulkefly Ahmad cho biết Thái Lan đã ghi nhận 16.607 ca mắc mới, trong đó có 6 ca tử vong từ ngày 4 - 10/5.
Singapore ước tính có 14.200 ca từ ngày 27/4 đến ngày 3/5. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận trung bình khoảng 600 ca nhiễm mỗi tuần và không có trường hợp tử vong nào liên quan đến COVID-19 trong năm nay.
Trung tâm ứng phó và chuẩn bị khủng hoảng quốc gia (CPRC) đang tiến hành đánh giá rủi ro để đảm bảo khả năng sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Malaysia vẫn tiếp tục xác định COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm phải được theo dõi chặt chẽ và thường xuyên báo cáo theo Đạo luật Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm năm 1988. Theo đó, tất cả cơ sở y tế công và tư đều phải báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh theo thời gian thực thông qua hệ thống thông báo điện tử của Bộ Y tế, để giúp chính phủ phát hiện sớm và có phản ứng kịp thời với các đợt bùng phát tiềm ẩn.
Ngoài ra, MOH còn sử dụng hệ thống giám sát tin đồn để phát hiện các báo cáo không chính thức từ người dân, phương tiện truyền thông và các nguồn đã được xác minh nhằm tăng cường khả năng cảnh báo sớm. Người dân cũng được khuyến cáo duy trì các biện pháp bảo vệ sức khỏe, đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời nếu có các triệu chứng của bệnh. Các nhóm có nguy cơ cao được khuyến khích tiêm vaccine phòng COVID-19 để giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong.
Theo số liệu từ Tuần dịch tễ học 1 đến 19 trong năm nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 11.727 ca nhiễm COVID-19 và có xu hướng giảm liên tục. Bộ MOH tuyên bố, số ca nhiễm bệnh này vẫn thấp hơn ngưỡng cảnh báo và các biện pháp kiểm soát đang được thắt chặt.
Tuần dịch tễ học là khoảng thời gian bảy ngày, bắt đầu vào Chủ Nhật và kết thúc vào Thứ Bảy, được sử dụng trong nghiên cứu và theo dõi sức khỏe cộng đồng nhằm đánh giá xu hướng, diễn biến tình hình dịch bệnh trong các khoảng thời gian khác nhau.
Tại Phnom Penh, giới chức y tế Campuchia khuyến nghị người dân tiêm vaccine phòng ngừa biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong bối cảnh nước này ghi nhận 6 ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia - bà Or Vandin, đã kêu gọi người dân nước này tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, để giảm nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong. Bà cho biết số ca mắc COVID-19 đang xuất hiện trở lại ở Campuchia, trong khi biến thể mới của SARS-CoV-2, có tên gọi “JN.1”, lây lan ở một số quốc gia trên thế giới.
Cũng theo bà Or Vandine, Bộ Y tế Campuchia đang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng ngừa dịch COVID-19, lưu ý người dân đề phòng và thực hiện các biện pháp “3 không và 3 phòng”. Bà bày tỏ lạc quan rằng việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tiêm phòng COVID-19 có thể giúp giảm thiểu tối đa các trường hợp mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
Thời gian qua, Bộ Y tế Campuchia vẫn duy trì hoạt động thống kê và công bố số liệu về các ca mắc mới COVID-19. Theo thông báo ngày 18/5, Campuchia ghi nhận 6 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng một ngày trước đó.
Hà Nội: Các bệnh sởi, chân tay miệng có xu hướng giảm nhẹ
Thành phố Hà Nội ghi nhận 181 ca mắc sởi, giảm 8 ca so với tuần trước. Cộng dồn năm 2025, thành phố ghi nhận 2.635 ca mắc sởi, 1 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi: 12,5% dưới 6 tháng; 13,1% từ 6-8 tháng; 8,2% từ 9 - 11 tháng; 20,6% từ 1 - 5 tuổi; 13,9% từ 6 - 10 tuổi, 14,7% 11-15 tuổi; 16,9% từ trên 16 tuổi.
Trong tuần ghi nhận 254 ca mắc tay chân miệng, giảm 59 ca so với tuần trước. Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 2.277 ca mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2024 (1.247/0). Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Trong tuần ghi nhận 5 ổ dịch trên địa bàn.
Hà Nội cũng ghi nhận 12 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 8 ca mắc so với tuần trước. Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 251 ca mắc, giảm so với cùng kỳ năm 2024 (667 ca mắc).
CDC Hà Nội thông tin về 1 trường hợp mắc uốn ván người lớn. Đây là bệnh nhân nam (57 tuổi, ở huyện Chương Mỹ). Nam bệnh nhân có tiền sử giẫm phải đinh ở bàn chân phải. Sau đó bệnh nhân có các biểu hiện cứng hàm, nói khó... Bệnh nhân được đưa tới bệnh viện và được xác định mắc bệnh.
Theo CDC Hà Nội, để phòng chống dịch bệnh, ngành y tế Thủ đô tiếp tục thực hiện giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết, phát động chiến dịch diệt bọ gậy; rà soát và tổ chức tiêm chủng vaccine sởi; tăng cường giám sát phát hiện bệnh tay chân miệng tại cộng đồng và trường học...