Hơn 90% trẻ nhập viện chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ
Tiếng ho khàn đặc không dứt của bé V.A.K (7 tháng tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) khiến chị Vũ Thị Phượng (mẹ bé) càng thêm sốt ruột. Vỗ nhẹ lưng con từng nhịp, chị cố gắng giúp con dễ chịu hơn trong lúc chờ bác sĩ.
Theo chia sẻ của chị Phượng, cách đây một tuần, bé nhà chị đã được điều trị viêm phổi tại bệnh viện gần nhà. Nhưng sau khi xuất viện vài ngày, con lại xuất hiện các triệu chứng sốt cao, ho và khó thở. Đưa con vào Bệnh viện Nhi Hà Nội khám, các bác sĩ kết luận con bị viêm phổi tái phát do biến chứng từ sởi.
Trẻ mắc sởi được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi Hà Nội.
Một trường hợp khác là bệnh nhi V.L.H.T (3 tháng tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) được đưa đến Bệnh viện Nhi Hà Nội để thăm khám sau khi sốt, ho, phát ban. Trước đó, bé đã điều trị tại bệnh viện khác vì phát hiện hạch ở nách nhưng không ngờ bị lây nhiễm sởi.
Lo lắng cho con, chị Lê Thị Hòa cho biết do con chưa đủ tuổi để tiêm vaccine sởi nên rất dễ nhiễm bệnh. Khi thấy con phát ban và sốt, gia đình lập tức đưa con vào viện. Bệnh tiến triển rất nhanh, chỉ sau vài ngày con đã bị viêm phổi.
Theo các chuyên gia, trong khoảng 3 tháng trở lại đây, số ca mắc sởi đã gia tăng đáng kể trên cả nước. Tại Hà Nội đã ghi nhận hơn 200 ca mắc sởi, trong đó Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận hơn 40 ca kể từ khi chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 10/2024.
TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, khoảng 30% các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, tổn thương phổi, phải can thiệp thở oxy hoặc thở máy. Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm hơn 40% các ca mắc, nhiều trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm phòng. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận một số ca ở trẻ lớn trên 5 tuổi, tuy nhiên số lượng này không đáng kể.
"Hơn 90% trẻ nhập viện chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. Giai đoạn cách ly xã hội trong dịch COVID-19 khiến nhiều trẻ bị bỏ lỡ các mũi tiêm quan trọng, đồng thời phụ huynh thiếu cảnh giác với lịch tiêm nhắc lại. Điều này dẫn đến sự gia tăng các ca mắc, đặc biệt trong nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi - nhóm chưa đến độ tuổi tiêm vaccine", TS.BS Thúy Nga cho hay.
Làm gì để bảo vệ trẻ khi sởi "vào mùa"?
Theo BS Nga, sởi là bệnh truyền nhiễm có tính chất chu kỳ. Thời gian mắc thường cũng vào giai đoạn đông xuân. Dịch sởi năm 2024 là hệ quả của chu kỳ bệnh dịch tự nhiên kết hợp với tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Người mắc bệnh sởi có khả năng tử vong thấp nhưng lại có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm kết mạc…
TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi.
Biểu hiện của bệnh sởi khá giống với các bệnh lý của đường hô hấp nói chung. Trẻ có biểu hiện sốt, hắt hơi, sổ mũi, nhưng với sởi cũng có đặc trưng riêng. Đó là dấu hiệu 3C, tức là có chảy mũi – ho – viêm kết mạc giai đoạn đầu. Nếu gia đình đưa đi khám sớm trong 1 – 2 ngày đầu, các bác sĩ sẽ phát hiện sớm khi trẻ chưa có dấu hiệu phát ban.
Tuy nhiên, đa phần các gia đình thường chỉ phát hiện khi trẻ đã phát ban ra, sợ con có vấn đề đặc biệt mới đưa đi khám. Trong giai đoạn này, tình trạng bệnh có thể tiến triển khá nhanh.
Để kiểm soát dịch bệnh, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ lịch tiêm vaccine sởi. Tiêm phòng đầy đủ không chỉ bảo vệ cá nhân trẻ mà còn giúp giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Theo lịch, trẻ từ 9 tháng tuổi cần tiêm mũi đầu tiên, nhắc lại mũi hai ở 15-18 tháng và mũi thứ ba khi trẻ 4-6 tuổi. Đối với trẻ có nguy cơ cao hoặc sống trong vùng dịch, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm sớm từ 6 tháng tuổi.
Ngoài ra, các gia đình cần chú ý đến những biện pháp phòng ngừa như: Đảm bảo trẻ được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch, giữ vệ sinh cá nhân giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc đông người. Tại các trường học, cơ sở tập trung, khi trẻ ốm không nên cho trẻ đến trường để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Các chuyên gia y tế khuyến nghị, thời điểm giao mùa không chỉ khiến số ca mắc sởi gia tăng mà còn phản ánh nguy cơ bùng phát của nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, cúm, thủy đậu… và nhiều các bệnh lý liên quan đường hô hấp; bệnh lý tiêu chảy mùa đông do Rotavirus…
Chính vì vậy, người dân nên chủ động chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Khi phát hiện các triệu chứng bất thường như sốt cao kéo dài, phát ban hoặc khó thở, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Anh Khôi