Giá lợn hơi những ngày gần đây liên tục giữ đà tăng, tiến sát mốc 70.000 đồng/kg. Ngày 26/12, giá lợn hơi tại một số tỉnh thành trong khu vực miền Bắc như Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Bình ghi nhận mức giá cao nhất khu vực là 69.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại trong khu vực dao động 67.000-68.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi tăng từ 17.000-19.000 đồng/kg so với mức 48.000-52.000 đồng/kg của ngày 1/1/2024.
Giá lợn nhập tại lò mổ khi cắt tiết, làm sạch lông khoảng 85.000 đồng/kg bao gồm cả nội tạng và thủ. Còn lợn không thủ, không lòng thì 93.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tăng kéo theo giá bán thịt lợn mảnh, thịt móc hàm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận mức tăng nhẹ 10% so với đầu tháng 12. Cụ thể, giá bán thịt ba chỉ lên 130.000-150.000 đồng/kg, thịt nạc vai 130.000-160.000 đồng/kg, thịt mông 11.000-120.000 đồng/kg, sườn non lên 150.000-180.000 đồng/kg…
Giá thịt lợn ủ mát Meat Deli vào sáng 26/12 tại chuỗi cửa hàng Winmart Hà Nội. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Tại hệ thống cửa hàng thực phẩm ghi nhận tăng nhẹ so với đầu tháng 12. Theo khảo sát của Mekong ASEAN sáng 26/12, giá thịt lợn ủ mát Meat Deli tại cửa hàng Winmart dao động 112.900-269.900 đồng/kg. Cụ thể, giá nạc đùi là 132.900 đồng/kg, tăng 21,35% so với mức 109.520 đồng/kg của ngày 1/12. Thịt nạc dăm và thịt ba rọi lần lượt là 187.900 đồng và 194.900 đồng, tương ứng tăng 25,67% và 17,75% so với đầu tháng này. Các sản phẩm còn lại như chân giò rút xương, sườn non, sụn sườn non dao động 112.900-269,900 đồng/kg.
Tại chuỗi cửa hàng thực phẩm Dũng Hà, giá thịt lợn ba rọi 169.000 đồng/kg, thịt nạc vai 220.320 đồng/kg, sườn non 238.680 đồng/kg…
Hiện tượng giá lợn tăng cao chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ tăng vọt vào dịp cuối năm, lễ Tết. Đây là thời điểm mà thịt lợn trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong các món ăn truyền thống như giò chả, bánh chưng, thịt đông…
Giá lợn hơi tăng kéo theo giá bán thịt lợn mảnh, thịt móc hàm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại Hà Nội có sự tăng nhẹ. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị Hằng, một tiểu thương chuyên buôn bán thịt lợn tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội cho biết: “Mùa đông trời lạnh, người tiêu dùng có xu hướng ăn uống, liên hoan nhiều hơn nên mức tiêu thụ thị tăng hơn so với các mùa khác. Đặc biệt, năm nay Tết Nguyên đán đến sớm hơn nên từ giữa tháng 12, giá thịt lợn tôi nhập từ các lò mổ và trang trại cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng”.
Về nguồn cung, thời gian qua dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số địa phương nên nhiều hộ chăn nuôi, trang trại lợn có tâm lý thận trọng, giảm số lượng đàn nuôi. Hơn nữa, cơn bão số 3 (Yagi) hồi tháng 9 gây thiệt hại cho nhiều trang trại tại khu vực miền Trung, dẫn đến chuỗi cung ứng thịt lợn trong nước chưa thể hồi phục như thời gian trước.
Chị Hằng chia sẻ, thịt ba rọi và nạc dăm là hai loại thịt bán chạy nhất tại cửa hàng của chị, vì vậy giá tăng cao hơn các loại khác. “Hầu hết các nhà hàng thịt nướng đều ưu tiên nhập hai loại này, nên hàng thường hết rất nhanh. Đối với người tiêu dùng, nhiều bà nội trợ thường chọn mua thịt xay thay vì sườn non để tiết kiệm chi phí hơn,” chị nói.
Một số người tiêu dùng đã chuyển sang mua các loại thực phẩm khác như thịt gà, cá, hoặc hải sản. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Trước tình hình giá thịt lợn tăng, một số người tiêu dùng lựa chọn mua các mặt hàng thịt khác như bò, gà, cá. Trước khi đi làm, chị Trúc (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tranh thủ đi chợ mua đồ ăn cho gia đình. Thay vì mua thịt lợn, sườn như mọi khi, chị Trúc lựa chọn mua các mặt hàng thịt khác như gia cầm, hải sản. "Tôi thấy giá thịt lợn có tăng nhưng không quá nhiều. Tuy nhiên, thời tiết dạo này thay đổi thất thường, tôi lo gia súc như lợn, bò dễ bị bệnh nên gia đình chuyển sang ăn cá và trứng cho an toàn," chị Trúc nói.
Hà Anh