Sáng 25/2, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 21 - Kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Tham dự Kỳ họp có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Lan Hương.
Một trong những nội dung quan trọng được HĐND thành phố thông qua tại Kỳ họp này, đó là thông qua Nghị quyết về việc thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính của Thành phố.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, việc thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính của Thành phố là nội dung rất quan trọng để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND thành phố. Sau khi được sắp xếp, tổng số lượng cơ quan chuyên môn của UBND thành phố Hà Nội có 15 sở, giảm 6 sở (tỷ lệ giảm 29%) và giảm 1 tổ chức hành chính khác (tỷ lệ giảm 50%).
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính hợp nhất để thành lập Sở Tài chính. Sau hợp nhất, Sở Tài chính mới có: 17 đầu mối trực thuộc gồm 15 phòng và 02 đơn vị sự nghiệp, giảm 6 đơn vị, tỷ lệ 26%. Số biên chế và hợp đồng lao động là 449 người.
Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường. Sau hợp nhất, Sở Nông nghiệp và Môi trường mới có: 25 đầu mối trực thuộc gồm 13 phòng, 04 Chi cục và 08 đơn vị sự nghiệp, giảm 12 đơn vị, tỷ lệ 32%. Số biên chế và hợp đồng lao động là 2.571 người.
Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ để thành lập Sở Khoa học và Công nghệ. Sau hợp nhất, Sở Khoa học và Công nghệ có: 12 đầu mối trực thuộc gồm 08 phòng và 04 đơn vị sự nghiệp, giảm 09 đầu mối trực thuộc, tỷ lệ 42,86%. Số biên chế và hợp đồng lao động là 358 người.
Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ để thành lập Sở Nội vụ. Sau hợp nhất, Sở Nội vụ mới có: 22 đầu mối trực thuộc gồm 11 phòng, 01 Ban và 10 đơn vị sự nghiệp, giảm 07 đơn vị, tỷ lệ 24% không tính các đầu mối chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Công an thành phố. Số biên chế và hợp đồng lao động là 1.521 người.
Sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND thành phố; tiếp nhận nhiệm vụ xúc tiến đầu tư tại nước ngoài của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố và nhiệm vụ của Trung tâm Báo chí Thủ đô thuộc Sở Thông tin và Truyền thông. Sau sắp xếp, Văn phòng UBND thành phố có 13 đầu mối trực thuộc gồm 10 phòng, 01 Chi cục và 02 đơn vị sự nghiệp, giảm 04 đơn vị, tỷ lệ 23,5%. Số biên chế và hợp đồng lao động là 362 người.
Hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải để thành lập Sở Xây dựng. Sau hợp nhất, Sở Xây dựng mới có: 23 đầu mối trực thuộc, giảm 07 đầu mối, tỷ lệ 23,3%. Số biên chế và hợp đồng lao động là 1.346 người.
Thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc Thành phố tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ. Sau sắp xếp, Sở Dân tộc và Tôn giáo có 04 phòng chuyên môn, giảm 03 đơn vị, tỷ lệ 43%. Số biên chế và hợp đồng lao động là 59 người.
Cuối cùng là hợp nhất Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất và Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc để thành lập Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố. Sau sắp xếp hợp nhất, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố Hà Nội có: 11 đầu mối trực thuộc gồm 07 phòng, 03 đơn vị sự nghiệp, 01 Công ty TNHH MTV. Số biên chế và hợp đồng lao động là 229 người.
Vũ Hà
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/ha-noi-giam-6-so-sau-sap-nhap-305549.htm